Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế gấp rút di dời dân trước khi bão số 5 đổ bộ
Hơn 1.000 dân ở huyện miền núi Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam được di dời khẩn cấp trước khi bão số 5 đổ bộ, trong khi đó Thừa Thiên-Huế cũng lên phương án sơ tán dân.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Phước Sơn (Quảng Nam) cho biết, đến 16h30 ngày 11/9, chính quyền địa phương đã tổ chức di dời 278 hộ/1.116 khẩu ở các xã Phước Lộc, Phước Thành, Phước Kim, Phước Công, Phước Chánh, Phước Đức, Phước Hòa, Phước Hiệp và 21 công nhân đang thi công Thủy điện ĐăkMi 2 đến nơi an toàn để phòng tránh bão số 5.
Các địa phương trên địa bàn huyện tổ chức lực lượng trực 24/24, chủ động thực hiện tốt công tác ứng phó với bão, mưa lớn; lực lượng chốt chặt tại các điểm trọng yếu trên địa bàn các xã đã sẵn sàng làm nhiệm vụ; các địa phương đã triển khai công tác chằng chống nhà cửa.
Cũng trong hôm nay, ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, chính quyền địa phương vừa vận chuyển 14 tấn gạo cho 3 xã Phước Kim, Phước Thành và Phước Lộc. Gạo được xe tải chở đến các điểm cất trữ của mỗi xã để phòng trường hợp bị cô lập nhiều ngày thì cấp cho người dân.
Theo ông Trung, việc hỗ trợ gạo cho bà con trước khi bão số 5 đổ bộ vào đất liền được chính quyền địa phương thực hiện sau khi rút kinh nghiệm từ trận mưa bão cuối tháng 10/2020 khiến 13 người chết và mất tích. Thời điểm đó, nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng khiến 3 xã Phước Kim, Phước Thành và Phước Lộc bị cô lập hơn 20 ngày, dẫn đến người dân thiếu thức ăn. Để có nguồn lương thực, bộ đội dùng trực thăng tiếp tế và người dân phải cuốc bộ cõng gạo về làng.
Tại Thừa Thiên – Huế, ông Nguyễn Văn Phương – Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu UBND các huyện, thị xã và TP Huế chỉ đạo các phòng, ban chức năng, các địa phương rà soát các đối tượng dễ bị tổn thương gồm trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo để chủ động sơ tán đến nơi an toàn trước khi bão vào.
Ngoài ra, ông Phương chỉ đạo rà soát, có phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, các khu vực trọng điểm: các vùng ven biển, cửa sông, ven sông ven sông suối; thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông; khu vực đèo Phú Gia, huyện Phú Lộc; khu vực huyện A Lưới; sông Thượng Nhật huyện Nam Đông; sông Tả Trạch đoạn qua xã Thủy Bằng; sông Bồ đoạn qua xã Phong An, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền; phường Hương Vân, phường Hương Văn thị xã Hương Trà; dọc các tuyến đường Quốc lộ 49 lên A Lưới, đường Hồ Chí Minh, đường 71 qua huyện Phong Điền, đường tỉnh lộ 14 qua huyện Nam Đông, đường cao tốc La Sơn - Túy Loan; khu vực ven biển, các vùng thấp trũng, ngập úng để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và nhà nước.
Theo lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên–Huế, đến chiều 11/9, đơn vị chưa có số liệu tổng hợp liên quan đến công tác di dân phòng, chống bão số 5.
Ghi nhận của PV VTC News, tại các vùng biển có nguy cơ sạt lở, triều cường, lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên–Huế đang tổ chức di dân đến nơi an toàn.
Tại thôn Tân An, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang nằm giáp biển, có hơn 40 hộ dân cần được di dời đến vùng an toàn. Trong chiều tối 10/9, Công an xã Phú Thuận cùng Bí thư Chi bộ tổ dân phố thôn Tân An đã đến từng hộ tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết tự nguyện di dời.
Đến sáng 11/9, công tác di dời các bà con, tài sản khỏi vùng nguy hiểm đã được triển khai. Tại xã Phú Hải, huyện Phú Vang có gần 50 tàu xa bờ và thuyền gần bờ trên biển đã được kêu gọi vào bờ neo đậu an toàn, kịp thời trước bão số 5.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, bão số 5 hiện cách bờ biển Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 210 km, sức gió mạnh nhất 100 km/h, cấp 9-10, giật cấp 12. Hôm nay, bão đi chậm hướng Tây với tốc độ 5km/h. Đến 7h giờ ngày 12/9, tâm bão trên vùng biển khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Nam, sức gió mạnh nhất 90 km/h, cấp 8-9, giật cấp 11.
Ngày 12 đến 14/9, các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa có mưa với lượng phổ biến 100-200mm, riêng Quảng Bình và Hà Tĩnh có nơi trên 250mm. Các tỉnh Bình Định, Kon Tum và Gia Lai có mưa với lượng phổ biến từ 50-80mm, có nơi trên 100mm.