Quảng Nam tổ chức Lễ hội Sâm Ngọc Linh lần thứ 6

Lễ hội Sâm Ngọc Linh lần thứ 6 do UBND huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) tổ chức có chủ đề 'Ngọc Linh - Mãi mãi tự hào', diễn ra trong 3 ngày (1-3/8) tại Trung tâm Giới thiệu, tổ chức hội chợ, phiên chợ sâm Ngọc Linh (thôn 1, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My). Lễ hội nhằm quảng bá sâm Ngọc Linh, văn hóa đồng bào đến với người dân trong nước và bạn bè trên thế giới.

Phiên chợ Sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My tổ chức hằng tháng thu hút nhiều khách đến tham quan, mua sắm.

Phiên chợ Sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My tổ chức hằng tháng thu hút nhiều khách đến tham quan, mua sắm.

Ban tổ chức lễ hội cho biết, các hoạt động chính gồm: Lễ rước biểu tượng sâm Ngọc Linh; chương trình khai mạc lễ hội; Phiên chợ sâm Ngọc Linh và dược liệu miền núi; hội thi trình diễn cây nêu; công bố biểu trưng huyện Nam Trà My và Quyết định công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia “Tri thức dân gian về khai thác, trồng và chế biến sâm Ngọc Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam”; hội thi sâm Ngọc Linh trên sân khấu; tổ chức thi các gian hàng ẩm thực miền núi; tổ chức các trò chơi dân gian có thưởng…

Một trong những điểm nhấn của lễ hội là hội thi Sâm Ngọc Linh. Hội thi tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trồng sâm gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm; qua đó, ghi nhận sự thành công của người trồng bảo tồn và phát triển cây Sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Nam Trà My; giới thiệu những tác phẩm sâm đẹp nhất, giá trị nhất đến những người yêu và quan tâm Sâm Ngọc Linh.

Đồng bào Xơ Đăng, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My thực hiện nghi thức cúng thần sâm để tạ ơn đất trời.

Đồng bào Xơ Đăng, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My thực hiện nghi thức cúng thần sâm để tạ ơn đất trời.

Sâm Ngọc Linh dự thi phải có có xuất xứ tại các chốt trồng Sâm Ngọc Linh của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện Nam Trà My, có giấy xác nhận xuất xứ của Chủ tịch UBND các xã, với độ tuổi từ 5 năm trở lên. Sau hội thi, các cá nhân sở hữu các giải sẽ đấu giá các tác phẩm sâm.

Cây Sâm Việt Nam (Sâm Ngọc Linh) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là sản phẩm Quốc gia. Quảng Nam là một trong 2 địa phương (cùng với tỉnh Kon Tum) có cây đặc hữu Sâm Ngọc Linh. Tại tỉnh Quảng Nam, cây sâm Ngọc Linh chủ yếu trồng ở huyện Nam Trà My. Đến nay, trên địa bàn huyện Nam Trà My đã tổ chức cho thuê môi trường rừng trồng Sâm Ngọc Linh dưới tán rừng cho 41 nhóm hộ (513 hộ) với diện tích 469,96ha; 19 tổ chức, doanh nghiệp thuê 364,52ha.

Cây sâm Ngọc Linh đã trở thành cây hàng hóa chủ đạo góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc tại địa bàn vùng trồng sâm. Giá trị kinh tế sản phẩm cây Sâm Ngọc Linh tăng lên rất cao, giá cây Sâm giống loại 1 năm tuổi từ 50.000 đồng/cây tăng lên 300.000 đồng/cây; giá sâm các loại bình quân từ 50-75 triệu/kg; loại đặc biệt 1 củ 2 lạng từ 150-200 triệu đồng/kg lên từ 400-450 triệu đồng/kg; mỗi ha trồng sâm sau 5 năm người dân có thể thu được 30 đến 50 tỷ đồng.

Để đưa cây sâm Ngọc Linh trở thành cây kinh tế chủ lực của địa phương, UBND huyện Nam Trà My đã xác định đến năm 2030 bảo tồn nguồn gene Sâm Ngọc Linh ngoài tự nhiên gắn với bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trong hệ sinh thái rừng; phấn đấu diện tích trồng Sâm Ngọc Linh đạt khoảng 8.400ha vào năm 2030, 100% diện tích trồng Sâm Ngọc Linh được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý; sản lượng khai thác Sâm Ngọc Linh từ năm 2030 đạt khoảng 75 tấn/năm (diện tích khai thác khoảng 250ha/năm).

Hà Linh

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/quang-nam-to-chuc-le-hoi-sam-ngoc-linh-lan-thu-6-post821741.html