Quảng Nam ưu tiên xóa nhà tạm cho đồng bào dân tộc miền núi
Thực hiện chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân, Quảng Nam sẽ ưu tiên xóa nhà tạm cho bà con đồng bào dân tộc miền núi bị thiên tai.
Trước đây, mỗi mùa thiên tai đến, tại các sườn đồi huyện miền núi Tây Giang, thường bị lũ quét làm nhiều nhà cửa của bà con bị trôi, có người mất mạng. Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Nam về xóa nhà tạm, huyện Tây Giang đã sắp xếp lại dân cư, hỗ trợ đất đai, tiền bạc và vật liệu để bà con làm nhà.
Những năm qua, bằng việc lồng ghép các nguồn lực, huyện Tây Giang đã nỗ lực triển khai các chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm. Chỉ riêng năm 2023, địa phương đã cải thiện, hỗ trợ xóa nhà tạm, làm nhà mới cho gần 760 hộ, với số tiền gần 45 tỷ đồng. Từ nay đến năm 2025, huyện miền núi này sẽ bố trí hơn 10,5 tỷ để xóa nhà tạm cho 192 trường hợp là hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách.
Ông Mạc Như Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đặc biệt là ổn định nhà ở, nhiều năm qua, Tây Giang dành phần lớn nguồn lực triển khai hỗ trợ xóa nhà tạm, xem đó là nhiệm vụ trọng tâm gắn với phòng chống thiên tai hiệu quả. Hiện nay người dân huyện Tây Giang đa số có nhà cửa ổn định. Tây Giang phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành xóa nhà tạm, dột nát trên địa bàn.
Tại Quảng Nam, nhiều địa phương miền núi như huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn… đang nỗ lực triển khai nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhằm đảm bảo an cư cho đồng bào khó khăn. Nhiều địa phương linh hoạt lồng ghép các nguồn lực, xã hội hóa nguồn lực giúp "trợ lực" thêm cho mục tiêu an sinh xã hội, tạo sự lan tỏa phong trào hỗ trợ xóa nhà tạm trên địa bàn miền núi.
Phấn đấu đến 2025, cơ bản xóa hết nhà tạm
Theo ông Hồ Văn Tròn, Chủ tịch UBND xã Phước Kim, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, công tác xóa nhà tạm đang được các cấp ngành địa phương triển khai tích cực. Tuy nhiên, tại địa phương vẫn còn nhiều nhiều hộ sống trong các ngôi nhà tạm bợ, cần sự hỗ trợ của các tổ xã hội, nhất là với địa bàn chịu ảnh hưởng thiên tai nặng nề như Phước Kim. Hiện nay địa bàn xã còn 60 nhà tạm. Để hoàn thành mục tiêu xóa 18 nhà tạm, lãnh đạo xã, huyện đi vận động nhiều nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân đóng góp xây nhà.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII đã đề ra mục tiêu quyết tâm hoàn thành cơ bản việc xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh vào năm 2025 nhằm chào mừng Kỷ niệm 50 năm giải phóng tỉnh Quảng Nam.
Để thực hiện mục tiêu này, địa phương đã lồng ghép nhiều nguồn lực, đặc biệt là Nghị quyết số 13 ngày 22/9/2023 của HĐND tỉnh về quy định mức hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 -2025 với tổng kinh phí khoảng 407 tỷ đồng.
Theo Ban Chỉ đạo công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Quảng Nam, dự kiến tổng nguồn vốn xây dựng, sửa chữa 10.456 nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023 - 2025 là gần 537 tỷ đồng.
Ngoài nguồn vốn ngân sách theo Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh và Đề án 1245, dự kiến phải huy động xã hội hóa hơn 114 tỷ đồng để hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2025 cơ bản hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm vào năm 2025, trước mắt, ưu tiên cho bà con đồng bào dân tộc miền núi bị thiên tai. Ngoài nỗ lực của chính người dân, hiện nay, cả hệ thống chính trị tham gia vận động toàn xã hội đóng góp để xóa nhà tạm.
"Phấn đấu đến 2025, Quảng Nam cơ bản xóa hết nhà tạm. Chính vì vậy, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 25 để thực hiện chủ trương này. Vừa qua, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết và UBMT Tổ quốc tỉnh đã phát động phong trào chung tay giúp sức xóa nhà tạm cho dân nghèo trên địa bàn", ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay.
Tỉnh Quảng Nam được xem là địa phương đi đầu trong việc xóa nhà tạm, tạo điều kiện ổn định đời sống người dân khó khăn... Với vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và trách nhiệm của cộng đồng, những ngôi nhà khang trang, kiên cố được dựng xây sẽ tạo ra nguồn lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế, giảm nghèo ở miền núi.
Đến tháng 9/2024, địa phương đã triển khai khởi công, hoàn thành 3.828/10.456 nhà (tỷ lệ 36,6%) cho hộ có công cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tổng nguồn kinh phí đã phân bổ, giải ngân là 109,4 tỷ đồng. Trong đó, đối với 1.918 nhà theo Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh, đến nay đã khởi công, hoàn thành 1.078 nhà (tỷ lệ 56%); đối với 7.460 nhà theo Quyết định 1245, đến nay đã khởi công hoàn thành 2.750 nhà (tỷ lệ 37%).