Quảng Nam và Đà Nẵng phối hợp xây đập tạm trên sông Quảng Huế

Đập tạm trên sông Quảng Huế hoàn thành sẽ giảm tình trạng nhiễm mặn, thiếu nước ở thành phố Đà Nẵng và huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bàn tỉnh Quảng Nam.

UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất chủ trương đắp đập tạm trên sông Quảng Huế năm 2024 và các năm tiếp theo cho đến khi công trình điều tiết nguồn nước và chỉnh trị sông Quảng Huế được xây dựng hoặc có giải pháp công trình phân lưu phù hợp trên sông Quảng Huế.

Trong giai đoạn nắng nóng gay gắt, dòng chảy trên sông Vu Gia không thuận lợi gây tình trạng nhiễm mặn, thiếu nước ở hạ du

Trong giai đoạn nắng nóng gay gắt, dòng chảy trên sông Vu Gia không thuận lợi gây tình trạng nhiễm mặn, thiếu nước ở hạ du

Về lâu dài, UBND tỉnh Quảng Nam và UBND thành phố Đà Nẵng cùng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, sớm tổ chức đánh giá diễn biến lòng dẫn sông Vu Gia và sông Quảng Huế để có giải pháp công trình điều tiết nguồn nước, chỉnh trị sông Quảng Huế phù hợp, bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện.

UBND tỉnh Quảng Nam giao UBND huyện Đại Lộc chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng và các ngành, cơ quan liên quan của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng cung cấp thông tin, phương án, kế hoạch triển khai thực hiện đắp đập tạm; tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn tạo sự đồng thuận để Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng triển khai đắp đập tạm trên sông Quảng Huế.

Vị trí đập tạm Quảng Huế tại xã Đại An, huyện Đại Lộc sau hơn 2 năm chưa gia cố

Vị trí đập tạm Quảng Huế tại xã Đại An, huyện Đại Lộc sau hơn 2 năm chưa gia cố

Trước đó, ngày 21/5, UBND thành phố Đà Nẵng có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Nam về việc triển khai đắp đập tạm trên sông Quảng Huế năm 2024. Công văn này nêu rõ: Thực hiện chủ trương của chính quyền 2 địa phương, Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (chủ đầu tư) đã triển khai gia cố đập tạm Quảng Huế. Sau khi Công ty mở đường để tập kết vật tư chuẩn bị thi công thì bị người dân xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cản trở và cho rằng việc gia cố đập tạm sẽ gây xói lở nghiêm trọng 2 bên bờ sông Quảng Huế và giảm nguồn nước ngầm cho các giếng nước đang sử dụng.

Theo UBND thành phố Đà Nẵng, dự báo thời gian tới, dòng chảy trên sông Vu Gia không thuận lợi, tình hình các nhà máy thủy điện xả lưu lượng không ổn định và tỷ lệ phân nước có chiều hướng tăng về sông Thu Bồn, giảm về phía sông Vu Gia.

Người dân xã Đại An, huyện Đại Lộc cho rằng việc gia cố đập tạm sẽ gây xói lở nghiêm trọng 2 bên bờ sông Quảng Huế

Người dân xã Đại An, huyện Đại Lộc cho rằng việc gia cố đập tạm sẽ gây xói lở nghiêm trọng 2 bên bờ sông Quảng Huế

UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan tuyên truyền, vận động người dân các xã Đại An, Đại Cường, huyện Đại Lộc đồng thuận, hỗ trợ Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng thi công hoàn thành đắp đập tạm trên sông Quảng Huế, đáp ứng nguồn nước cung ứng cho sản xuất và sinh hoạt cho người dân vùng hạ du.

Tại buổi làm việc với Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường vào tháng 3 vừa qua, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị Trung ương sớm có giải pháp căn cơ để vừa đảm bảo ngăn nước, dẫn nước về Nhà máy nước Đà Nẵng trong mùa khô, vừa bảo đảm an toàn, không gây sạt lở vào mùa mưa.

“Chúng tôi mong muốn các dự án do Trung ương đầu tư phải đảm bảo đa dạng sinh học ở lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn chứ không chỉ hướng đến mục tiêu đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và nước phục vụ sản xuất. Lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn hiện có nhiều vấn đề cần được quan tâm, các dự án sắp tới đầu tư phải xem xét, hướng đến nhiều mục đích”, ông Hồ Quang Bửu cho biết.

Long Phi/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/quang-nam-va-da-nang-phoi-hop-xay-dap-tam-tren-song-quang-hue-post1098038.vov