Quảng Nam: Xã Tam Xuân 2 tự ý đốn hạ hàng nghìn cây keo của dân nhưng đền bù 'rẻ mạt'
Tại cuộc họp, lãnh đạo xã Tam Xuân 2 (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) quyết định hỗ trợ 4.000/cây keo đã chặt của dân nhưng người dân cương quyết không chịu.
Ngày 2/10, UBND xã Tam Xuân 2 tổ chức cuộc họp với 4 hộ dân bị chính quyền địa phương tới chặt, nhổ 3.0000 cây keo lá tràm.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Đồng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2 cho biết, khu đất mà 4 hộ dân trồng keo trước đây thuộc quản lý của Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam.
Xã quyết định hỗ trợ 4.000 đồng/cây nhưng dân cương quyết từ chối.
Năm 2009, Nhà nước giao cho xã quản lý. Đến năm 2012, UBND huyện quy hoạch khu đất trên để xây dựng nghĩa địa gò Núi Tre. Do nguồn kinh phí chưa có nên đến đầu năm 2019 mới triển khai và xã cũng gửi thông báo đến bà con về quy hoạch này.
Theo lãnh đạo xã Tam Xuân 2, số lượng keo mà cán bộ xã thuê người đến chặt hạ của 4 hộ dân là 3.000 cây. Bây giờ, chính quyền địa phương quyết định hỗ trợ 4.000 đồng/cây.
Trước mức giá trên, ông Doãn Bá Ba (trú thôn Thạch Kiều) – một trong số 4 hộ dân có keo lá tràm bị cán bộ xã chặt phá, bức xúc. “Riêng keo giống, chúng tôi đã bỏ ra số tiền 2.500 đồng/cây, chưa tính đến công sức chăm sóc suốt 7 tháng qua. Vì vậy, chúng tôi đề nghị xã phải đền 35.000 đồng/cây".
Bà Trần Thị Minh Thuyền (trú thôn Thạch Kiều) cho biết: “Vào năm 2013, mưa bão khiến số lượng lớn keo lá tràm của chúng tôi bị thiệt hại.
Đến đầu năm 2019, tôi và các hộ dân đầu tư trồng lại. Tuy nhiên, chính quyền xã tự ý thuê người vào nhổ keo mà không thông báo hay có một quyết định nào cả”.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các hộ dân, ông Nguyễn Thanh Xuân - Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2 cho rằng, với mức hỗ trợ 35.000 đồng/cây keo mà người dân đưa ra thì xã không thể đáp ứng.
Bởi theo quy định Nhà nước thì keo trồng dưới 1 năm tuổi sẽ được hỗ trợ với mức giá 4.000 đồng/cây.
Không thông báo, xã thuê người đốn hạ keo lá tràm của người dân.
Trước đó, vào sáng 24/9, 4 hộ dân trồng keo ở đồi Núi Tre chết điếng khi thấy hàng nghìn cây keo lá tràm của họ bị cán bộ xã tới chặt, nhổ mà không hề báo trước.
Ông Doãn Bá Ba (41 tuổi, trú thôn Thạch Kiều) không giấu nỗi bức xúc. Ông Ba kể, sau khi được hàng xóm báo tin keo nhà mình bị tàn phá, ông chạy lên đồi Núi Tre và chứng kiến hàng nghìn cây keo lá tràm của gia đình nằm la liệt.
Theo ông Ba, đến thời điểm hiện tại, ông đã trồng và thu hoạch được 3 vụ keo. Vụ keo thứ 4 mà cán bộ xã ngang nhiên chặt hạ này được ông vun trồng cách đây 7 tháng.
Trả lời PV, ông Nguyễn Tấn Đồng – Phó Chủ tịch xã Tam Xuân 2 thừa nhận, việc nhổ keo của người dân là sai.
Theo ông Đồng, năm 2012, UBND huyện Núi Thành có quy hoạch nghĩa địa gò Núi Tre. Do nguồn kinh phí chưa có nên đến đầu năm 2019 mới triển khai.
“Xã có mời 4 hộ dân nằm trong quy hoạch nhưng chỉ có 1 hộ tới làm việc. Khi sự việc trên xảy ra, chúng tôi mới phát hiện trong 4 hộ dân thì chỉ có 1 hộ nhận được thông báo, 1 hộ nhầm tên và 1 hộ sai địa chỉ nên thông báo không đến được.
Việc sai sót này do cán bộ thôn cung cấp danh sách không đúng tên và địa chỉ", ông Đồng giải thích.