Quảng Nam xây dựng nhiều phương án ứng phó thiên tai

Chủ động ứng phó với diễn biến khó lường của thiên tai, trước mùa mưa bão năm nay, tỉnh Quảng Nam yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả… Các địa phương miền núi chủ động lên phương án, triển khai phương châm '4 tại chỗ', hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Sạt lở núi hiện vẫn là nỗi lo thường trực của chính quyền lẫn người dân miền núi tỉnh Quảng Nam trong mùa mưa bão. Nguy cơ sạt lở đang lan rộng, uy hiếp nhiều khu dân cư từng được xem là an toàn. Trung tâm Hành chính huyện miền núi cao Nam Trà My đặt tại xã Trà Mai được xây dựng cách đây 20 năm đang đối mặt với nguy cơ sạt lở rất lớn.

Trên địa bàn huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam có 15 vị trí được cảnh báo nguy cơ sạt lở cao

Trên địa bàn huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam có 15 vị trí được cảnh báo nguy cơ sạt lở cao

Ngay sau lưng các khu dân cư, trụ sở làm việc là đồi núi cao đã xuất hiện nhiều vết nứt, ngày càng nguy hiểm hơn. Sau đợt mưa bão cuối năm 2020, một phần quả đồi phía sau trụ sở cơ quan Thi hành án huyện Nam Trà My bị sạt lở. Khu vực này đã được kè chắn nhưng khu phía sau các trụ sở của Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện, Tòa án, Công an huyện Nam Trà My... tiếp tục xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài gần 1 km.

Ông Đoàn Quốc Ngữ, ở xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam lo lắng: “Mùa mưa bà con cũng sợ, đồi này hay sạt lở rất nguy hiểm. Trước đây cũng có sạt lở bên phía trên đồi có dấu hiệu nứt. Mong muốn của người dân là chính quyền quan tâm làm bờ kè để cho bà con tâm sinh sống”.

Phía sau các trụ sở làm việc của huyện Nam Trà My tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao

Phía sau các trụ sở làm việc của huyện Nam Trà My tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao

Nhiều tuyến đường lên vùng cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam bị thiên tai tàn phá hư hại vào mùa mưa bão năm ngoái, hiện đang gấp rút hoàn thành việc sửa chữa, đảm bảo việc đi lại, giao thương trước mùa mưa bão năm nay. Cứ vào mùa mưa lũ, khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam lại đối mặt với nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, bị cô lập dài này.

Ông Hồ Văn Dang, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh, huyện Nam Trà My cho biết, địa phương đã dự trữ lương thực, đảm bảo sử dụng trong thời gian giao thông bị chia cắt, bố trí lực lượng tại chỗ sẵn sàng hỗ trợ sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn.

“Kịch bản ứng phó với các cấp độ rủi rõ của thiên tai đã được xã xây dựng xong. Chúng tôi đã bố trí lực lượng cho phương án 4 tại chỗ với khoảng 75 người. Chúng tôi rà soát tất cả các điểm có nguy cơ sạt lở để cắm biển cảnh báo người dân. Từng thôn, nóc, tổ dân cư đều đã dự trữ lúa gạo trong kho lúa nhân đạo, nếu bị cô lập thì không lo thiếu đói. Ngoài ra, xã đã làm việc với chủ của 35 quán tạp hóa trên địa bàn, họ cam kết đảm bảo cung ứng cho người dân nếu xảy ra cô lập”, ông Hồ Văn Dang nói.

Tình hình mưa bão năm nay dự báo sẽ diễn biến rất phức tạp. Đến thời điểm này, các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam đã hoàn thiện phương án ứng phó đối với từng loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn, nhất là phương án ứng phó bão, lũ lụt, sạt lở đất, lũ quét.

Các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam cắm biển cảnh báo không cho người dân đi qua các điểm sạt lở

Các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam cắm biển cảnh báo không cho người dân đi qua các điểm sạt lở

Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, các địa phương xác định các khu vực trọng điểm xung yếu để chủ động xây dựng kịch bản bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

“Khi xảy ra sạt lở, tắt đường thì chỉ có lực lượng tại chỗ xử lý. Chúng tôi đã đưa lương thực đến tất cả các xã, mỗi xã từ 5 tấn đến 10 tấn gạo dự trữ, thậm chí chúng tôi đã đưa gạo đến từng thôn nóc xa. Huyện phân công các doanh nghiệp bố trí nhân lực, phương tiện ứng trực ở tất các tuyến giao thông, các điểm nguy cơ sạt sở, nếu xả ra sạt lở thì khi tạnh mưa sẽ triển khai thông tuyến ngay”, ông Trần Duy Dũng cho biết.

Ứng phó với các đợt mưa lũ có thể xảy ra trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các địa phương rà soát, xác định khu vực có nguy cơ cao xảy ra các loại hình thiên tai, nhất là khu vực sườn dốc có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, khu vực bị ngập sâu ven sông suối để chủ động di dời người, tài sản. Đối với những nơi chưa có điều kiện di dời ngay, phải có phương án chủ động sơ tán khi xảy ra tình huống khẩn cấp, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Lực lượng xung kích ứng trực, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ trong thời điểm trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra

Lực lượng xung kích ứng trực, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ trong thời điểm trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra

UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu chủ động bố trí ngân sách địa phương để triển khai công tác phòng chống, khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai theo quy định, tuyệt đối không để người dân nào thiếu chỗ ở, thiếu đói hoặc thiếu các vật dụng thiết yếu khác.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhận định, tình hình thiên tai năm 2024 dự báo sẽ diễn biến rất phức tạp nên địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai từ sớm:

“Chúng tôi xây dựng nhiều giải pháp ứng phó thiên tai như phương châm 4 tại chỗ, biện pháp thích ứng biến đổi khí hậu. Chúng tôi cũng chỉ đạo địa phương kiểm tra thực tế và có giải pháp cụ thể làm sao đó phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân trong mùa mưa bão sắp tới”, ông Bửu nói.

Long Phi/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/quang-nam-xay-dung-nhieu-phuong-an-ung-pho-thien-tai-post1117161.vov