Quảng Ngãi: 30 hộ dân hiến đất làm kè phòng, chống sạt lở
Tự nguyện hiến đất xây dựng đê kè phòng, chống sạt lở là việc làm ý nghĩa mà 30 hộ dân vùng ven sông Phủ (thuộc xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) đã thực hiện.
Tận mắt chứng kiến những đoạn kè kiên cố dọc bờ sông phía xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi mới thấy công tác xây dựng đê kè phòng, chống sạt lở kết hợp làm đường bê tông có ý nghĩa to lớn. Hơn ai hết, những người dân dọc bờ kè thấm thía nhất giá trị từng thước đất mà họ đã hiến tặng.
Công trình đê kè phòng, chống sạt lở phía xã Nghĩa Trung có nguồn vốn hỗ trợ lũ lụt khẩn cấp của Nga với tổng chiều dài gần 600m kết hợp giao thông nội vùng, do Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận và triển khai thực hiện dự án Khắc phục, chống sạt lở bờ sông Phủ đoạn từ cầu Phủ đến đập Bến Nén, đã hoàn thành trong tháng 8-2020.
Ông Nguyễn Đình Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung, cho biết: “Khi UBND xã nghe có nguồn vốn từ Nga hỗ trợ là 9 tỷ thì rất vui mừng. Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng, đền bù xây dựng thì không có được hỗ trợ. Chính vì thế, UBND xã đã xuống người dân thôn An Hà 3, cũng là thôn nằm dọc sông Phủ, để họp dân. Chỉ trong nửa ngày, tất cả 30 hộ dân đồng ý hiến đất tự nguyện, phía đơn vị thi công đồng ý hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Công tác vận động diễn ra rất nhanh, công trình cũng hoàn thành kịp tiến độ”.
Bà Hoàng Thị Lin (82 tuổi, thôn An Hà 3, xã Nghĩa Trung) đã hiến đất 400m2. Trên diện tích này, bà trồng cau, vú sữa, dừa, chuối. Những cây vú sữa, cây dừa đã hơn 20 năm, những bụi tre rất lớn, nhưng bà Lin xin hiến để làm kè chống sạt lở. Bà nói: “Từ cầu sông Phủ đến đập Bến Nén, nước ở đây vào mùa lũ "hung dữ" lắm. Nhà tôi có bụi tre lớn nên có thể chống sạt lở phía vườn nhà. Thế nhưng, nhiều người không có. Sạt lở, nước lũ kéo đến làm sập đường bê tông. Tôi nghĩ rằng mình nên chia sẻ cùng mọi người”.
Hộ ông Bùi Tá Nhạn (58 tuổi, thôn An Hà 3, xã Nghĩa Trung) hiến 150m2 đất, trong đó có đất vườn và đất ruộng. Khi đó, ông đang trồng 40 cây chuối, 70 cây cau, mỗi năm ông có thể thu về khoảng 50 triệu/năm khi trúng mùa được giá. Nhưng ông tự nguyện hiến đất mà không hề đòi hỏi quyền lợi gì khi biết có dự án kè sông Phủ.
Ông nói: “Mỗi năm, mùa lũ bão, cứ nằm trong nhà mà nghe “ầm” là biết cây đã bị lũ cuốn trôi xuống sông. Nếu không có kè thì dù có 150m2 cũng mất hết vì lũ lụt, rồi sẽ mất đến cả đường đi, nhà ở. Nghĩ vậy mà tôi hiến đất kè sông”.
Ông Nhạn còn hơn 3 sào lúa, làm vườn trồng rau. Ông thuê thêm đất để làm ruộng cũng đủ để trang trải cuộc sống cho con cái và gia đình.
Ông Nguyễn Đình Thanh, Trưởng thôn An Hà 3, cho biết: “Nếu không có kè sông Phủ thì mỗi năm sạt lở đến 1 đến 2m, cứ 10 năm như vậy thì đến 20-30m đất cũng cuốn trôi. Có đoạn đã sạt lở đến đường bê tông từ 50 đến 60m, ăn sâu vào gần nhà dân. Vì vậy, khi nghe có nguồn hỗ trợ từ Nga, dù không có nguồn đền bù thì bà con cũng sẵn sàng hiến đất”.
Hàng trăm mét đê kè dọc sông Phủ đã được kiên cố hóa nhờ có 30 hộ dân đồng lòng hiến đất vườn, thậm chí đất nhà ở, cây cối là nguồn lợi của họ. Họ đã đồng lòng hiến hơn 3.000m2 đất để làm công trình kè phòng, chống sạt lở. Giờ đây, đường bê tông dọc sông rất khang trang, quang cảnh sông Phủ thoáng đãng khiến ai nấy đều vui mừng. Mùa mưa lũ năm nay, có kè an toàn, người dân không phải lo lắng nhiều như mọi năm.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/quang-ngai-30-ho-dan-hien-dat-lam-ke-phong-chong-sat-lo-687502.html