Quảng Ngãi cần đẩy mạnh chuẩn hóa nông sản

Tỉnh Quảng Ngãi có nguồn nguyên liệu nông nghiệp dồi dào, song cho đến nay chưa có nhiều sản phẩm nông sản được nâng tầm giá trị, thương hiệu để vươn ra thị trường lớn. Dù rất nhiều chương trình đầu tư, phát triển nhằm vực dậy nông sản phẩm nhưng thiếu vắng sự quan tâm, quyết liệt của ngành chức năng, địa phương nên tiềm năng nông sản vẫn 'giậm chân tại chỗ'.

Tỉnh Quảng Ngãi có nguồn nguyên liệu nông nghiệp dồi dào, song cho đến nay chưa có nhiều sản phẩm nông sản được nâng tầm giá trị, thương hiệu để vươn ra thị trường lớn. Dù rất nhiều chương trình đầu tư, phát triển nhằm vực dậy nông sản phẩm nhưng thiếu vắng sự quan tâm, quyết liệt của ngành chức năng, địa phương nên tiềm năng nông sản vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Tiềm năng bỏ ngỏ

Tỉnh Quảng Ngãi có hơn 5.000 chiếc tàu thuyền, mỗi năm sản lượng khai thác đạt 180.000 tấn thủy sản; là nguồn thu nhập chính của ngư dân ven biển. Cùng với đó, các sản phẩm chế biến từ hải sản cung ứng cho thị trường trong nước được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, phần lớn chỉ dừng ở sản xuất nhỏ lẻ, thời vụ mà chưa xây dựng được chuỗi giá trị hướng đến sản lượng lớn, thị trường chuyên nghiệp hơn.

Từ nguồn nguyên liệu tại chỗ, người dân xã Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi) chế biến mặt hàng truyền thống như cá, mực, khô, rim đóng gói. Vào mùa biển, mỗi ngày các cơ sở thu mua, chế biến từ 25 - 60 tấn cá cơm, cá nục, cá đét… Nhiều sản phẩm đáp ứng các tiêu chí chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) như sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, giải quyết được việc làm cho lao động địa phương. Tuy nhiên đến nay, xã biển này vẫn chưa có sản phẩm thương hiệu, chưa đạt chuẩn OCOP để tiếp cận thị trường rộng mở hơn.

Bà Phạm Thị Hồng, chủ cơ sở chế biến hải sản Hồng Tiến ở xã Tịnh Kỳ cho biết, cá cơm, mực khô rim đóng hộp được đăng ký nhãn hiệu, an toàn vệ sinh thực phẩm và phân phối cho cửa hàng, khách quen; doanh thu mỗi tháng đạt từ 140 - 160 triệu đồng khi chính vụ.

Tự xoay sở nâng chất lượng, tìm mối tiêu thụ bà chưa được tiếp cận, hỗ trợ để tạo dựng thương hiệu riêng. "Tôi làm nghề biển, rồi chuyển sang làm thêm chế biến hải sản nên không biết gì nhiều. Tôi cũng chưa nghe về chuẩn OCOP. Nếu được tìm hiểu, tư vấn thì có thể sẽ tham gia. Hàng chế biến mà đạt chuẩn để tốt hơn mình sẽ theo để cho con sau này nối nghiệp, mở rộng cơ ngơi", bà Hồng cho biết thêm.

Huyện miền núi Minh Long từ lâu nổi tiếng với cây chè xanh, là sản phẩm “tiến vua” của vùng núi Quảng Ngãi. Từ diện tích 90 ha chè vào năm 2016, khi nhu cầu tiêu thụ lớn huyện Minh Long mở rộng diện tích chè lên 154 ha. Mỗi ha thu hoạch được 45-50 triệu đồng, doanh thu từ cây chè xanh hơn 6 tỷ đồng mỗi năm. Chè Minh Long đã khẳng định thương hiệu nhưng chỉ dừng ở sản phẩm tươi, khô và chưa đa dạng thành phẩm tinh chế như cao chè, búp sấy, nước uống đóng chai… Nông sản này cũng chỉ dừng ở quy mô manh mún, nhỏ lẻ vùng miền mà chưa “bước chân” ra vùng tiêu thụ lớn hay xuất khẩu.

“Ở đây bà con trồng chè rồi tự cung tự cấp hay bán cho thương buôn. Chúng tôi cũng đã có nhiều hoạt động giúp xã, nhà nông làm thương hiệu, liên kết sản xuất qua dự án, chương trình như nông thôn mới, OCOP nhưng cấp xã họ không thực hiện, không quan tâm đến”, ông Lê Minh Chí, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Minh Long lý giải.

Cần “lửa” tiếp sức cho nông sản

Thực tế, tỉnh Quảng Ngãi đã nỗ lực, tâm huyết để đa dạng, chuẩn hóa nông sản chủ lực, định danh với thị trường hướng đến xuất khẩu. Một số sản phẩm truyền thống như nước mắm, hành tỏi Lý Sơn, nấm linh chi… bước đầu cung ứng sản lượng lớn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên so tiềm năng và nguồn nguyên liệu sẵn có thì số lượng nông sản đạt chuẩn cho “cuộc chơi mới” còn quá ít.

Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh có 75 sản phẩm thực phẩm truyền thống có thế mạnh, đủ năng lực xuất khẩu nếu đạt chuẩn OCOP. Dù vậy, hiện cũng chỉ có 11 sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh.

Tại TP Quảng Ngãi - nơi có nhiều điều kiện khôi phục, phát triển hàng nông sản truyền thống gắn bó với vùng núi Ấn sông Trà như cá bống, đường phèn, mạch nha, kẹo gương, bò khô… nhưng vẫn chưa có mặt hàng nào nổi bật, đóng góp cho xuất khẩu nông sản. Hơn 20 loại nông sản của TP Quảng Ngãi hầu hết chỉ dừng ở sản xuất thủ công, đóng gói nhỏ lẻ và chưa thật sự có vị thế trên thị trường chuyên nghiệp.

Ông Nguyễn Lâm, Phó Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi cho biết, do địa phương hỗ trợ cho hộ sản xuất, kinh doanh chưa thấu đáo, xuyên suốt; hiểu biết về các chương trình và các biện pháp thực hiện của địa phương, người dân còn mơ hồ nên tâm lý ngại tiếp cận. “Giá trị sản xuất nông nghiệp của chúng tôi chỉ đạt 11%. Nếu hàng nông sản tiêu thụ mạnh thì không dừng ở 11%. Các chương trình như OCOP chưa thật sự đến tay người dân, hộ sản xuất. Phải cùng bắt tay trực tiếp với chủ cơ sở, giúp họ từ thủ tục đến trợ lực vốn, quảng bá, chất lượng thì mới tạo sản phẩm chuẩn, có giá trị kinh tế, tính cạnh tranh cao”.

Một thực tế tại Quảng Ngãi là ở các địa phương tâm huyết, “cầm tay chỉ việc” cho cơ sở sản xuất, người dân thì nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP, chuỗi liên kết tiêu thụ mạnh trên thị trường. Ngược lại, những nơi chưa gắn chặt trách nhiệm, thiếu sự phối hợp của cấp ngành sở tại thì nông sản bán thô, giá rẻ. Điển hình như trong hai năm nỗ lực, huyện Mộ Đức đã có tám sản phẩm đạt chuẩn OCOP, bước đầu khẳng định thương hiệu; trong khi đó nhiều nông sản tiềm năng ở TP Quảng Ngãi, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Minh Long…vẫn loay hoay tìm lối đi.

Các hoạt động của sở, ngành chức năng hỗ trợ cơ sở kiến thức, hướng dẫn biện pháp thực hiện nhưng tại nhiều địa phương tiếp nhận chỉ dừng lại ở văn bản, tập huấn. Sự thiếu “lửa”, chưa tiếp sức tích cực từ chính quyền cơ sở khiến doanh nghiệp, người dân chưa mặn mà tham gia. Tình trạng sản xuất mặt hàng nông sản nhỏ lẻ, tạm bợ manh mún kéo dài.

“Chúng tôi đang nỗ lực thực hiện phấn đấu đạt 3-4 sản phẩm chuẩn OCOP. Huyện đang rà soát lại, nếu sản phẩm dự định trước đây mà khó đạt thì sẽ chuyển loại hình sản phẩm. Tập trung lực từ xã, cơ sở để xác định chọn lại, chọn thêm để phù hợp tình hình mới và phải đạt được”, Chủ tịch UBND huyện Minh Long Đinh Vắn Điết chia sẻ.

Năm 2020, tỉnh Quảng Ngãi đặt mục tiêu chuẩn hóa 66 sản phẩm nhưng hiện chỉ khoảng 36 sản phẩm đạt chuẩn. Vì vậy, Quảng Ngãi đẩy mạnh các biện pháp thực hiện; trong đó, chú trọng đồng hành cùng người dân, HTX, doanh nghiệp về thủ tục hành chính, nguồn vốn, đầu ra cho nông sản để đạt chuẩn OCOP. “Các địa phương chưa tích cực, các hộ kinh doanh thì chưa thấy lợi nên chưa mặn mà. Vì vậy, cần cho người dân, doanh nghiệp thấy lợi ích, hiệu quả khi hàng hóa đạt chuẩn OCOP. Và phải thực hiện các chính sách sau khi sản phẩm đạt chuẩn như hàng hóa được giới thiệu tại các hoạt động thương mại, ký kết hợp tác cung ứng với các đối tác lớn, xuất khẩu… Có như vậy chủ cơ sở, doanh nghiệp mới tham gia nhiều hơn nữa”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi khẳng định.

ĐÔNG HUYỀN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/thong-tin-doanh-nghiep/quang-ngai-can-day-manh-chuan-hoa-nong-san-626155/