Quảng Ngãi cần sớm hoàn thành việc lắp thiết bị giám sát tàu cá

Quảng Ngãi có nhiều tiến bộ trong triển khai chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu của EC, thì tỉnh cần triển khai nghiêm túc, chặt chẽ và đồng bộ, đặc biệt về vấn đề lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Quảng Ngãi cần sớm hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, tính đến tháng 2/2022 toàn tỉnh có 4.573 tàu cá, với tổng công suất gần 1,8 triệu CV, trong đó tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên (khai thác xa bờ) có 3.261 chiếc. Cơ cấu nghề khai thác thủy sản gồm có: Nghề lưới kéo chiếm 32,07%, lưới rê 23,51%, lưới vây 13,91%, nghề câu 22,89% và các nghề khác (chụp, lặn, hậu cần…) chiếm 7,62%. Lao động nghề cá khoảng 38.000 người.

Trong năm 2021, do dịch COVID-19 nên một số cảng cá trong và ngoài tỉnh đóng cửa, làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác của ngư dân, nhưng sản lượng thủy sản khai thác vẫn đạt 264.688 tấn, đạt 125,2% kế hoạch và tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh có 2.806/3.261 tàu có chiều dài 15m trở lên đã lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS); nếu trừ 78 tàu nằm bờ và 229 tàu hoạt động ở ngoài tỉnh nhiều năm không về địa phương, thì tỉ lệ tàu cá lắp VMS ở tỉnh đạt 94,99%. Còn 148 tàu cá hoạt động trong tỉnh chưa lắp VMS, trong đó phần lớn là tàu có công suất nhỏ, hoạt động gần bờ.

Trong năm 2021, tỉnh đã phát hiện 680 lượt tàu cá vượt ra khỏi sơ đồ trên phần mềm của hệ thống giám sát tàu cá và 1.369 lượt tàu cá mất kết nối trên biển trên 10 ngày. Các cơ quan chức năng đã làm việc, xử lý đối với 116 trường hợp, xử phạt 22 trường hợp đối với hành vi không duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m đến dưới 24 m với số tiền 550 triệu đồng.

Công tác phát hiện, xác minh và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ đã được các cơ quan chức năng quan tâm thực hiện, đặc biệt là lực lượng biên phòng. Trong năm 2021, xử phạt vi phạm hành chính 64 trường hợp với 64 đối tượng và tổng số tiền hơn 820 triệu đồng. Trong tháng 1 vừa qua, cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính 5 trường hợp với 5 phương tiện và tổng số tiền là 102 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, công tác thực hiện chống khai thác IUU ở Quảng Ngãi vẫn còn có một số hạn chế: Tình hình ngư dân và tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép tuy được kiểm soát, ngăn chặn nhưng chưa bền vững, vẫn còn tiếp diễn tình trạng tàu cá Quảng Ngãi vi phạm vùng biển nước ngoài.

Tỉ lệ tàu cá đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên) vẫn còn thấp. Công tác phát hiện và xử lý tàu cá vi phạm còn thấp, hành vi tàu cá vượt ranh giới, mất kết nối phát hiện qua hệ thống giám sát tàu cá nhiều, nhưng công tác xử lý còn hạn chế.

Nguyên nhân là do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận ngư dân chưa cao, công tác quản lý tàu cá chưa chặt chẽ. Nhiều tàu cá, ngư dân Quảng Ngãi thường xuyên hoạt động ngoài tỉnh thời gian dài không về địa phương nên khó khăn trong công tác quản lý tàu cá…

Ngày 16/2, tại buổi làm việc với Quảng Ngãi về quả triển khai chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, sau 4 năm EC rút thẻ vàng IUU, thì Việt Nam đã tích cực triển khai các giải pháp để khắc phục với 4 nội dung là: Xây dựng hệ thống pháp luật, quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc của hải sản đánh bắt và thực thi pháp luật. Riêng về nội dung xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã cơ bản hoàn thành.

"Tại Quảng Ngãi, sau một năm trở lại kiểm tra tình hình triển khai thực hiện thì đã nhận thấy địa phương có tiến bộ rất lớn. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu của EC thì tỉnh cần triển khai nghiêm túc, chặt chẽ và đồng bộ ở 3 nội dung còn lại. Đặc biệt về vấn đề lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, Quảng Ngãi mới chỉ đạt hơn 86%, trong khi cả nước đã trên 90%. Đây là việc cần phải làm ngay, vì tàu cá chính là trung tâm của việc thực hiện IUU", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Lưu Hương

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/quang-ngai-can-som-hoan-thanh-viec-lap-thiet-bi-giam-sat-tau-ca-102220217163124455.htm