Quảng Ngãi: Cau vừa mất mùa vừa mất giá
Vụ cau 2023 đã bắt đầu được vài tháng nhưng giá cả khá èo uột khiến người trồng loại cây này thất thu.
Bà Nguyễn Thị Anh Đào (xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) vừa bán gần 50kg cau cách đây không lâu với giá 8.000 đồng/kg. Nhẩm tính so với thời điểm năm 2022, giá tụt sâu đến 7 lần khiến gia đình “hụt” mất khoản thu đáng kể.
“Năm ngoái cũng tầm này bán cau giá ở mức 58.000 đồng/kg. Năm nay giá thấp quá, có khi chỉ vài nghìn đồng, quanh đây có mấy người chê nên để cau chín rụng chứ không bán”, bà Đào chia sẻ.
Nghĩa Hành là một trong những địa phương có diện tích trồng cau khá lớn so với các địa phương khác trong tỉnh Quảng Ngãi. Cau ở đây thường được đánh giá khá cao về chất lượng bởi trái đều, đẹp nên thường được thương lái ưa chuộng.
Trong khi đó, tại huyện Sơn Tây- nơi được mệnh danh ở xứ ngàn cau của Quảng Ngãi với diện tích lên đến hơn 1.000ha, nhiều người cũng đang chờ loại nông sản này tăng giá.
Ông Đinh Văn Đạo (xã Sơn Dung) chia sẻ: “Năm nay giá đầu vụ chỉ khoảng 5.000 đồng/kg rồi tăng từng chút một, thời điểm cao nhất là 10.000 đồng/kg. Giá thấp so với mọi năm, cộng thêm vào việc cau ít trái nên thu nhập không đáng là bao”.
Cũng theo ông Đạo, đợt mưa bão năm 2020 khiến vườn cau của ông từ vài trăm cây chỉ còn lại vài chục cây. Sau đó, ông phải gầy lại lứa cây mới nhưng phải 5-6 năm nữa mới cho trái.
“Dù cau có thấp hơn những năm trước nhưng tính ra trồng cau vẫn khỏe, không tốn công chăm bón hay phân thuốc. Năm nào giá cao thì mình thu lợi nhiều”, ông Đạo cho hay.
Ông Phạm Chí Hùng- chủ một vựa cau ở xã Nghĩa Lâm (huyện Tư nghĩa) cho biết, giá cau hiện tại ông đang thu vào là 10.000 đồng/kg đối với cau miền núi và 12.000 đồng/kg đối với cau đồng bằng.
Năm nay, giá cau thấp hơn các năm khác bởi thị trường Trung Quốc “kén” hơn. Đồng thời, do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết nên cau xấu và ít trái cũng là một trong các nguyên nhân khiến giá không cao.
“Việc thu mua cau thường bắt đầu vào tháng 6 âm lịch mỗi năm. Năm nay, tính đến bây giờ, giá cao nhất tôi thu vào là 14.000 đồng/kg, thời điểm đầu vụ chỉ khoảng 5.000 đồng/kg, mà cau đầu vụ mỗi buồng đều rất ít trái, chủ yếu thu cho các nhà vườn là mối quen, còn đầu vụ năm 2022 đã hơn 20.000 đồng/kg”, ông Hùng cho hay.
Cũng theo ông Hùng, tình trạng giá cau lên xuống xưa nay là chuyện thường tình do việc tiêu thụ đi theo đường tiểu ngạch, phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc.
“Năm ngoái thu mua giá cao lắm, nhưng sau đó giá thấp dần nên tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Đến cuối năm 2022, người dân năn nỉ mua với giá 2.000 đồng/kg mà tôi vẫn phải từ chối vì đã kín kho”, ông Hùng nói thêm.
Theo ông Phạm Hồng Khuyến – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Tây, với giá bán trung bình 10.000 đồng/kg, người trồng cau vẫn có lãi. Tuy nhiên năm nay thời tiết không thuận lợi, nên năng suất cau không đạt.
“Đối với huyện miền núi như Sơn Tây, so với những nông sản khác, tiêu biểu như cây mì thì cây cau vẫn cho thu nhập tốt hơn và hiệu quả hơn vì không tốn công chăm bón, chỉ trồng xuống và đợi thu hoạch. Trong khi đó, cây mì có năm chỉ 2.000 đồng/kg củ nhưng bà con vẫn ít than phiền vì giá cả của nông sản này không tăng đột biến như cau. Vấn đề là phải làm cho bà con hiểu, trồng cau ở Sơn Tây vẫn có hiệu quả kinh tế và vẫn nên gắn bó với cây cau”, ông Khuyến nói.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Tiến Đạt cho biết, hiện nay, cau vẫn xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch nên không ổn định, khó quản lý. Do đó, người dân không nên mở rộng diện tích trồng cau nhằm hạn chế rủi ro khi cung vượt cầu.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quang-ngai-cau-vua-mat-mua-vua-mat-gia.html