Quảng Ngãi đã cho Đà Nẵng 'thông thủy' Lý Sơn
UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản đồng ý về việc mở tuyến đường thủy Đà Nẵng – Lý Sơn theo đề xuất của Bộ GTVT. Trước đó, Sở GTVT Quảng Ngãi đã tham mưu, đề xuất lãnh đạo tỉnh này không đồng ý mở tuyến này.
Tỉnh “bác” tham mưu của Sở
UBND TP Đà Nẵng có văn bản gửi Bộ GTVT xem xét bổ sung 2 tuyến vận tải đường thủy từ bờ ra đảo gồm tuyến Đà Nẵng đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam) và tuyến đường thủy Đà Nẵng – Lý Sơn (Quảng Ngãi) vào danh mục các tuyến vận tải đường thủy từ bờ ra đảo trong vùng biển Việt Nam.
Bộ GTVT sau đó đã có văn bản gửi tỉnh Quảng Ngãi đề nghị lấy ý kiến. Sở GTVT Quảng Ngãi đã có văn bản số 417 do Giám đốc Sở ký ngày 3/3/2021 gửi UBND tỉnh tham mưu không thống nhất mở tuyến đường thủy Đà Nẵng – Lý Sơn.
Lý do được Sở GTVT Quảng Ngãi đưa ra là vì lưu lượng hành khách đi lại trên tuyến (cảng Sa Kỳ, huyện Bình Sơn – Lý Sơn) hiện luôn duy trì ổn định. Cụ thể, trong những ngày bình thường có từ 150 – 200 hành khách nên chỉ có 1 - 2 tàu vận tải khách hoạt động, 4 tàu còn lại phải nghỉ chờ.
Ngày cuối tuần có từ 500 – 700 hành khách từ đất liền ra đảo Lý Sơn. Có 4 tàu hoạt động còn 2 tàu phải nghỉ chờ đến phiên. Riêng các dịp nghỉ lễ như 30/4 - 1/5, 2/9, Tết Dương lịch, Tết cổ truyền hàng năm, số lượng khách ra đảo Lý Sơn khoảng từ 2.000 – 3.000 hành khách/ngày thì 6 tàu đều hoạt động với tần suất 2 lượt/ngày.
Như vậy, năng lực vận tải đường thủy của tỉnh Quảng Ngãi vượt xa so với nhu cầu đi lại của người dân, du khách. Sở GTVT nhận thấy chưa cần thiết nên tham mưu, đề nghị lãnh đạo tỉnh có ý kiến không thông nhất mở tuyến vận tải đường thủy liên tỉnh từ Đà Nẵng – Lý Sơn.
Tuy nhiên, ngày 5/3/2021, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản gửi Bộ GTVT thống nhất việc đề xuất mở tuyến vận tải thủy liên tỉnh Đà Nẵng – Lý Sơn và bổ sung tuyến này vào Thông tư 36/2019 của Bộ GTVT về quy định các tuyến vận tải khách đường thủy từ bờ ra đảo trong vùng biển Việt Nam.
Giải thích về việc “bác” đề xuất của Sở GTVT, ông Đặng Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, việc mở thêm tuyến Đà Nẵng – Lý Sơn sẽ tạo thuận lợi để thu hút khách ra tham quan ở đảo này.
Ông Nguyễn Xuân Bình – Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, việc mở tuyến đường thủy Đà Nẵng – Lý Sơn sẽ có rất nhiều thuận lợi. Nó không chỉ cho sự phát triển du lịch của 2 địa phương mà còn tốt cho du khách và người dân nói chung. Họ vừa có thêm cơ hội đi tham quan, vừa có thêm sự lựa chọn trong phương tiện di chuyển, điểm xuất phát, điểm tiếp cận, hạ tầng…
“Lỗ hổng” trong liên kết phát triển vùng du lịch
Trước đó, tháng 4/2019, Đà Nẵng ban hành Kế hoạch số 2162 về phát triển điểm đến, sản phẩm dịch vụ trên tuyến du lịch đường thủy nội địa TP Đà Nẵng giai đoạn 2019 - 2021. Trong 8 tuyến du lịch đường thủy nội địa được đưa vào khai thác bổ sung có tuyến Sông Hàn - Cù Lao Chàm.
Phía Quảng Nam, mà cụ thể Hội An đã có “phản ứng”, cho rằng Đà Nẵng đơn phương lập kế hoạch đưa khách ra thẳng đảo Cù Lao Chàm từ phía Đà Nẵng mà không có sự bàn bạc với chính quyền tỉnh Quảng Nam cũng như Hội An.
Một số ý kiến cho rằng, việc mở tuyến du lịch Sông Hàn - Cù Lao Chàm của Đà Nẵng sẽ khiến Cù Lao Chàm đối mặt với không ít thách thức như không kiểm soát được số lượng khách. Nguy cơ phá vỡ định hướng phát triển du lịch của khu bảo tồn biển và cả áp lực lên môi trường như thiếu nước ngọt sinh hoạt, tăng lượng rác thải, cạn kiệt nguồn lợi thủy sản…
Khách du lịch đến Cù Lao Chàm chỉ đi qua một tuyến giao thông duy nhất là đường thủy xuất phát từ biển Cửa Đại (Hội An). Trong đó, có một lượng lớn khách du lịch xuất phát từ Đà Nẵng, trung chuyển vào Hội An để đi Cù Lao Chàm. Với định hướng phát triển tuyến du lịch này, Đà Nẵng đang hướng đến phân khúc cao cấp, với loại hình dịch vụ du thuyền, nhà hàng, khách sạn nổi.
Ông Lê Trung Chinh – thời điểm đó đang là Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết đây mới chỉ là kế hoạch. Để kế hoạch trở thành hiện thực thì còn nhiều việc phải làm. Trong đó có việc phối hợp quy hoạch, khảo sát các tuyến giữa hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam.
Từ câu chuyện mở tuyến vận tải đường thủy phục vụ khách du lịch cho thấy, liên kết các địa phương để phát triển du lịch của 5 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung vẫn là câu chuyện nói xong rồi để đó. Tại Diễn đàn hợp tác du lịch 5 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung – Tây Nguyên, các chuyên gia đều có chung nhận định rằng, các tỉnh mới chỉ dừng lại ở việc tổ chức sự kiện, chưa thật sự liên kết để cùng phát triển sản phẩm du lịch.
Sản phẩm du lịch của các địa phương trong vùng na ná nhau nên du khách chỉ chọn một vài điểm đến trong cả vùng. Điều này khiến các địa phương phải cạnh tranh với nhau và động lực để liên kết rất hạn chế. Với tư duy này, rất khó để chuyển từ “điểm du lịch” thành “vùng du lịch” và khó để theo kịp với sự thay đổi dòng khách.
Ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, với sự liên kết hợp tác du lịch giữa TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội và 5 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thì các địa phương sẽ phải ngồi lại với nhau để họp bàn, tìm tiếng nói chung và phải hiện thực hóa các cam kết.
Các địa phương cũng phải cùng làm việc với các hãng hàng không, công ty du lịch, khách sạn… để tìm giải pháp, tìm sản phẩm mới với sự tham gia của cả hệ sinh thái du lịch miền Trung.