Quảng Ngãi: Đề nghị bổ sung thêm 5 mỏ đất phục vụ Dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi
Các nhà thầu và một số chủ mỏ đất dọc hành lang 'siêu' dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi đề nghị chủ đầu tư cho bổ sung thêm 5 điểm mỏ (tổng trữ lượng hơn 2,4 triệu m3) nhằm chủ động và tăng nguồn cung đất đắp, tránh thiếu hụt làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án.
Theo đó, ngày 4/4, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi Ngô Văn Dụng đã ký Công văn gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi để báo cáo nhu cầu sử dụng đất làm vật liệu san lấp và danh sách các mỏ phục vụ Dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi.
Cụ thể, theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công tuyến chính và Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của 10 Khu tái định cư phục vụ dự án đã được phê duyệt, tổng nhu cầu đất đắp mà dự án cần là hơn 4,7 triệu m3; trong đó, tuyến chính cần hơn 4 triệu m3 để hình thành nền đường và 10 Khu tái định cư cần hơn 720.000 m3 để san lấp mặt bằng, thi công hạ tầng.
Theo thiết kế, hướng tuyến dự án đi qua một số khu vực có địa hình cao; do đó phát sinh khối lượng đất đào hơn 2 triệu m3, lượng vật liệu này được tận dụng để đắp nền đường, tiết kiệm chi phí.
Theo chủ đầu tư, sau khi tiến hành điều phối nội bộ, dự án cần thêm 2,7 triệu m3 đất đắp đạt chuẩn, đã bao gồm hệ số tơi xốp. Đến thời điểm hiện tại, đã có 6 mỏ đất dọc hai bên hành lang tuyến được đưa vào hồ sơ dự toán của dự án, với tổng trữ lượng hơn 2,9 triệu m3, công suất gộp 775.000 m3/năm, gồm: Mỏ đất Núi Chồi (xã Tịnh Châu, thành phố Quảng Ngãi) của Công ty Cổ phần Xây dựng - Công nghệ - Dịch vụ Thái Khang; Mỏ đất Núi Lệ Thủy (xã Tịnh Châu, thành phố Quảng Ngãi) của Công ty Cổ phần thương mại Phú Trường.
Cùng với đó là Mỏ đất Núi Dở (xã Bình Tân Phú, huyện Bình Sơn) của Công ty TNHH thương mại và Xây dựng Khải Minh; Mỏ đất Núi Đồng Nàng (ĐĐ2) thuộc xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh của Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản và xây dựng Phước Sang; Mỏ đất Núi Lệ Thủy (ĐĐ 5) thuộc xã Tịnh Châu, thành phố Quảng Ngãi của Công ty Cổ phần đầu tư 706; Mỏ đất thôn Diên Lộc (xã Bình Tân Phú, huyện Bình Sơn) của Công ty Cổ phần thương mại và Xây dựng Tân Xuân.
Nhóm chủ mỏ này cam kết cung cấp cho dự án gần 2 triệu m3, thiếu hơn 700.000 m3. Hơn nữa, để có thể cung cấp đất cho dự án, có đến 5/6 mỏ trong danh sách này phải tiến hành nâng công suất, điều chỉnh Phụ lục 3 và 2/6 mỏ phải gia hạn thời gian khai thác để đảm bảo pháp lý.
Do đó, để chủ động nguồn vật liệu thiết yếu, tránh xảy ra hiện tượng thiếu hụt đất đắp trong quá trình thi công làm ảnh hưởng đến tiến độ tổng thể của dự án, các nhà thầu thi công xây dựng công trình và chủ mỏ đã đề nghị chủ đầu tư cho bổ sung thêm 5 điểm mỏ dọc theo hành lang tuyến, ở hai địa phương là thành phố Quảng Ngãi và huyện Bình Sơn; với tổng công suất khai thác hàng năm hơn 370.000m3, cam kết cung cấp cho dự án gần 2,4 triệu m3.
Nếu đề nghị này được chấp thuận, thì 11 điểm mỏ cung cấp cho dự án sẽ có tổng trữ lượng gần 5,2 triệu m3, công suất khai thác hàng năm hơn 1,1 triệu m3, khả năng cung ứng cho dự án gần 4,4 triệu m3, nhiều hơn nhu cầu 1,66 triệu m3.
Theo nhận định của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, công tác chuẩn bị vật liệu đắp đối với một dự án hạ tầng mở mới hoàn toàn, cần khối lượng rất lớn và trong thời gian ngắn như đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi là tối quan trọng, quyết định đến tiến độ tổng thể dự án sau này.
Hơn nữa, việc gia tăng các điểm mỏ đảm bảo tính pháp lý, có cự ly vận chuyển phù hợp; song song đó là nâng công suất hàng năm đối với từng vị trí khai thác, cũng như tăng trữ lượng các mỏ đã được chọn sẽ tạo nguồn cung vật liệu dồi dào, nhà thầu dễ dàng và nhanh chóng tiếp cận với vật liệu đắp để tổ chức triển khai rầm rộ, tăng mũi thi công trên thực địa và đẩy nhanh tiến độ dự án.
Tuy nhiên, quá trình khảo sát và lựa chọn các điểm mỏ bổ sung, chủ thể có trách nhiệm cần đặc biệt lưu ý tới tiến độ hoàn thiện các thủ tục pháp lý bắt buộc, trữ lượng thực tế còn lại của từng mỏ theo giấy phép được cấp, cũng như công suất hàng năm và chất lượng, giá vật liệu kê khai; tổ chức kiểm tra hiện trạng mỏ và tính trung thực về số liệu do chủ mỏ cung cấp.
Bên cạnh đó là các yếu tố như: Điều kiện khai thác, đường vận chuyển, công tác tuân thủ pháp luật về khai thác khoáng sản, đánh giá tác động môi trường của chủ mỏ và tình hình an ninh trật tự quanh khu vực mỏ... Tránh trường hợp nhà thầu hay các chủ mỏ “cố” đưa những điểm mỏ chưa hoàn thiện pháp lý, không được khảo sát và đánh giá kỹ lưỡng; trữ lượng còn thấp, công suất không đảm bảo hay phát sinh nhiều vướng mắc khó giải quyết, như: Gặp khó trong việc thỏa thuận giải phóng mặt bằng với chủ sử dụng đất tại vị trí khai thác, người dân cản trở, sức chịu đựng của hạ tầng quanh mỏ... làm ảnh hưởng đến khả năng cung ứng vật liệu cho dự án, phải điều chỉnh và bổ sung mỏ vật liệu về sau.
Dự án đường Hoàng Sa – Dốc Sỏi có tổng chiều dài tuyến 26,88km, được đầu tư xây dựng mới hoàn toàn và chạy song song về phía Đông với Quốc lộ 1, đi qua 11 xã, thị trấn của huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh và thành phố Quảng Ngãi. Dự án được thiết kế với hướng tuyến, cụ thể: Đầu tuyến tại Km1+300 – Kết nối với đường Trì Bình - Dung Quất, thuộc xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn (Khu Kinh tế Dung Quất) và cuối tuyến tại Km28+188 – Kết nối với đường Hoàng Sa, tại nút giao đầu cầu đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc, thuộc địa phận xã Tịnh An, thành phố Quảng Ngãi. Đây là dự án nhóm A, công trình giao thông cấp I lớn nhất từ trước đến nay mà tỉnh Quảng Ngãi thực hiện vai trò là chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư lên đến 3.500 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương 1.300 tỷ đồng, phần còn lại là ngân sách tỉnh Quảng Ngãi, thời gian thực hiện từ năm 2022 – 2027.