Quảng Ngãi: Giải pháp nào để 'cứu' tàu vỏ thép?

Nghị định 67/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản được xem là bước đột phá đối với ngành thủy sản. Tuy nhiên, tàu vỏ thép quá mới mẻ đối với ngư dân nên đánh bắt không hiệu quả, trở thành con nợ xấu, thậm chí phá sản.

Tại Quảng Ngãi, các ngân hàng hiện đã khởi kiện 34/41 khách hàng phát sinh nợ xấu, bán 6 tàu là tài sản thế chấp. Trong số 41 tàu thì chỉ có 6 tàu nợ xấu do chủ chây ỳ, cố tình không trả nợ, còn lại 35 tàu là năng lực khai thác yếu kém, ngư trường không thuận lợi, bị mất ngư cụ khi đang khai thác và chủ tàu lâm trọng bệnh. Nguyên nhân phát sinh nợ xấu rất khác nhau, có cả nguyên nhân khách quan, nếu không có sự phân loại, đánh giá lại sẽ thiệt thòi rất lớn cho ngư dân.

Bà TRẦN THỊ PHƯỜNG - Thôn An Vĩnh, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi: “Ngư dân đi biển rất là khó khăn do dịch bệnh, không đi làm được, do đó phải tạo điều kiện giãn nợ cho ngư dân để người ta vươn khơi bán biển. Chứ tình hình vậy không thể nào trả nổi cho ngân hàng”.

Nhiều chủ tàu vỏ thép cho biết, với phương án trả nợ mà các ngân hàng đang áp dụng rất khó cho ngư dân cầm cự được lâu. Tàu vỏ thép vốn vay quá lớn, mỗi quý, chủ tàu phải trả nợ gốc và lãi từ trên 300 triệu đồng. Theo hợp đồng, nếu trả đúng hạn, chủ tàu mới được hưởng lãi suất ưu đãi 1% nhưng chỉ cần một quý không trả được thì lập tức chuyển sang nợ xấu, phải chịu lãi suất thương mại 7%.

Luật sư LÊ XUÂN HUY - PGĐ công ty Luật Nam Hà TP HCM: “Khi chúng ta chưa sửa NĐ cho phù hợp thì cũng cần có cơ chế đề nghị các ngân hàng cần rà soát lại các đối tượng chây ỳ để xử lý. Chính phủ có chủ trương để ngân hàng nhà nước, ngân hàng thương mại khoanh nợ, hoãn nợ để ngư dân yên tâm. Những người làm ăn tốt mà lại dùng cơ chế thương mại thì sẽ thiệt thòi, ảnh hưởng tới các chính sách sau này về vay vốn hỗ trợ cho các đối tượng khác”.

Nhiều đề xuất kiến nghị phía ngân hàng nên cơ cấu lại khoản nợ, ưu tiên thu hồi nợ gốc trước, thu lãi sau để giảm áp lực trả nợ đối với chủ tàu vay vốn. Đồng thời, cần có cơ chế xử lý rủi ro đặc thù riêng với vốn vay đóng tàu theo Nghị định 67 để áp dụng chung cho hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng thương mại cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng ngành thủy sản theo dõi sản lượng đánh bắt từng chuyến biển khi tàu cá cập cảng bốc dỡ cá theo quy định để có cơ sở thu hồi nợ đúng với tình hình thực tế khai thác.

Ông PHAN HUY HOÀNG - Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh Quảng Ngãi: “Đối với tàu vỏ gỗ thời gian vay là 11 năm, tàu vỏ thép là 16 năm, thì 4-6 năm qua là 1/3 thời gian thôi. Ngân hàng cơ cấu lại thời gian trả nợ để ngư dân có điều kiện tiếp tục đi biển, có tiền tu bổ tàu thuyền”.

Các địa phương, các ngành liên quan trong xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định 67 cũng đề nghị cần cho phép chuyển đổi chủ tàu không còn đủ năng lực để hoạt động khai thác hải sản, nâng mức hỗ trợ bảo hiểm thân tàu và hỗ trợ bảo hiểm thuyền viên. Đặc biệt, nghị định mới cần bổ sung chính sách đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên tàu cá, kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm, phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của đội tàu 67, góp phần tái cơ cấu kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Ông LÊ VĂN DŨNG - Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội: “Tôi đề nghị Trung ương tổng kết, xây dựng chiến lược tái cơ cấu kinh tế biển vì hiện nay kinh tế biển còn nhiều việc phải làm, nhất là tổng kết nghị định 67, đề ra biện pháp khắc phục khó khăn và để cho kinh tế biển tiếp tục phát triển”.

Bộ Tài chính cũng cho biết đang chủ động rà soát, nghiên cứu và đang triển khai sửa đổi quy định tại Thông tư 114/2014 về hướng dẫn cấp bù lãi suất do thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định số 67/2014. Theo đó, sẽ bổ sung quy định về nguyên nhân khách quan, bất khả kháng khách hàng được cơ cấu lại nợ và được hưởng chính sách cấp bù lãi suất được công bố theo quy định của pháp luật.

Thực hiện : Nguyễn Hùng Việt Hà

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/quang-ngai-can-som-co-giai-phap-cuu-tau-vo-thep