Quảng Ngãi: Gìn giữ, phát huy và lan tỏa những nét đẹp văn hóa Hre
Tỉnh Quảng Ngãi có 29 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có hơn 187 nghìn người dân tộc thiểu số, chiếm 15,17% dân số toàn tỉnh. Nhận thức sâu sắc về những giá trị văn hóa truyền thống, thời gian qua, người Hre đã cùng nhau gìn giữ, phát huy và lan tỏa những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.
Góp phần bảo tồn các làn điệu dân ca Ta lêu, Ca choi
Nghệ nhân Đinh Văn Dôn (66 tuổi, thôn Bờ Reo, xã Sơn Thượng, huyện Sơn Hà) là người Hre, không chỉ biết hát mà còn biết sáng tác các làn điệu Ca choi (H'chôi) và Ta lêu (Tă têu) đặc trưng của đồng bào mình. Ta lêu là điệu hát kể, Ca choi là một làn điệu hát đối đáp. Khi hát, đồng bào sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ và trang phục truyền thống, điều này không chỉ tạo được nét văn hóa đặc trưng, mà còn góp phần truyền bá ngôn ngữ, khuyến khích mọi người tìm hiểu cái hay, cái đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc mình.
Ngay từ nhỏ, nghệ nhân Đinh Văn Dôn đã được nghe bà và mẹ hát các làn điệu Ca choi, Ta lêu ngọt ngào. Lâu ngày, các làn điệu ngấm dần vào trí nhớ của ông. Khi lớn lên, ông không chỉ hát mà còn sáng tác các bài hát theo các nhạc điệu của đồng bào mình. Đến nay, các bài hát do ông sáng tác được rất nhiều người Hre yêu thích và hát.
Ông Dôn cho biết: Các bài hát do ông sáng tác có nhiều nội dung, nhưng nhiều nhất là sự thay đổi của quê hương, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi cuộc sống mới, tinh thần lao động sản xuất,... Để sáng tác các bài hát, ông đã đi đến từng bản làng tìm hiểu thực tế; đọc sách báo tìm hiểu những chủ trương chính sách mới; thường xuyên tiếp xúc, trò chuyện với người dân để có những câu hát gần gũi với đời sống.
Dân ca là một hình thức sinh hoạt văn hóa có tính cộng đồng của đồng bào Hre. Người Hre thường rủ nhau hát các làn điệu Ca choi, Ta lêu để giao lưu, tâm tình; chia sẻ tâm tư, tình cảm của mình hoặc để thể hiện khả năng ca hát.
Ông Đinh Văn Phin, xã Sơn Thượng cho hay: Hát dân ca, đánh cồng chiêng là nét đẹp truyền thống lâu đời của đồng bào Hre mình. Những lúc sinh hoạt xóm làng, nhà ai có tiệc vui, thậm chí cả lúc buồn người ta cũng hát dân ca. Vì hát không chỉ thể hiện niềm vui mà còn để thể hiện sự nhớ nhung, mất mát. Đặc biệt là những bài hát do ông Đinh Văn Dôn sáng tác nó rất gần gũi sát với thực tế đời sống của người dân nơi đây.
Không chỉ biết hát, sáng tác các bài hát dân ca truyền thống mà ông Đinh văn Dôn còn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống bằng cách thường xuyên hát các bài hát bằng tiếng mẹ đẻ của đồng bào; thường xuyên tham gia trình diễn tại các lễ hội, liên hoan.
Theo ông Dôn, trải qua biết bao thăng trầm, những làn điệu dân ca của người Hre trở thành xa lạ đối với lớp người trẻ. Một số người còn giữ vốn quý của dân tộc mình thì tuổi đã cao, sức đã yếu. Do đó, điều ông trăn trở và mong muốn nhất hiện nay là được phối hợp với chính quyền địa phương để truyền dạy các làn điệu dân ca Ta lêu, Ca choi cho các cháu học sinh người Hre nhằm lưu giữ nét bản sắc văn hóa của đồng bào.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sơn Thượng Đinh Văn Viên cho biết: Ông Đinh Văn Dôn đã được Nhà nước công nhận là Nghệ nhân Nhân dân. Ông không chỉ là người giữ gìn, sáng tác các bài hát truyền thống của đồng bào Hre mà ông còn là người “truyền lửa” cho bà con lao động sản xuất, thực hiện nếp sống văn minh thông qua câu hát. Ông còn là một người có uy tín tại địa phương, do đó, những lúc có chính sách, chủ trương mới thì chính quyền địa phương đều nhờ ông truyền đạt, vận động để người dân đồng lòng thực hiện.
Nặng lòng với chiêng ba
Với tâm nguyện không để văn hóa truyền thống của đồng bào Hre bị mai một, Nghệ nhân Ưu tú Phạm Văn Rôm (53 tuổi, ở thôn Phân Vinh, xã Ba Vinh, huyện Ba Tơ) lại luôn nỗ lực rèn luyện kỹ năng đánh chiêng ba. Niềm đam mê chiêng cứ lớn dần theo thời gian và giờ đây các ông đã trở thành nghệ nhân đánh chiêng tài ba ở địa phương.
Từ nhỏ thường theo chân cha mẹ tham gia các ngày hội của làng, được nhìn các nghệ nhân đánh chiêng, ông Rôm thấy trong lòng thích thú vô cùng. Cũng qua những ngày hội ấy, tình yêu với chiêng bắt đầu nhen nhóm. Từ niềm đam mê, tự học hỏi, cộng với sự truyền dạy của cha nên khi 15 tuổi ông sớm am hiểu, sử dụng thành thạo chiêng ba. Khi trưởng thành, ông thường xuyên tham gia biểu diễn cồng chiêng trong các sự kiện, lễ hội của địa phương. Đến nay, ông Rôm là một trong những nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.
“Hồi trước, cha tôi và những người lớn tuổi dạy đánh chiêng cho lớp trẻ, trong đó có tôi. Đến giờ tôi cũng đang nỗ lực truyền dạy cách đánh cồng chiêng cho lớp trẻ để các thế hệ con cháu sau này biết quý giá những gì tổ tiên để lại”, ông Rôm cho hay.
Với trách nhiệm và niềm đam mê, nghệ nhân Ưu tú Phạm Văn Rôm luôn nỗ lực bảo tồn và phát huy, truyền dạy giá trị văn hóa của đồng bào mình. Ông không chỉ tham gia các lớp tập huấn kỹ năng đánh chiêng ba do Ủy ban nhân dân huyện Ba Tơ mở, mà ông còn mở lớp dạy đánh chiêng ba miễn phí cho các cháu nhỏ tại nhà văn hóa thôn.
Em Phạm Văn Tiến (xã Ba Vinh, một trong những bạn nhỏ tham gia lớp học của ông) cho biết: Em rất vui khi được ông Rôm dạy đánh chiêng ba. Ban đầu mới học em thấy rất khó, nhưng càng học lại càng mê vì khi đánh chiêng thấy lòng vui sướng, quên hết mệt nhọc, lo âu.
Nói về nghệ nhân Phạm Văn Rôm, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ba Tơ Lê Cao Đỉnh hào hứng: Nghệ nhân Đinh Văn Rôm là người tích cực trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Hrê trên địa bàn huyện. Thời gian tới, Phòng sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân huyện tiếp tục mở thêm nhiều lớp tập huấn kỹ năng đánh chiêng ba và mời ông Rôm giảng dạy để góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia này.
Có thể thấy, bằng sự đam mê văn hóa truyền thống, những người như ông Đinh Văn Dôn và Phạm Văn Rôm đã và đang góp sức mình lan tỏa tình yêu dân ca, nhạc cụ truyền thống nhằm phục vụ đời sống tâm linh và đời sống văn hóa của đồng bào Hre.