Quảng Ngãi khát vọng sớm trở thành Trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng Quốc gia
Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mở rộng và xây dựng Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi).
Nhân dịp đầu Xuân năm 2025 phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang về những định hướng, nhiệm vụ của Quảng Ngãi góp phần đưa Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị vào cuộc sống.
Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị đề ra định hướng mở rộng và xây dựng Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi). Định hướng trên có ý nghĩa như thế nào đến phát triển của tỉnh và của vùng, thưa ông?
Xây dựng Trung tâm Lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) là quyết sách lớn, quan trọng của Bộ Chính trị. Hiện tại, Đề án Trung tâm Lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất được Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với tỉnh Quảng Ngãi, các tỉnh/thành trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ và các bộ ngành ở Trung ương có liên quan xây dựng. Đề án đang được Bộ Công Thương tổ chức lấy ý kiến tham gia để hoàn thiện sẽ hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2025.
Hạt nhân của Trung tâm Lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Hiện tại Khu kinh tế Dung Quất đã có hệ thống kho, cảng, đường ống hiện hữu; 3 nhà máy điện khí hỗn hợp đang triển khai thực hiện. Khi hình thành, kỳ vọng Trung tâm phát triển nhanh chóng, có sức lan tỏa, lực hấp dẫn lớn, thu hút được nhiều dự án đầu tư quy mô lớn về hóa dầu, năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch, kho dự trữ xăng dầu, khí... và hoạt động hiệu quả theo mô hình tích hợp năng lượng lọc hóa dầu - khí - điện - năng lượng (năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch), mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi số, qua đó khai thác và sử dụng tối ưu các nguồn tài nguyên.
Sản phẩm của Trung tâm Lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia đa số là những vật liệu và nhiên liệu mới có giá trị tăng thêm cao, thân thiện môi trường, phục vụ tốt nhu cầu trong nước và xuất khẩu, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Hoạt động của Trung tâm đáp ứng xu thế chuyển đổi năng lượng trên thế giới, gắn với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết. Tỉnh Quảng Ngãi tin tưởng Trung tâm Lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất sẽ có tác động tốt, tạo động lực mới, mở ra nhiều thuận lợi cho tỉnh trong thu hút đầu tư các dự án năng lượng, dịch vụ cung ứng năng lượng; nguồn nhân lực chất lượng cao về năng lượng..., để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của vùng ở mức mới, theo hướng thực chất và bền vững, nhất là năm 2025 Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thưa ông, để Trung tâm Lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia được hình thành và phát triển trong thực tế phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Ngãi đã và đang thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như thế nào?
Quảng Ngãi đã tạo lập cơ sở pháp lý về việc hình thành, quản lý và phát triển Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất. Cụ thể, tỉnh tiếp tục phối hợp tích cực với Bộ Công Thương, hoàn thành Đề án Trung tâm, đảm bảo về chất lượng, có căn cứ khoa học, tính khả thi cao; sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện ngay trong năm 2025. Đồng thời tỉnh cũng phối hợp cùng Bộ Công Thương nghiên cứu, xác định rõ trong Đề án, mô hình hoạt động của Trung tâm; hệ thống cơ chế chính sách, đặc biệt là các cơ chế chính sách đặc thù cần thiết, đảm bảo cho sự phát triển của Trung tâm, đủ hấp dẫn để thu hút mạnh mẽ các dự án đầu tư, nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh năng lượng có quy mô lớn, nhằm đạt mục đích về phát triển kinh tế - xã hội đề ra cho Trung tâm và Danh mục các dự án đầu tư tiềm năng về lọc hóa dầu, về năng lượng dựa trên cơ sở phát huy các lợi thế của tỉnh, của vùng.
Quảng Ngãi đã chuẩn bị trước mặt bằng, không gian phát triển Trung tâm; hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện các dự án giữ vai trò là hạt nhân ban đầu để hình thành và phát triển Trung tâm sau này. Cụ thể, với Nhà máy lọc dầu Dung Quất tích cực hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, thủ tục pháp lý... để Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn triển khai thực hiện đúng tiến độ Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, nâng công suất nhà máy từ 148.000 thùng/ngày (6,5 triệu tấn/năm) lên 171.000 thùng/ngày (7,6 triệu tấn/năm); gắn kết nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm chế biến, dự kiến hoàn thành đưa vào vận hành trong Quý I/2028.
Quảng Ngãi đã quy hoạch về không gian phát triển và chuẩn bị sẵn quỹ đất để hình thành phát triển Trung tâm điện lực Dung Quất, diện tích khoảng 103 ha thuộc địa bàn xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, thủ tục pháp lý để. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triển khai thực hiện 2 dự án Nhà máy điện tua bin khí hỗn hợp Dung Quất I, Dung Quất III với công suất 750 MW/nhà máy và dự án Cơ sở hạ tầng dùng chung cho các Nhà máy điện tua bin khí hỗn hợp thuộc Trung tâm Điện lực Dung Quất; nhà đầu tư Sembcorp Utilities Pte. Ltd. (Singapore) triển khai thực hiện Dự án nhà máy điện tua bin khí hỗn hợp Dung Quất II, công suất 750 MW tại Trung tâm Điện lực Dung Quất theo hình thức BOT.
Hiện tại, việc đầu tư thực hiện 3 nhà máy điện khí hỗn hợp có gặp trở ngại do phụ thuộc vào tiến độ của dự án thượng nguồn Mỏ khí Cá Voi Xanh. Để giải quyết khó khăn này, trong định hướng phát triển Quảng Ngãi đã xây dựng phương án dự phòng trong trường hợp Dự án mỏ khí Cá Voi Xanh bị chậm tiến độ, các nhà máy điện khí hỗn hợp được sử dụng nguồn LNG (trong nước, nhập khẩu) thay thế tạm thời nguồn khí từ mỏ Cá Voi Xanh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tỉnh cũng ưu tiên nguồn lực cho đầu tư hoàn thiện, đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế Dung Quất, đảm bảo kết nối thuận lợi với Vùng, với các tỉnh Tây Nguyên, với cả nước; đồng thời tỉnh cũng tập trung cho đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nguồn nhân lực ở tỉnh để đáp ứng nhu cầu phát triển của Trung tâm trong thời gian tới.
Chúng tôi kỳ vọng, một khi Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất được hình thành và phát triển, sẽ tạo được động lực mới, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội, không những của tỉnh Quảng Ngãi mà còn của vùng và cả nước.
Xin trân trọng cảm ơn ông!