Quảng Ngãi: Một người bị lũ cuốn trôi mất tích, sạt lở chia cắt nhiều tuyến đường
Do ảnh hưởng của vùng áp thấp kết hợp với không khí lạnh, mưa lớn kéo dài trong những ngày qua làm cho nhiều khu vực miền núi Quảng Ngãi bị cô lập do nước lũ, sạt lở núi, nhiều tuyến giao thông liên xã bị chia cắt. Trên địa bàn tỉnh ghi nhận một trường hợp bị nước lũ cuốn trôi mất tích trong lúc qua suối về nhà.
Trưa 8/10, Trung tá Lữ Tấn Minh, Trưởng Công an xã Ba Ngạc, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đến 9 giờ sáng nay (08/10), lực lượng Công an, chính quyền địa phương xã Ba Ngạc, huyện Ba Tơ đã tìm thấy thi thể ông Phạm Văn Neo cách nơi bị nạn khoảng 5 km.
Hiện trường vụ tai nạn đuối nước ở suối Nước Lầy, xã Ba Ngạc, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: C.A
Trước đó, khoảng 23 giờ ngày 7/10, ông Phạm Văn Neo (SN: 1954, trú xã Ba Ngạc, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) cùng vợ là bà Phạm Thị Tam lội qua suối Nước Lầy về nhà thì bị nước lũ cuốn trôi. Bà Tam bám được nhánh cây nên may mắn thoát chết. Riêng ông Neo bị nước lũ cuốn mất tích.
Nhận tin báo, lực lượng Công an xã Ba Ngạc, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi đã tổ chức tìm kiếm dọc suối Nước Lầy. Tuy nhiên do nước chảy siết nên công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn. Đến trưa nay (08/10), thi thể ông Neo đã được tìm thấy cách điểm gặp nạn khoảng 5 km. Được biết, gia đình ông Neo có hoàn cảnh hết sức khó khăn.
“UBND xã cùng các ban ngành, mặt trận đoàn thể của xã đến chia sẻ. động viên gia đình vượt qua nỗi đau này. Thực tế địa bàn miền núi rất phức tạp, những ngày mưa, mực nước sông suối dâng cao. Tuy nhiên do người dân mất cảnh giác và lơ là nên mới để xảy ra những sự việc như vậy”, ông Minh cho biết.
Tại Quảng Ngãi do ảnh hưởng của mưa lũ, nhiều tuyến đường chính ở các xã miền núi như Ba Xa, Ba Giang, Ba Lế, Ba Trang, Ba Vinh… (huyện Ba Tơ); Sơn Cao, Sơn Linh, Sơn Thủy, Sơn Ba (huyện Sơn Hà)… bị sạt lở nặng, nhiều tuyến đường bị chia cắt do lũ.
Mưa lớn kéo dài khiến mực nước trên các sông, suối dâng cao, gây ngập sâu nhiều đoạn đường từ trung tâm huyện Ba Tơ về các xã từ 1 đến 2 m. Một số tuyến đường về trung tâm xã Ba Lế, Ba Vinh bị ngập nặng, xói lở, nhiều khu dân cư bị cô lập.
Tại thôn Nước Lô và Gò Khôn, xã Ba Giang, huyện Ba Tơ sạt lở núi gây uy hiếp 25 hộ dân với khoảng 100 nhân khẩu. Hiện chính quyền địa phương đã di dời các hộ dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, huyện Ba Tơ đã cử nhiều đoàn công tác về cơ sở phối hợp với lực lượng tại chỗ ứng phó, phòng chống thiên tai. Hàng trăm học sinh các cấp ở vùng xung yếu ven sông, suối và vùng nguy hiểm sạt lở núi buộc phải nghỉ học.
Sáng 8/10, hơn 350 hộ dân với gần 2.000 nhân khẩu ở thôn Ân Phú, xã Tịnh An, TP. Quảng Ngãi, nơi được ví như là “ốc đảo” giữa lòng thành phố cũng đã bị cô lập hoàn toàn. Tuyến đường độc đạo đi vào thôn đã bị nước ngập gây chia cắt cục bộ.
Ông Võ Văn Khương, Chủ tịch UBND xã Tịnh An, TP. Quảng Ngãi, cho biết, hiện lũ trên sông Trà Khúc đang lên, tràn qua đường vào thôn Ân Phú, để đảm bảo an toàn cho người dân chính quyền địa phương cũng đã cấm đò qua lại vào mùa lũ. Bên cạnh đó lập chốt chặn nghiêm cấm người dân qua lại trên tuyến đường này.
Trước khó khăn hiện tại của người dân, xã cũng đã kiến nghị lên thành phố xin bố trí ca nô chuyên dụng để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Nếu xảy ra mưa lũ kéo dài, gây cô lập chúng tôi cũng có phương án hỗ trợ, cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân. Về lâu dài, xã đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm xây dựng một cây cầu để nhân dân đi lại, đảm bảo an toàn trong những ngày mưa lũ”, ông Khương cho biết thêm.
Ngày 7/10, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Võ Phiên cũng đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu các ngành, địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với vùng áp thấp và mưa, lũ.
Giao cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi, các huyện, thị xã, thành phố ven biển chủ động cấm tàu, thuyền ra biển hoạt động (tạm dừng hoạt động tuyến vận tải hành khách Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại) kiểm đếm tàu thuyền trong hoạt động trên biển, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý tình huống xấu xảy ra.
Các địa phương cần tổ chức kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao bị ngập sâu, chia cắt, lũ quét, sạt lở đất, chủ động sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn. Lực lượng canh gác cần túc trực, hướng dẫn người tham gia giao thông qua các ngầm tràn, ngăn cấm qua các đoạn đường ngập sâu, có nước chảy xiết...