Quảng Ngãi: 'Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh là danh dự!'

Từ nhiều năm nay, một số người dân Quảng Ngãi cho rằng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của bệnh viện (BV) tuyến tỉnh tại địa phương này yếu kém; nên đã chọn cách đi các nơi khác thăm khám chữa bệnh (KCB); chấp nhận tốn thời gian, tiền bạc, công sức, đối mặt rủi ro trên đường đi.

Vụ TNGT nghiêm trọng ngày 14/2, bên trong ba lô là những tờ giấy thăm khám chữa bệnh của hành khách.

Vụ TNGT nghiêm trọng ngày 14/2, bên trong ba lô là những tờ giấy thăm khám chữa bệnh của hành khách.

“Việc nâng cao chất lượng KCB là danh dự”

Cho tới nay, nhiều người Quảng Ngãi vẫn nhắc một số sự cố đáng tiếc như bệnh nhân bị vỡ xương tay phải nhưng kĩ thuật viên BV Đa khoa tỉnh lại bó bột tay trái vào năm 2013; hay năm 2015, chỉ riêng tại BV Đa khoa tỉnh đã xảy ra hàng chục trường hợp sản phụ, trẻ sơ sinh tử vong…

Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 3.870 giường bệnh, trong đó tuyến tỉnh có 2.1260 giường, tuyến huyện hơn 1.600 giường bệnh. Tỷ lệ giường bệnh là hơn 30 giường/10.000 dân, tỷ lệ bác sĩ 7,75 người/10.000 dân.

Một số ý kiến cũng đánh giá sự cố y khoa khó tránh khỏi, nhưng điều đáng nói là cách phục vụ của một bộ phận y, bác sĩ vào thời điểm đó khiến bệnh nhân không hài lòng. Vì thế, người dân Quảng Ngãi chọn cách lặn lội khắp các BV trong cả nước để khám chữa bệnh như ra Đà Nẵng, Huế, TP HCM; chấp nhận tốn thời gian, tiền bạc, công sức, cả rủi ro trên đường đi. Có thể kể ra ví dụ gần nhất là vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng khiến 10 người chết, 11 người bị thương, xảy ra vào giữa tháng 2/2023 tại Núi Thành (Quảng Nam); khi xe ô tô đưa nhóm người dân từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng khám chữa bệnh ở TP Đà Nẵng.

May mắn thoát chết sau tai nạn trên, chị Nguyễn Thị Lệ (ngụ Nghĩa An, TP Quảng Ngãi), kể: “Cứ đêm về hay lúc một mình, hình ảnh người bị ghế đè, người sõng soài bên hông xe, người văng ra đường… cứ hiện ra, ám ảnh”. Dù vết thương trên gương mặt chưa lành, nhưng khi được hỏi sẽ đi khám bệnh ở đâu, chị Lệ cho hay vẫn đến các tỉnh thành khác KCB. “Ra các tỉnh thành khác khám, được làm nhanh hơn, lại ưu tiên cho người ở xa, có nhân viên y tế đưa đi các khoa, phòng khám tận tình”, chị Lệ nói.

Khoảng 15 năm qua, tại Quảng Ngãi đã hình thành dịch vụ đưa đón người dân từ TP, các vùng quê, ven biển, cả vùng cao; đi khám, điều trị bệnh ở các tỉnh thành khác. Có những đội xe dịch vụ từ 16 - 50 chỗ chạy xuyên suốt các ngày để phục vụ nhu cầu người dân. Từ một vài người truyền tai nhau, làng xóm giới thiệu, người đi trước chỉ người sau, hình thành “phong trào” “đi tỉnh khác khám chữa bệnh”.

Đơn cử như tại xã Nghĩa An, có 6 thôn với khoảng 20 ngàn dân, đã có 10 xe ô tô chuyên phục vụ đưa người đi các tỉnh KCB. Sau vụ tai nạn nêu trên, người dân thay đổi lịch trình, chọn cách đi ban ngày, hoặc phương tiện khác an toàn hơn, dù chi phí tăng nhiều so với trước.

Trong báo cáo của Sở Y tế Quảng Ngãi, do GĐ Sở Nguyễn Minh Đức ký ngày 4/4, cho biết, chưa có số liệu cụ thể về người dân Quảng Ngãi khám và điều trị tại các BV ở Đà Nẵng, Quảng Nam.

Theo báo cáo, Quảng Ngãi chưa có chính sách phù hợp để giữ chân, thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng cao. Điều này khiến ngành y tế tỉnh này gặp khó khăn trong việc duy trì, phát triển các chuyên khoa sâu phục vụ người dân.

Tại buổi giao ban báo chí quý I năm 2023 vừa diễn ra, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh thẳng thắn: “Lãnh đạo tỉnh và chính cá nhân tôi cũng không hài lòng với việc phát triển y tế tỉnh nhà cũng như chăm sóc y tế cho người dân”.

Ông Đặng Văn Minh: “Việc nâng cao chất lượng KCB là danh dự không phải của riêng ngành y tế tỉnh mà là của cả tỉnh Quảng Ngãi”.

Ông Đặng Văn Minh: “Việc nâng cao chất lượng KCB là danh dự không phải của riêng ngành y tế tỉnh mà là của cả tỉnh Quảng Ngãi”.

Theo ông Minh, rõ ràng có sự bất thường ở y tế tỉnh Quảng Ngãi, bởi ngay cả những người nghèo, bệnh không nặng, vẫn vượt tuyến đi tỉnh khác để KCB. Vấn đề này đã có nhìn nhận nhưng chưa khắc phục kịp thời. “Lãnh đạo tỉnh đã nhiều lần làm việc, đề nghị ngành y tế chấn chỉnh. Để nâng cao chất lượng KCB, trước mắt, bố trí 200 tỷ đồng từ nguồn vượt thu năm 2022 để mua sắm trang thiết bị và sửa chữa cơ sở vật chất. Một vấn đề khác làm ngay lúc này là thay đổi thái độ phục vụ, không được chần chừ”, ông Minh nói.

Ông Minh cho biết, thời gian tới, tỉnh tập trung kêu gọi xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, chia sẻ gánh nặng cho BV công lập và đáp ứng nhu cầu khám, điều trị chất lượng cao của người dân. “Việc nâng cao chất lượng KCB là danh dự không phải của riêng ngành y tế tỉnh mà là của cả tỉnh Quảng Ngãi”, ông Minh nói.

Dự án cơ sở KCB nghìn tỉ lâm vào bế tắc

Tại Quảng Ngãi, còn một nghịch lý nữa trong lĩnh vực y tế là nhiều lượt bệnh nhân vất vả lặn lội khắp các tỉnh thành để KCB mỗi ngày, nhưng Khu dịch vụ chất lượng cao - BV Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi với tổng mức đầu tư 1.100 tỉ đồng lại bỏ hoang gần 6 năm qua.

Cái tên “Khu dịch vụ chất lượng cao” nằm trên đường Lê Hữu Trác, phường Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi, từng được kỳ vọng sẽ “vực dậy” ngành y tế địa phương. Với diện tích đất sử dụng 11.006m2, nơi đây được giới thiệu quy mô 500 giường bệnh nội trú, 40 phòng khám, 8 phòng mổ chất lượng quốc tế, đạt tiêu chí BV hạng I… do Cty TNHH BV Đa khoa Quốc tế tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư. Dự án khởi công tháng 6/2017, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 9/2018. Nhưng 6 năm qua, dự án chỉ làm xong phần móng rồi bỏ hoang. Hiện khuôn viên dự án cây cỏ um tùm, ao tù nước đọng, trở thành nơi sinh sôi của ruồi muỗi.

Cty TNHH BV Đa khoa Quốc tế Quảng Ngãi được thành lập dựa trên liên doanh liên kết giữa Cty CP Medika Investment Việt Nam và BV Đa khoa tỉnh; trong đó Cty Medika Investment góp 143 tỉ đồng bằng tiền mặt. Dự án thuộc quỹ đất dự phòng của BV Đa khoa tỉnh.

Dự án BV nghìn tỉ bỏ hoang 6 năm qua.

Dự án BV nghìn tỉ bỏ hoang 6 năm qua.

Tỉnh Quảng Ngãi đã 3 lần điều chỉnh chủ trương đầu tư, với thời gian hoàn thành kéo dài đến tháng 6/2021. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, do Cty Medika Investment và BV Đa khoa tỉnh không có sự đồng thuận trong việc vay vốn, khiến dự án rơi vào cảnh “đắp chiếu”.

Một người dân ở phường Nghĩa Lộ, đánh giá, các BV ở Quảng Ngãi hiện chưa đáp ứng nhu cầu KCB ngày càng cao của người dân. Nếu có một BV chất lượng cao, sẽ chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn. Người dân khi bị bệnh cũng không phải tốn thời gian, công sức, tiền bạc đi sang tỉnh khác. Tiếc là sau khi khởi công rầm rộ, dự án làm trong một thời gian ngắn rồi ngưng lại.

Để dự án không đi vào “ngõ cụt”, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo thanh tra dự án, nhằm tìm hướng xử lý, tháo gỡ vướng mắc. Kết luận của Thanh tra tỉnh đã chỉ ra hàng loạt vi phạm ở dự án này. Theo đó, diện tích sử dụng thực hiện dự án 1,1ha, thuộc cơ sở nhà, đất do BV Đa khoa tỉnh đang quản lý, là công sản. Thế nhưng, Sở TN&MT lại tham mưu cho UBND tỉnh ký quyết định cho thuê đất; Sở Tài chính tham mưu xử lý tài sản trên đất và cơ sở hạ tầng khi chưa xem xét đầy đủ quy định hiện hành. Sự thiếu sót trên dẫn đến việc xử lý tài sản, đất đai không đúng theo quy định.

Công tác lập và thẩm định dự án cũng có dấu hiệu gây thất thoát số tiền lớn của Nhà nước và nhà đầu tư. Khi thẩm định, tham mưu, cơ quan chức năng địa phương đã không làm rõ đây là đất công, dù Nhà nước đã quy định không cho phép “xẻ” đất công để liên danh liên kết dự án. Nếu ngay từ đầu, việc này được rạch ròi, dự án đã không lâm vào cảnh như hiện nay.

Ngoài ra, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, BV Đa khoa tỉnh đã không xử lý các tài sản trên đất, dẫn đến các tài sản này bị di dời, phá hủy với giá trị gần 458 triệu đồng, chưa được chủ đầu tư bồi thường, thất thoát tiền ngân sách nhà nước. Trách nhiệm này thuộc về hai bên liên kết; và Sở Y tế chịu trách nhiệm trong việc quản lý nhà nước liên quan dự án.

Sau khi có kết luận của Thanh tra, UBND tỉnh đã chỉ đạo cấp ngành trực thuộc, hướng dẫn nhà đầu tư làm thủ tục tự nguyện trả lại đất, chấm dứt dự án; để tham mưu các thủ tục thu hồi và giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất gắn với tài sản công trên đất cho tổ chức, cá nhân thực hiện dự án phù hợp quy hoạch.

Vũ Vân Anh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/quang-ngai-nang-cao-chat-luong-kham-chua-benh-la-danh-du-post472290.html