Quảng Ngãi: Người 'hồi sinh' cườm đá bảy màu

Cùng với bộ váy truyền thống, những dây cườm đá sặc sỡ được đội trên đầu, đeo trên cổ và quấn ngang hông các cô gái Cor đã trở thành nét đặc trưng, là vẻ đẹp độc đáo của phụ nữ ở vùng cao Quảng Ngãi.

Nặng lòng với cườm đá

Băng qua cầu Suối Nang (thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi), rồi lại tiếp tục men theo con đường nhỏ mới đến nhà của bà Hồ Thị Non. Ở phố núi, nhà bà Non nổi bật so với các ngôi nhà lân cận bởi những chuỗi cườm nhiều màu sắc xanh, đỏ, trắng, vàng… được treo khắp nơi.

Bà Non bên cạnh các chuỗi cườm đá được xâu thủ công.

Bà Non bên cạnh các chuỗi cườm đá được xâu thủ công.

Đã ngoài 70 tuổi, bà Non vẫn thoăn thoắt quấn dây, đo cước, xỏ cườm để sớm hoàn thành các bộ trang sức, đưa đến các xã, huyện chuẩn bị cho dịp lễ, Tết truyền thống.

Dưới sự kết hợp giữa đôi tay nhanh nhẹn và cặp mắt tinh anh hiếm có, từng hạt đá màu nhỏ xíu nằm lần lượt xếp trên thân dây theo trật tự nhất định. Bộ trang sức cườm cứ thế được tạo thành từ hàng nghìn hạt đá nhỏ bằng nửa hạt gạo. Việc phối màu cần đủ bảy màu sắc, dù họa tiết hay xen kẽ các màu có thể khác nhau.

Một bộ cườm đá đầy đủ của phụ nữ Cor gồm ba phần, vòng nhỏ nhất đeo trên đầu, vòng đeo ở cổ và vòng lớn nhất được đeo ở thắt lưng. Để làm nên bộ cườm, người thợ lành nghề phải mất hơn 1 tháng.

Cườm đá được đeo ở phần đầu, cổ và thắt lưng của phụ nữ.

Cườm đá được đeo ở phần đầu, cổ và thắt lưng của phụ nữ.

Vừa xâu cườm, bà Non vừa tỉ tê: “Hồi xưa, mấy bộ cườm này quý lắm, thậm chí còn quý hơn vàng. Người Cor giữ gìn và thường đeo vào những dịp lễ hội, cưới hỏi”.

Với người Cor, nhất là phụ nữ Cor, trang sức cườm vừa là nhu cầu thẩm mỹ vừa ẩn chứa những giá trị trong đời sống văn hóa tinh thần. Các gia đình xem cườm đá là vật hồi môn, truyền lại cho con cái.

Nhưng rồi, trải qua chiến tranh và biến động, thứ đồ trang sức quý giá này cũng dần thất lạc. Đến tuổi kết hôn, trong đám cưới của bà Non cách đây gần 50 năm, bà không còn được đeo trang sức cườm đá. “Đó là điều thiếu sót và day dứt mãi cho đến tận bây giờ…”, bà Non trầm tư, giọng đầy nuối tiếc.

Bà Non từng công tác tại Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trà Bồng, làm nhiệm vụ truyền dạy cách sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc và múa chiêng cho lớp trẻ người Cor tại vùng đất quế.

Cũng từ đây, bà Non trăn trở khi nhìn thấy những thiếu nữ người Cor biểu diễn trong bộ trang phục truyền thống nhưng lại thiếu đi vòng đội đầu, dây đeo cổ, thắt hông bằng cườm đá. Linh hồn của điệu múa cũng vì thế mà mất đi.

Không cam tâm nhìn những chuỗi cườm đầy màu sắc-một biểu tượng văn hóa của người Cor- cứ biến mất dần theo thời gian, bà Non nung nấu quyết tâm phục hồi lại nghề làm cườm đá.

Nghĩ là làm, bà lặn lội đi khắp các tỉnh, thành từ Nam ra Bắc tìm kiếm nguyên liệu cườm đá. Tìm được nguyên liệu rồi, chế tác như thế nào lại là một vấn đề hóc búa khác. Bà Non lại mày mò cách làm trang sức trong ký ức, quên ở đâu lại tìm đến các bà, các mẹ trong làng để học hỏi.

Bộ trang sức dần hoàn thiện, bà Non trở thành người duy nhất ở huyện Trà Bồng làm ra được bộ cườm đá truyền thống trọn vẹn tại thời điểm đó, góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa bản địa nói chung và trang phục của người Cor nói riêng.

Truyền lửa cho đời sau

Hơn 15 năm gắn bó với nghề làm cườm đá, tiếng lành đồn xa, khách hàng của bà Non ngày càng nhiều. Ai cũng muốn mau chóng sở hữu cho mình bộ trang sức quý giá đã có một thời gian dài vắng bóng.

Từ những khách hàng là người địa phương, danh tiếng của bà Non bắt đầu lan sang các vùng lân cận rồi đến tận huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam)- nơi có một cộng đồng người Cor sinh sống khá đông.

Bà Non truyền dạy nghề làm cườm đá cho thế hệ trẻ.

Bà Non truyền dạy nghề làm cườm đá cho thế hệ trẻ.

Nhận thấy một mình không đủ thời gian để hoàn thành các đơn đặt hàng cho khách lẻ và địa phương, bà Non cầm tay chỉ việc, hướng dẫn cụ thể cách làm cho con, cháu và cũng không ngại ngần truyền nghề cho những người có đam mê.

“Chỉ có truyền nghề, phổ biến nghề thật rộng rãi thì mới có thể gìn giữ được đến mai sau”, bà Non chắc nịch.

Trải qua “cuộc phong ba”, tưởng như đã thất truyền thì nay, trang sức cườm đá của người Cor lại phổ biến tại vùng đất quế Trà Bồng. Ngày cưới, dịp lễ hội, các cô gái người Cor trong bộ trang phục truyền thống và bộ cườm đá 7 màu hòa cùng nhịp lắc lư với điệu múa Cà Đáo, âm thanh trầm bổng của cồng chiêng… càng thêm uyển chuyển, duyên dáng.

Là một trong số 54 dân tộc Việt Nam, dân tộc Cor là tộc người bản địa, cư trú lâu đời ở phía tây bắc tỉnh Quảng Ngãi và phía nam - tây nam tỉnh Quảng Nam. Ở Quảng Ngãi, người Cor sống chủ yếu ở huyện Trà Bồng với khoảng hơn 24.000 người.

Bà Non chia sẻ, trong năm 2023, đầu năm 2024, bà đã làm được gần 220 bộ cườm cho người Cor, Ca Dong ở huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam), người Cor ở huyện Trà Bồng và huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi.) Đa số vòng cườm được đặt để phục vụ chương trình dịp lễ, Tết Ngã rạ truyền thống.

Theo Phó trưởng Phòng Quản lý Văn hóa, Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi Phạm Minh Đát, để việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số, cũng như các loại trang phục, trang sức truyền thống nói riêng đạt hiệu quả, ngoài việc truyền dạy cho thế hệ trẻ, còn cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành trong việc tuyên truyền, quảng bá bằng nhiều hoạt động thiết thực, như tổ chức các cuộc trình diễn, trưng bày, triển lãm trang phục truyền thống các dân tộc, hay đưa trang phục truyền thống vào trường học...

Hà Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quang-ngai-nguoi-hoi-sinh-cuom-da-bay-mau.html