Quảng Ngãi: nợ chậm đóng bảo hiểm xã hội hơn 192 tỷ đồng
Dù ngành chuyên môn đã triển khai nhiều giải pháp nhưng vẫn còn hàng loạt đơn vị chây ỳ, chậm đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân, lao động với tổng số tiền lên đến hơn 192 tỷ đồng.
Trên địa bàn huyện Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi) hiện có 226 doanh nghiệp ngoài quốc doanh với hơn 1.500 lao động. Tính đến 31/3, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) đối với lực lượng lao động trong độ tuổi ở địa phương này là hơn 20%.
Thời gian qua, BHXH huyện Tư Nghĩa tích cực tuyên truyền đến các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các chính sách về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) cho người lao động. Đồng thời, xét duyệt hồ sơ, giải quyết các chế độ BHXH một cách nhanh chóng, kịp thời và chính xác, đảm bảo quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng.
“BHXH huyện phối hợp với Liên đoàn lao động, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Công an huyện tổ chức hội nghị tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT tại đơn vị sử dụng lao động và cho người lao động. Đối với các đơn vị nợ đọng, BHXH huyện trực tiếp làm việc với đơn vị sử dụng lao động để giải thích, hướng dẫn nộp tiền, đảm bảo quyền lợi cho người lao động”- Phó Giám đốc BHXH huyện Tư Nghĩa Võ Thế Vinh cho biết.
Theo thống kê của BHXH tỉnh Quảng Ngãi, đến ngày 31/3/2024, toàn tỉnh có gần 129.000 người tham gia BHXH bắt buộc, đạt hơn 92% kế hoạch BHXH Việt Nam giao, tăng gần 6.000 người so với cùng kỳ năm trước, giảm hơn 2.600 người so với cuối năm 2023. Tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN hơn 965 tỷ đồng, đạt gần 24% kế hoạch giao.
Dù vậy, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp ở Quảng Ngãi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN với tổng số tiền chậm đóng đến hết tháng 3/2024 là hơn 192 tỷ đồng, chiếm gần 4,6% so với kế hoạch giao thu và cao hơn 0,29% chỉ tiêu giảm nợ của BHXH Việt Nam giao. Đáng chú ý, tình trạng trên gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của người lao động.
Theo BHXH Quảng Ngãi, nguyên nhân các đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN là do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế tác động lớn đến việc làm, thu nhập của doanh nghiệp cũng như người lao động. Đồng thời, ảnh hưởng mạnh đến công tác thu, giảm tiền chậm đóng.
Trong khi đó, việc xử lý tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài đối với các doanh nghiệp chậm đóng khó thu (phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn...) vẫn chưa có quy định, hướng dẫn giải quyết của pháp luật đã làm cho tỷ lệ chậm đóng của tỉnh Quảng Ngãi đang ở mức cao so với bình quân chung cả nước.
“Trước kia nợ đọng bảo hiểm ở mức một con số, từ 3-5%, nhưng giờ đã tăng cao lên 2 con số. Đây là thực trạng đáng báo động. Vì vậy thời gian qua, BHXH phối hợp với công an thanh tra, kiểm tra và khắc phục được tình trạng này tại một số đơn vị”- ông Hùng cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, hiện vẫn còn rất nhiều đơn đơn vị chậm đóng. Do đó, thời gian tới, BHXH tỉnh sẽ tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp nợ BHXH, giải quyết những thắc mắc, buộc doanh nghiệp thực hiện tốt hơn việc đóng BHXH nhằm đảo bảo quyền lợi cho người lao động.
Thực tế, không ít những sai phạm của các doanh nghiệp, cùng với việc người lao động chưa nắm rõ quyền và lợi ích chính đáng về các loại hình bảo hiểm của bản thân, đã ảnh hưởng không nhỏ tới chính sách ưu việt của BHXH.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành BHXH và doanh nghiệp, tăng cường công tác đối thoại với doanh nghiệp, người lao động, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao nhận thức cho người lao động, giúp chính sách an sinh được thực hiện đúng, đủ và ý nghĩa.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quang-ngai-no-cham-dong-bao-hiem-xa-hoi-hon-192-ty-dong.html