Quảng Ngãi: Nước biển chuyển màu bất thường
Nước biển chuyển sang màu đen nâu, nổi bọt màu vàng khiến người dân hoang mang, lo lắng.
Khoảng một tuần nay, khu vực bờ biển xã Bình Thạnh (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đoạn từ cửa biển Sa Cần đến bãi tắm Khe Hai (dài khoảng 2 km), nước biển có màu đen nâu, nổi bọt màu vàng, đóng váng màu nâu đen trên mặt nước. Sự việc này khiến người dân lo ngại.
Vùng nước biển màu đen kéo dài
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại bờ biển thôn Hải Ninh (Khu kinh tế Dung Quất, xã Bình Thạnh), một vệt nước biển chuyển sang màu đen nâu kéo dài, bọt váng màu vàng đậm nổi lên mặt nước. Tại một số vị trí, sau khi nước biển tràn vào đọng lại có màu đen nâu đậm rõ rệt hơn khiến người dân chứng kiến vô cùng bất an. Tuy nhiên, chúng tôi ghi nhận tại vị trí này không có mùi khác thường.
Theo người dân, hiện tượng nước biển đổi màu đen nâu xuất hiện từ khoảng một tuần trước. Nhiều người nghi ngờ môi trường biển tại đây bị ô nhiễm dẫn đến hiệu quả đánh bắt không như mong đợi, môi trường sống bị ảnh hưởng. Đồng thời họ mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra nguyên nhân để họ yên tâm ổn định cuộc sống.
“Bao nhiêu đời nay không có hiện tượng nước biển đen như thế này, dân chúng tôi đang lo ngại liệu nước biển có ô nhiễm hay bị gì không? Nhờ các cấp chính quyền vào cuộc làm rõ” - bà Phạm Thị Hạnh (làng chài Hải Ninh, xã Bình Thạnh) lo lắng.
Tương tự, ông Huỳnh Tấn Việt (ngụ thôn Trung An, xã Bình Thạnh) cho biết người dân địa phương chưa thấy hiện tượng này bao giờ. “Nếu tình trạng này kéo dài, có nguy cơ biển bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và môi trường sống của những loài thủy sản gần bờ, mong chính quyền sớm vào cuộc xử lý” - ông Việt nói.
Theo quan sát của chúng tôi, khu vực bờ biển xã Bình Thạnh nằm gần các công ty công nghiệp nặng như Công ty Công nghiệp nặng Doosan, Nhà máy thép Hòa Phát, Nhà máy đóng tàu Dung Quất…
Đã lấy mẫu kiểm tra
Về vấn đề trên, đại diện Phòng TN&MT huyện Bình Sơn cho biết sau khi nhận thông tin người dân phản ánh, phòng đã cử cán bộ đến vùng biển hai thôn có xảy ra hiện tượng nước biển chuyển màu đen là Hải Ninh, Trung An (xã Bình Thạnh) và một vị trí không có hiện tượng nước biển màu đen để phân tích, đối chứng.
Hiện các mẫu này đã được gửi đến Trung tâm Kỹ thuật quan trắc môi trường Khu công nghiệp Dung Quất để làm rõ.
Ông Nguyễn Duy Khắc, Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh, cho biết hằng năm vào mùa đông thì biển thường xuyên có hiện tượng nước chuyển màu đen nâu, người ta gọi là bọt biển. Tuy nhiên, năm nay có hiện tượng đóng váng màu đen nâu trên mặt nước nên người dân nghi ngờ.
“Nước biển hằng năm vào mùa đông cũng có bọt nước nâu đen nhưng năm nay đậm hơn nhiều. Lại có váng màu đen đóng lại. Những năm trước, nước có ngả màu đen nâu nhưng không đóng váng lại nhiều như vậy” - ông Khắc nói.
Ông Khắc cũng cho hay khu vực nước chuyển màu gần nơi con tàu PV Alliance mắc cạn trong cơn bão số 5 vừa qua. Ban đầu người dân nghi ngờ hiện tượng nước biển chuyển sang màu đen là do dầu trong con tàu này tràn ra ngoài. Tuy nhiên, theo quan sát thì hiện tượng này không phải do dầu tràn.
“Nếu là dầu thì phải có hiện tượng đóng váng dầu loang trên mặt nước. Khu vực nước đổi màu cũng không có mùi nên tôi đoán là không phải do dầu từ con tàu. Còn nguyên nhân cụ thể phải chờ cơ quan chức năng kết luận” - ông Khắc nói.
Sớm nhất ngày 10-12 có kết quả
Ông Đỗ Thiết Khiêm, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, thông tin huyện đã báo cáo sự việc đến UBND tỉnh Quảng Ngãi và các sở, ngành liên quan. Đồng thời huyện cũng mời các cơ quan, đơn vị về địa phương lấy mẫu xét nghiệm làm rõ nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nước biển chuyển màu.
“Cục Môi trường miền Trung và Tây Nguyên cũng đã vào lấy mẫu, bây giờ phải chờ kết quả” - ông Khiêm nói và cho biết sớm nhất là ngày 10-12 sẽ có kết quả.
Trong khi đó, tại một báo cáo mới đây của UBND huyện Bình Sơn (ngày 5-12) có nêu: “Nhận định bằng mắt thường, hiện tượng trên có ba khả năng xảy ra: Do phân hủy của các loài tảo biển bị sóng đánh trôi dạt vào bờ; nước thải của một số ngành đặc trưng như dăm gỗ hoặc do bùn; rác tích tụ từ sông Trà Bồng, do biến động, sóng đánh nổi lên mặt dạt vào bờ (chưa xác định rõ nguyên nhân)”.
Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/moi-truong/quang-ngai-nuoc-bien-chuyen-mau-bat-thuong-875717.html