Quảng Ngãi sẵn sàng cho năm học mới 2024- 2025

Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi nói chung, các huyện miền núi nói riêng gấp rút hoàn thiện cơ sở vật chất, ổn định đội ngũ giáo viên và tích cực vận động học sinh ra lớp để sẵn sàng cho năm học mới 2024- 2025.

Đến tận nhà vận động học sinh ra lớp

Em Đinh Hoài Anh (lớp 4C, Trường Tiểu học Long Sơn, huyện Minh Long) có hoàn cảnh rất khó khăn. Mẹ mất sớm, em sống cùng cha và anh trai bị khuyết tật. Cha thường xuyên đi làm ăn xa nên Hoài Anh là một trong số những trường hợp có khả năng không ra lớp rất cao trong năm học sắp tới.

Giáo viên và chính quyền địa phương đến nhà vận động học sinh ra lớp.

Giáo viên và chính quyền địa phương đến nhà vận động học sinh ra lớp.

Biết rõ hoàn cảnh gia đình Hoài Anh, thầy cô giáo Trường Tiểu học Long Sơn thường xuyên phối hợp cùng chính quyền địa phương đến tận nhà của em để vận động. Các giáo viên còn mang theo những phần quà để khuyến khích, động viên.

Ông Đinh Văn Ốp (phụ huynh em Đinh Hoài Anh) chia sẻ: “Thời gian gần đây, chính quyền cùng với Ban giám hiệu nhà trường đến vận động cháu ra lớp. Gia đình chúng tôi rất cảm ơn, sẽ cố gắng cho cháu đi học đầy đủ.”

Theo cô giáo Hồ Thị Thương, đời sống bà con đồng bào ở huyện Minh Long vô cùng khó khăn, quanh năm gắn bó với nương rẫy nên họ chưa quan tâm nhiều đến việc học của con em. Từ đó, việc học sinh nghỉ học vẫn thường diễn ra, nhất là sau thời gian nghỉ hè.

"Đối với các thầy, cô giáo miền núi, bên cạnh công tác chuyên môn còn có thêm nhiệm vụ là đi gõ cửa từng nhà để thuyết phục những học sinh nghỉ học đến trường"- cô Thương nói.

Công tác vận động học sinh ra lớp được triển khai từ tháng 8.

Công tác vận động học sinh ra lớp được triển khai từ tháng 8.

Nhằm đảm bảo sĩ số học sinh trong năm học mới, ngay từ đầu tháng 8, các giáo viên ở huyện miền núi Minh Long đã tích cực vận động học sinh ra lớp, nhất là những trường hợp có nguy cơ bỏ học. Dù gặp khó khăn, nhưng các thầy cô đều không nản lòng, tất cả vì mục tiêu đảm bảo chất lượng dạy học và đặt học sinh làm trung tâm.

Năm học 2024-2025, toàn huyện Minh Long có trên 4.600 học sinh, đến nay tỷ lệ ra lớp tương đối đầy đủ. Số học sinh còn lại chưa ra lớp, các thầ cô giáo sẽ tiếp tục đến từng nhà vận động.

Hoàn thiện cơ sở vật chất

Bên cạnh việc đảm bảo tỷ lệ học sinh ra lớp, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Quảng Ngãi nói chung, các huyện miền núi nói riêng còn gấp rút hoàn thiện cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, ổn định đội ngũ giáo viên, vệ sinh trường lớp.

Chuẩn bị cho năm học mới 2024-2025, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Thanh Kháng (huyện Sơn Tây) đầu tư xây dựng thêm 9 phòng học, 12 phòng ở bán trú để xóa 3 điểm trường lẻ.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Thanh Kháng được đầu tư xây dựng khang trang.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Thanh Kháng được đầu tư xây dựng khang trang.

Năm học 2024-2025, huyện Sơn Tây đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa cơ sở trường lớp. Hiện nay, các trường học phối hợp với địa phương, phụ huynh vận động học sinh ra lớp theo kế hoạch khai giảng năm học mới.

Còn tại Ba Tơ, huyện miền núi này có 47 trường học với khoảng 16 ngàn học sinh. Huyện có 1 trường dân tộc nội trú và 3 trường Phổ thông dân tộc bán trú. Để chuẩn bị cho năm học mới, Phòng GD&ĐT huyện phối hợp các xã, thị trấn rà soát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, sách giáo khoa.

Ký túc xá cho học sinh vùng dân tộc thiểu số.

Ký túc xá cho học sinh vùng dân tộc thiểu số.

Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Tơ Đinh Thị Ái Ly cho biết: “Về cơ sở vật chất, hàng năm phòng đều tham mưu UBND huyện bổ sung kinh phí đầu tư. Đối với trường có phòng học không đảm bảo an toàn cho học sinh sẽ được ưu tiên sửa chữa”.

Năm học 2024- 2025, Quảng Ngãi có gần 600 đơn vị, cơ sở giáo dục; xấp xỉ 9.200 lớp học với khoảng 287 nghìn học sinh, học viên. Tỉnh đã bố trí từ nguồn vốn sự nghiệp giáo dục 30 tỷ đồng để ngành GD&ĐT sửa chữa cơ sở vật chất cho 39 đơn vị trực thuộc.

Đối với các huyện miền núi, hiện nay 100% trường tiểu học tại vùng dân tộc thiểu số (DTTS) đã xây dựng mô hình về tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS.

Từ đó, tạo sân chơi, môi trường học tập lành mạnh, thân thiện phát huy được sự tự tin, tính sáng tạo của các em học sinh DTTS trong quá trình học tập, giúp các em từng bước tích lũy vốn tiếng Việt, rèn kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống,...

Số lượng học sinh đọc chưa rõ âm, vần, tiếng, nói chưa tròn câu có chuyển biến giảm tích cực, từng bước góp phần nâng chất lượng giáo dục ngày một tốt hơn. 100% trẻ em 5 tuổi người DTTS đều học các lớp chuẩn bị tiếng Việt trước khi bước vào lớp 1.

Công tác chuẩn bị cho năm học mới ở Quảng Ngãi đã cơ bản hoàn thành.

Công tác chuẩn bị cho năm học mới ở Quảng Ngãi đã cơ bản hoàn thành.

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Ngọc Thái cho biết, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho năm học mới đã cơ bản hoàn thành.

“Hiện Sở đang phối hợp các huyện khảo sát để trình cấp thẩm quyền đưa vào kế hoạch trung hạn 2026-2030 để triển khai xây dựng cơ sở vật chất. Các dự án đầu tư công trung hạn cũng sẽ ưu tiên cho các trường ở khu vực miền núi”- ông Nguyễn Ngọc Thái thông tin.

Hà Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quang-ngai-san-sang-cho-nam-hoc-moi-2024-2025.html