Quảng Ngãi sẵn sàng đón sóng đầu tư
Quảng Ngãi đang tận dụng 5 loại 'vốn sẵn có' về tự nhiên, địa kinh tế, cơ sở hạ tầng, văn hóa và nhân lực để phát triển vươn lên trở thành điểm đến của nhà đầu tư quốc tế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Võ Phiên tiếp ngài Apirat Sugondhabhirom, Tổng Lãnh sự quán Thái Lan tại TP.Hồ Chí Minh.
Cửa ngõ quan trọng
Quảng Ngãi nằm ở vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và hành lang kinh tế Đông - Tây, có diện tích hơn 5.135 km2, dân số gần 1,3 triệu người cùng nhiều vùng đất rộng lớn, trù phú trải dài rộng khắp trên địa bàn. Đây là tiềm năng lớn để phát triển nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, dịch vụ và kinh tế biển đảo.
Bên cạnh đó, Tỉnh có tiềm năng để phát triển, khái thác, đánh bắt và nuôi trồng khi sở hữu ngư trường rộng trên 11.000 km2, đường bờ biển dài 130km với sản lượng thủy hải sản dồi dào.
Được thiên nhiên ưu đãi, Quảng Ngãi có hơn 130 km bờ biển với nhiều bãi tắm đẹp, nên thơ cùng những bãi cát trắng mịn. Kết hơp với sự đa dạng và đan xen kỳ diệu của địa hình và khí hậu nhiệt đới gió mùa, xứ Quảng còn có hệ sinh thái rất phong phú, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Núi Cà Đam, Thác Trắng. Ngoài ra, các di sản địa chất có giá trị khoa học, khảo cổ, lịch sử bao gồm các khu vực Lý Sơn, Bình Châu đã làm nên Công viên địa chất toàn cầu với tổng diện tích hơn 12.760 ha, có giá trị du lịch độc đáo.
Song song với đó, Quảng Ngãi là địa phương có kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ, thông suốt. Nơi đây có quốc lộ 1A, quốc lộ 24A nối với các tỉnh Tây Nguyên, Nam Lào, Myanmar và Bắc Thái Lan. Trung tâm thành phố Quảng Ngãi cách cảng hàng không quốc tế Chu Lai 30km, dự kiến đến năm 2025 sẽ trở thành cảng hàng không quốc tế trung chuyển hàng hóa với công suất 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Đặc biệt, cảng biển nước sâu Dung Quất của địa phương này còn có thể tiếp nhận tàu đến 100.000 tấn. Đây là cửa ngõ quan trọng cho xuất nhập khẩu hàng hóa trong nước và quốc tế.
Tập trung nguồn lực đón sóng đầu tư
Về thu hút đầu tư, Quảng Ngãi có Khu kinh tế Dung Quất với diện tích hơn 45.300 ha, là một trong 5 Khu kinh tế ven biển được Chính phủ ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng và có chính sách ưu đãi cao nhất Việt Nam.
Khu kinh tế Dung Quất đã thu hút được các dự án quy mô lớn ứng dụng kỹ thuật cao như Nhà máy lọc dầu Dung Quất suất với công suất 6,5 triệu tấn/năm và đang hoàn thành giải phóng mặt bằng để đầu tư nâng cấp lên 8 triệu tấn/năm; Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất với công suất 4 triệu tấn/năm; Nhà máy công nghiệp nặng Doosan với tổng mức vốn đầu tư 315 triệu USD; Khu phức hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị VSIP…
Ngoài ra, Quảng Ngãi còn có 4 khu công nghiệp tập trung và 15 cụm công nghiệp, làng nghề được đầu tư kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu cho các nhà đầu tư. Trong đó, Khu Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị VSIP với diện tích 1,746 ha đang được đánh giá là khu công nghiệp hiện đại, kiểu mẫu.
Tính đến tháng 5/2020, trên địa bàn Tỉnh có 64 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký 1.874,63 triệu USD. Trong bối cảnh thu hút FDI nhiều biến động, Quảng Ngãi chú trọng công tác thu hút đầu tư tác quốc gia đang có nguồn vốn đầu tư mạnh vào Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ và các nước Liên minh châu Âu và ASEAN.
Cụ thể, Tỉnh tập trung vào tiêu chí chất lượng dự án, ưu tiên trong các lĩnh vực như: Công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ gồm: công nghiệp lọc hóa dầu - hóa chất; năng lượng (điện, khí); Công nghiệp luyện kim, đóng sửa chữa tàu, cơ khí chế tạo; Công nghiệp thực phẩm, hàng tiêu dùng, bao bì, dệt may, da giày, vật liệu xây dựng; Sản xuất linh kiện, lắp ráp ô tô, thiết bị điện, điện tử; Công nghiệp phụ trợ; Dịch vụ logistics; Đầu tư kinh doanh cảng biển và dịch vụ hàng hải; kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp, khu đô thị; Dịch vụ, du lịch; Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Để thu hút đầu tư hiệu quả, Quảng Ngãi đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút, mời gọi các dự án đầu tư vào tỉnh Quảng Ngãi, tăng cường đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư “tại chỗ” nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thu hút đầu tư.
Quảng Ngãi cũng tập trung mọi nguồn lực, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đầu tư phát triển hạ tầng, tiện ích, đất đai và đô thị; tổ chức xúc tiến đầu tư các ngành nghề có lợi thế so sánh; tăng cường xúc tiến đầu tư theo quốc gia, vùng lãnh thổ và nỗ lực tuyên truyền, quảng bá xúc tiến đầu tư để tiếp tục là “thỏi nam châm” hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quang-ngai-san-sang-don-song-dau-tu-118256.html