Quảng Ngãi sẵn sàng hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư
Được đánh giá là địa phương còn nhiều dư địa phát triển, Quảng Ngãi có cơ hội trở thành lựa chọn ưu tiên của các đối tác quốc tế trong thời gian tới.
Nhiều dư địa phát triển
Quảng Ngãi có vị trí chiến lược quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đây là địa phương nằm trong top 20 tỉnh, thành phố có quy mô phát triển kinh tế lớn nhất trong cả nước và còn nhiều dư địa phát triển.
Đó là đánh giá của bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, tại Hội nghị giới thiệu Quảng Ngãi do Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức ngày 25/10, tại Hà Nội.
Thứ trưởng cho biết, thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục hỗ trợ đồng hành cùng các địa phương, trong đó có Quảng Ngãi, để triển khai công tác ngoại giao kinh tế nhằm đẩy mạnh kết nối đối tác nước ngoài, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, thu hút FDI, ODA phục vụ các động lực phát triển của tỉnh như du lịch, kinh tế biển, logistics, thương mại, công nghiệp...
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho hay, theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Ngãi sẽ phát triển dựa trên sự hài hòa giữa 3 trụ cột “kinh tế - xã hội - môi trường”.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Quảng Ngãi sẽ trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, phát triển bền vững và đa dạng với các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tập trung tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp, logictis, kết hợp các tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch; nông nghiệp chất lượng cao và phát triển kinh tế biển.
Bên cạnh đó, hình thành 6 vùng không gian kinh tế động lực; đặc biệt là xây dựng Trung tâm Lọc hóa dầu và năng lượng Quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất và phát triển Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển đảo quốc gia.
Để thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, Quảng Ngãi đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính.
Trong khi đó, ông Võ Phiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, Quảng Ngãi kêu gọi hợp tác, thu hút đầu tư trên quan điểm “Thành công của các bạn chính là thành công của tỉnh. Doanh nghiệp là đối tượng phục vụ của các cơ quan nhà nước. Chính quyền và lãnh đạo tỉnh mong muốn đồng hành cùng các bạn để kiến tạo thành công mới, sự thịnh vượng mới cho địa phương, cộng đồng và doanh nghiệp”.
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư
Ông Nakajima Takeo, Trưởng Đại diện Cơ quan xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro), cho hay, số dự án đầu tư vào Việt Nam tăng 55% so với năm ngoái. Có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Trung Quốc chuyển dần sản xuất sang Việt Nam.
Ông đánh giá, Việt Nam có tiềm năng lớn, dẫn đầu trong khu vực về sức thu hút nhà đầu tư đến để mở rộng kinh doanh. Bên cạnh Trung Quốc và Hoa Kỳ, Việt Nam đã và đang xếp thứ hai trong danh sách đầu tư yêu thích của các doanh nghiệp Nhật Bản.
“Chúng tôi mong muốn Việt Nam tăng cường hơn nữa về việc phát triển điện năng trong khi vẫn đạt được mục tiêu giảm phát thải CO2. Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài mong muốn có thể đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế bền vững của người dân Việt Nam”, ông Nakajima Takeo nói.
Là nguồn đầu tư nước ngoài trực tiếp rất quan trọng ở Việt Nam, ông Michael Chiu, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hồng Kông (Trung Quốc) tại Việt Nam, thông tin, các doanh nghiệp Hồng Kông tham gia hoạt động đầu tư ở nhiều ngành khác nhau. Trong đó, các ngành thu hút FDI đáng kể từ Hồng Kông bao gồm sản xuất, bất động sản, tài chính, dịch vụ và công nghệ.
“Các nhà đầu tư Hồng Kông bị hấp dẫn bởi Việt Nam có môi trường kinh doanh thuận lợi; vị trí chiến lược; lực lượng lao động trẻ và năng động. Trong đó, Quảng Ngãi giàu tài nguyên thiên nhiên như khoáng chất, dầu khí, hải sản,... đem lại các cơ hội tăng trưởng kinh tế.
Hồng Kông nằm trong top 5 các nhà đầu tư FDI vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư 2,2 tỷ USD năm 2022, theo Bộ KH-ĐT. Hai bên có nhiều dự án liên doanh, dự án đầu tư. Những dự án này đóng góp vào việc tăng trưởng kinh tế của cả Hồng Kông và Việt Nam; tạo cơ hội việc làm, thúc đẩy thương mại giữa hai bên. Chúng tôi lựa chọn đầu tư vào Quảng Ngãi vì chính sách đầu tư hấp dẫn, nguồn nhân lực thuận lợi”, ông Michael Chiu nói.
Ông đánh giá, Quảng Ngãi có tiềm năng phát triển ngành du lịch khách sạn chưa được khai phá. Với môi trường đầu tư tại địa phương ngày càng thuận lợi, ông Michael Chiu nói Hồng Kông mong muốn sát cánh với các nhà đầu tư FDI khác như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra lễ ký biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Ngãi với Hiệp hội Doanh nghiệp Hồng Kông tại Việt Nam. Cùng với đó là lễ ký biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi, Trung tâm Thông tin và Tư vấn đầu tư thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.