Quảng Ngãi triển khai nhiều giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Tại Quảng Ngãi, do tình trạng khai thác quá mức dẫn đến nguồn lợi thủy sản ven bờ và vùng lộng ngày càng cạn kiệt. Ngành Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc cấm biển và cấm khai thác có thời hạn, thả giống tái tạo nguồn lợi để bảo vệ đa dạng sinh học.
Ngày 01/4 vừa qua, Chi cục Thủy sản và Biển đảo tỉnh Quảng Ngãi phối hợp Bộ đội Biên phòng tỉnh, người dân địa phương thả hơn 1,5 triệu con tôm sú, cua xanh và cá hồng Mỹ xuống khu vực Cửa Lở, xã Thắng Lợi, huyện Mộ Đức. Đây là một trong những hoạt động truyền thống thường niên nhân Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam, cũng là dịp truyền thông, nâng cao ý thức ngư dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Hàng ngàn con cá giống được thả về môi trường phù hợp.
Cùng tham gia thả cá giống, ngư dân Ngô Long, ở xã Thắng Lợi, huyện Mộ Đức cho biết, những năm gần đây, hải sản ven bờ không còn dồi dào như trước, lượng cá nổi nhỏ quá nhiều nên giá bán thấp. Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bà con có ý thức hơn trong đánh bắt, cấm đánh bắt ở khu vực mới thả, khu vực sinh sản của các loại cá tôm, không được sử dụng các dụng cụ khai thác thủy sản mang tính hủy diệt, phá hoại môi trường sống của thủy sản.
Ngư dân Ngô Long, ở xã Thắng Lợi, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Bà con ven bờ thì làm theo tiêu chuẩn nghề của người ta thôi. Mùa nào thì làm mùa nấy. Ví dụ nghề cào sò thì đến mùa người ta đi cào, nghề cá thì đi đánh bắt, nghề ruốc cũng như vậy. Sống ven bờ thì tùy theo mùa. Khi hết mùa thì tháng sau đến năm sau nó lại phát triển thêm thì chúng tôi trở lại nghề đi lại”.

Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi thả giống ở vùng ven bờ Cửa Lở, huyện Mộ Đức.
Nguồn lợi thủy sản ở vùng biển của tỉnh Quảng Ngãi đang chịu áp lực khai thác cao, sản lượng khai thác vượt quá mức làm thủy sản suy giảm nhanh, đặc biệt là các nhóm thủy sản có giá trị kinh tế cao. Kết quả đánh giá 20 loài hải sản kinh tế thì có đến 55% đối tượng chịu áp lực khai thác ở mức rất cao và cao. Đặc trưng phân bổ của nguồn lợi thủy sản ở vùng biển tỉnh Quảng Ngãi là cá nổi nhỏ tập trung vùng nông ven bờ. Vì vậy, các tàu cá khai thác vùng bờ, vùng lộng sẽ tập trung đông, khai thác vượt quá mức và có tính tận diệt. Tình trạng ngư dân sử dụng phương tiện và ngư cụ khai thác theo kiểu tận diệt, tàu cá khai thác sai vùng, tuyến đã xâm hại nghiêm trọng đến sự đa dạng của nguồn lợi thủy sản.
Thiếu úy Trần Bùi Ngọc Thạch, cán bộ Đồn Biên phòng Đức Minh, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: những năm qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức ngư dân.
“Tuần tra trong tháng cao điểm, hoạt động được triển khai thường xuyên, tuyên truyền ngư dân tố giác các hoạt động sử dụng xung kích điện trên địa bàn”, Thiếu úy Trần Bùi Ngọc Thạch nói.

Hoạt động thả cá giống góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản
Nguồn lợi thủy sản hiện nay ở tỉnh Quảng Ngãi đang dần cạn kiệt. Các địa phương ven biển của tỉnh này có nhiều giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để bảo vệ và phục hồi lại nguồn lợi thủy sản ven bờ.
Ông Nguyễn Ngọc Tưởng, Chủ tịch UBND xã Thắng Lợi, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Tổ chức tuyên truyền cho người dân không dùng những loại bẫy, chích điện làm hủy hoại môi trường sống của các loại thủy sản. Chúng tôi cũng xác định đây là một trong những chương trình tái tạo rất tốt để tạo nguồn thủy sản ven bờ, đáp ứng được yêu cầu của người dân, sau khi đủ điều kiện khai thác mới được phép khai thác”.
Hàng năm, Chi cục Thủy sản - Biển đảo tỉnh Quảng Ngãi tổ chức các đợt thả cá, tôm, cua ở nhiều khu vực sông, hồ, biển để góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Hoạt động thả giống để tái tạo nguồn lợi thủy sản tại tỉnh Quảng Ngãi
Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi đã đề xuất tỉnh thí điểm cấm biển 1 tháng ở vùng ven bờ và 3 tháng đối với các nghề có mức xâm hại cao. Tỉnh cấm khai thác thủy sản có thời hạn tại 5 khu vực, gồm: Vùng ven bờ các xã Bình Phú - Bình Châu, huyện Bình Sơn; Tịnh Khê - Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi; Phổ Khánh, Phổ Thạnh, Phổ Châu, thị xã Đức Phổ; vùng biển phía nam đảo Lý Sơn và vùng biển ven thị xã Đức Phổ.
Ông Võ Văn Hải, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản - Biển đảo tỉnh Quảng Ngãi cho biết, việc thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản ở các thủy vực nước ngọt, nước mặn và nước lợ là giải pháp lâu dài, tạo sinh kế cho người dân. Ngành nông nghiệp và môi trường tỉnh kêu gọi các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư chung tay bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, tích cực tham gia các hoạt động thả giống phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản.
“Thông qua những hoạt động như thế này cũng tuyên truyền phổ biến đến người dân, đặc biệt là cư dân sống bằng nghề sinh kế khai thác thủy sản thì cũng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mình trong khai thác tránh những việc là dùng xung điện, chất nổ, chất độc hay dùng những ngư cụ không được phép khai thác, mắc lưới quá nhỏ để làm suy kiệt nguồn lợi chung tay bảo vệ phát triển nguồn lợi”, ông Võ Văn Hải chia sẻ.