Quảng Ngãi: Trợ lực cho miền núi thoát nghèo
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Quảng Ngãi đã thành 'bà đỡ', giúp nhiều gia đình thoát nghèo.
Dám nghĩ, dám làm
Nhiều năm trồng keo, trồng mì (sắn), gia đình anh Đinh Văn Ben (thôn Ra Pân, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn lẩn quẩn với đói nghèo. Năm 2020, từ nguồn hỗ trợ vốn vay lập nghiệp hơn 50 triệu đồng, anh Ben tập trung thực hiện mô hình trồng cây ăn quả và trang trại thỏ với quyết tâm cải thiện kinh tế.
“Hai vợ chồng lên mạng tìm hiểu về cây ăn quả rồi xin vay vốn để mua cây giống, có bưởi và mít, ổi, gừng sẻ. Bưởi giờ đang cho trái đẹp lắm. Ngoài trồng trọt thì còn nuôi thêm thỏ, cuộc sống cũng khá hơn trước nhiều”, anh Ben nói.
Không chỉ làm kinh tế cho bản thân, anh Ben còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ nhiều người Ca Dong ở địa phương cùng đổi mới trồng trọt, chăn nuôi để thoát nghèo.
“Ben hướng dẫn đào hố, bón phân, tưới vôi mới trồng cây và cách chăm sóc cây. Từ đó gia đình có kinh nghiệm hơn trong trồng trọt, nhất là trồng ổi và các cây ăn trái”, anh Đinh Văn Đăm (thôn Ra Pân) chia sẻ.
Sinh ra và lớn lên ở một xã vùng cao, điều kiện để phát triển kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nên bao năm qua, cái nghèo vẫn đeo đuổi gia đình anh Đinh Kni (37 tuổi, thôn Trường An, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ).
Nắm bắt cơ hội từ chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, anh Kni mạnh dạn vay vốn 100 triệu đồng để mở rộng làm trang trại chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả.
“Qua nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, tôi bàn với vợ lấy số tiền tích lũy để dành đầu tư 1,2 ha trồng cây ăn quả và chăn nuôi. Vợ tôi ban đầu cũng rất lo lắng, nhưng sau đó đồng tình, ủng hộ”, anh Kni cho hay.
Đất đai ở vùng đồi núi tuy rộng nhưng cằn cỗi, nguồn nước lại khó khăn, năm 2019, vợ chồng anh Kni bắt tay cải tạo đất đồi, đào giếng và kéo nước từ thác Hố La về để xây dựng trại chăn nuôi tổng hợp, tập trung vào việc phát triển giống heo đen bản địa, nuôi trâu, nuôi hươu lấy nhung, gà vườn thả đồi... Ngoài ra, anh còn trồng thêm mít, ổi, cam, quýt đường, bưởi da xanh, cây sim và lúa nước.
“Đa dạng cây trồng, vật nuôi nên có thể thu hoạch liên tục quanh năm. Hiện có 11 con hươu, 20 con trâu, 6 con chồn. Tôi mới xuất bán đàn gà 200 con với giá thị trường 100 ngàn đồng/kg. Giá bán nhung hươu 1,6 triệu đồng/ lạng, tôi mới bán 3,9 lạng. Mỗi con hươu cho lấy nhung 2 lần/năm”, anh Kni chia sẻ.
Từ chỗ gia đình khó khăn, hiện nay, anh Kni trở thành người làm kinh tế giỏi nhất thôn, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Những kết quả đáng ghi nhận
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ngãi gồm 61 xã thuộc 5 huyện miền núi và 3 huyện đồng bằng; có 187 nghìn người đồng bào dân tộc H’re, Ca Dong và Cor, chiếm 15,18% dân số toàn tỉnh.
Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn, chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản còn thấp…
Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Quảng Ngãi đạt được nhiều kết quả tích cực.
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi, trong năm 2022-2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp giao thực hiện Chương trình phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh là hơn 1.070 tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư phát triển hơn 542 tỷ đồng, vốn sự nghiệp gần 528 tỷ đồng.
Đến ngày 31/7/2023, tổng nguồn vốn trong 2 năm 2022-2023 đã giải ngân hơn 337,3 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư phát triển, đạt 62,2% kế hoạch vốn; hơn 44,2 tỷ đồng nguồn vốn sự nghiệp, đạt 8,37%.
Đến cuối tháng 6/2023, Quảng Ngãi có tỷ lệ giải ngân vốn của chương trình xếp thứ 3 Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi Trần Văn Mẫn cho biết, chương trình rất đa dạng về nội dung, hình thức triển khai thực hiện, với 10 dự án, 14 tiểu dự án và các nội dung thành phần.
Chương trình triển khai từ cuối năm 2021, nhưng đến giữa năm 2022, sau khi được trung ương bố trí vốn, tỉnh mới có kinh phí thực hiện. Trong khi đó, có một số nội dung lần đầu thực hiện, văn bản hướng dẫn của bộ, ngành trung ương chưa kịp thời, chưa rõ ràng, thiếu sự đồng bộ giữa các văn bản, dẫn đến sự lúng túng trong tổ chức thực hiện.
Tuy vậy, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác triển khai, thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh đã đạt một số kết quả nhất định. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 xuống còn 30,27%.
"Thời gian còn lại để hoàn thành giai đoạn I của chương trình là gần 2,5 năm, với khối lượng công việc còn lại rất nhiều. Vì vậy, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương cùng chủ động, quyết liệt trong thực hiện, để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân", ông Mẫn nhấn mạnh.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quang-ngai-tro-luc-cho-mien-nui-thoat-ngheo.html