Quảng Ngãi: Vận động, di dời người dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn trú bão
Sáng 27-9, UBND các địa phương của tỉnh Quảng Ngãi đã phân công các lực lượng xuống từng hộ dân để vận động, di dời người dân ở vùng nguy hiểm, nhà không kiên cố đến nơi an toàn.
>> Clip vận động, di dời người dân đến nơi an toàn trú bão. Thực hiện: NGUYỄN TRANG
Trong sáng 27-9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã họp về ứng phó bão số 4.
Ông Đặng Văn Minh yêu cầu, các huyện: Lý Sơn, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, thị xã Đức Phổ và TP Quảng Ngãi kiểm tra, triển khai biện pháp hạn chế người, phương tiện hoạt động trên đường trong thời gian bão đổ bộ; tổ chức kiểm soát, điều tiết, hạn chế phương tiện đi vào vùng dự kiến bão ảnh hưởng. Riêng huyện Lý Sơn thông báo và không để người dân ra khỏi nhà, nơi cư trú kể từ 10 giờ ngày 27-9 để đảm bảo an toàn tính mạng cho đến khi hết gió mạnh (dưới cấp 6).
Hiện các địa phương đang khẩn trương di dời người dân ở các vùng có nguy cơ cao, huy động lực lượng hỗ trợ người dân gia cố, chằng chống nhà cửa. Dự kiến 22.099 hộ với 75.204 nhân khẩu sẽ di dời để ứng phó bão.
Đối với ứng phó mưa lớn, sạt lở đất, trọng điểm là các xã miền núi thuộc các huyện: Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng với 142 điểm có nguy cơ sạt lở cao. Tổng số người dân cần di dời, sơ tán là 2.258 hộ với 9.032 khẩu.
Tại thôn Tân Thạnh, xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi, từ sáng sớm, ông Nguyễn Thành Vương, Trưởng ban công tác mặt trận thôn đã cùng với cán bộ thôn, xã đến từng hộ dân để vận động, di dời người dân đến nơi an toàn.
Ông Vương cho biết: “Thôn Tân Thạnh có 638 hộ, khoảng 3.800 nhân khẩu, qua khảo sát có ít nhất 500 hộ phải di dời bằng hình thức xen ghép, di dời đến nhà văn hóa thôn Tân Thạnh hoặc trường tiểu học kiên cố trên thôn”.
Theo ông Vương, công tác vận động trong sáng ngày 27-9, đảm bảo đến 10 giờ sáng, toàn bộ người dân trong thôn biết về việc di dời và xác định địa điểm di dời, đến 13 giờ chiều, toàn bộ người dân nằm trong khu vực di dời phải đến địa điểm an toàn, không để người ở lại trong những ngôi nhà không an toàn.
Ông Nguyễn Văn Lần (thôn Tân Thạnh, xã Nghĩa An) có 6 nhân khẩu, ông cho biết: “Tôi sẽ di dời sang nhà cao tầng của ông Trần Tuấn để tránh trú, nhà có hai vợ chồng, con và cháu nên cả nhà đều di dời đi cho an toàn”.
Toàn bộ 5 người trong gia đình ông Đặng Thanh Hùng (thôn Tân Thạnh, xã Nghĩa An) cũng sẽ di chuyển sang nhà cao tầng đổ mê chống bão trong vùng. Ông Hùng cho biết: “Nghe tin bão, chúng tôi rất lo lắng, ai nấy cũng mua thêm lương thực, thực phẩm và đã qua báo nhà đổ mê để xin tránh trú bão”.
Ông Võ Chặt (thôn Tân Thạnh, xã Nghĩa An) có nhà chống bão với sức chứa 30 người. Ông nói: “Tôi đã dọn dẹp và sẵn sàng đón bà con vào tránh trú bão. Tôi chuẩn bị thêm lương thực để phục vụ bà con. Ở làng biển, tình nghĩa làng xóm, người dân đùm bọc lẫn nhau cùng vượt qua những cơn bão”.
Nhà ông Võ Lê (thôn Tân Thạnh, xã Nghĩa An) có 2 tầng đổ 2 mê bê tông, cũng đã chuẩn bị đầy đủ để đón người dân vô tránh trú bão với sức chứa gần 100 người.
Các xã ven biển Bình Hải, Bình Đông (huyện Bình Sơn) đang thực hiện di dời dân đến nơi an toàn. Huyện Bình Sơn di dời 11.522 hộ, 38.445 nhân khẩu, bằng hình thức xen ghép, tập trung.
Trong công tác ứng phó với bão số 4, TP Quảng Ngãi đặc biệt lưu ý đến các vùng ven biển, vùng trũng dễ bị chia cắt. Có khoảng hơn 3.800 hộ với hơn 12.800 khẩu cần được di dời. TP Quảng Ngãi yêu cầu các địa phương khẩn trương di dời dân đến nơi an toàn, hoàn thành trước 10 giờ sáng 27-9 theo chỉ đạo của tỉnh.
* Miền núi tỉnh Quảng Ngãi chủ động ứng phó bão số 4
Người dân miền núi tỉnh Quảng Ngãi, các vùng nguy cơ sạt lở đã chủ động chằng chống mái nhà, di dời đến nơi an toàn.
Huyện miền núi Sơn Hà đã triển khai phương châm 4 tại chỗ, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện đề nghị UBND các xã, thị trấn ký hợp đồng nguyên tắc với các cơ sở sản xuất buôn bán gạo, nhu yếu phẩm, chuẩn bị lương thực thực phẩm để ứng phó bão số 4, thời gian ít nhất là 7 ngày.
Công an huyện Sơn Hà và công an địa phương đã khẩn trương ra quân giúp dân, trong đó, công an xã Sơn Hải đã huy động lực lượng giúp dân thu hoạch mì trước khi bão đổ bộ, công an xã Sơn Bao giúp dân chặt tỉa cây để phòng chống bão… Đồng thời, huyện triển khai kiểm tra, đưa ghe thuyền và lồng bè của các hộ dân nuôi cá tại hồ chứa nước Nước Trong vào nơi an toàn.
Bà Đinh Thị Trà, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho biết, đối với các xã có nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ như xã Sơn Giang, Sơn Nham, Sơn Bao phải thường xuyên nhắc nhở người dân, không để người ở lại trên lồng bè, tàu thuyền, đảm bảo an toàn tính mạng.
Tại huyện Trà Bồng có 36 điểm nguy cơ cao xảy ra sạt lở núi, lở đất, sạt lở bờ sông, lũ ống, lũ quét ảnh hưởng đến 786 hộ dân, 3.371 nhân khẩu. Huyện đặt nhiệm vụ đảm bảo an toàn tính mạng người dân, di dời ra khỏi vùng nguy hiểm.
Ông Đặng Minh Thảo, Bí thư Huyện ủy Trà Bồng cho biết, đối với các điểm khu dân cư có nguy cơ xảy ra sạt lở, phải chủ động di dời dân đến nơi an toàn, các tuyến đường có điểm sạt lở chủ động cắm biển cảnh báo, cử người chốt trực gác khi có tình huống xấu.
Tại huyện Minh Long, bà Đinh Xuân Lâm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết, huyện chỉ đạo các địa phương rà soát, chủ động xây dựng các phương án di dời dân, đảm an toàn về tính mạng và tài sản của người dân. Phân công cán bộ phụ trách bám sát địa bàn 24/24 giờ, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.
Gia cố, chống đỡ an toàn cho các di tích
Tại công trình đang thi công Khu di tích Mộ và đền thờ Bùi Tá Hán, phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi, chủ đầu tư Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đã dừng thi công. Để phòng chống bão số 4, đơn vị thi công đã gia cố, che chắn, xúc cát dồn bao chèn mái nhà. Do đặc thù công trình là gỗ và bê tông nên phải bảo vệ không để các khối chế tác gỗ lim bị ướt.
Ông Võ Thành Trung, Giám đốc Ban Quản lý dự án cho biết, công trình khởi công đầu năm 2022, hiện đã được 70% tiến độ. Hiện đang hoàn thiện và lắp gỗ Điện thờ chính, triển khai gói thầu về tu bổ di tích, trưng bày nội thất, dự kiến hoàn thành cuối năm nay.
Mộ và đền thờ Bùi Tá Hán được Bộ VH-TT-DL công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa cấp Quốc gia năm 1990.
Tại xã Bình Hải (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), địa phương đang chèn chống, di chuyển hiện vật tại các di tích lịch sử trên địa bàn như lăng vạn Thanh Thủy, lăng vạn Phước Thiện đến nơi an toàn…
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi cho biết, sở đã có văn bản yêu cầu thủ trưởng phòng, đơn vị, địa phương các huyện, thị xã, thành phố tập trung ứng phó bão số 4. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến cơ sở vật chất tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, Thư viện Tổng hợp, Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh, Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Khu chứng tích Sơn Mỹ, Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định, Bảo tàng khởi nghĩa Ba Tơ,… kiểm tra rà soát và có phương án bảo vệ các di tích lịch sử-văn hóa trước bão.