Quảng Ngãi: Văn hóa Sa Huỳnh và con đường di sản

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh. Trong suốt chiều dài lịch sử, các nhà khảo cổ học, nhà nghiên cứu,…đã dần 'vén màn' bí ẩn văn hóa Sa Huỳnh cùng nhiều phát hiện mới trên con đường di sản văn hóa Sa Huỳnh.

Bí ẩn mộ chum văn hóa Sa Huỳnh

Trên không gian vùng đất Sa Huỳnh vào năm 1909, M. Vinet, một viên thuế quan ở cửa Sa Huỳnh (nay thuộc thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) khi nghe dân chúng làm phát lộ khu mộ chum, ông đã đến khai quật. Ông đã phát hiện ra ở vùng cồn cát cạnh đầm An Khê (nay thuộc phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ - vùng ven biển Sa Huỳnh) một khu mộ chum.

Những phát hiện và thông báo của ông được viết trong Tập san của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (B.E.F.E.O) về một kho chum tìm thấy ở Sa Huỳnh, được dịch như sau: “Một kho chum ước tính khoảng 200 chiếc vùi không sâu trong cồn cát ven biển. Những chiếc chum bằng đất này có chiều cao trung bình 0,80m, khác nhau về cách tạo dáng trong chứa những chiếc nồi, bình bằng gốm và những đồ trang sức bằng đá quý, thủy tinh”. Đây cũng là thông báo đầu tiên về văn hóa Sa Huỳnh.

Hình ảnh mộ chum hình trứng có nắp đậy khai quật năm 1978 và ảnh về một địa điểm khai quật tại Sa Huỳnh (nay thuộc thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) được trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Hình ảnh mộ chum hình trứng có nắp đậy khai quật năm 1978 và ảnh về một địa điểm khai quật tại Sa Huỳnh (nay thuộc thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) được trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Theo các tư liệu của Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, từ đầu thế kỷ XX, nhiều người Pháp như M. Vinet, M. Colani, O. Jansee, J. Maleret, J.Labarre đã đến Sa Huỳnh khảo sát phát hiện, khai quật các khu mộ chum của cư dân tiền sử.

Trong đó vào năm 1934, bà M.Colani đã khai quật 55 chum ở Thạnh Đức, 187 chum ở Phú Khương, bà cũng là người đề xuất thuật ngữ “Văn hóa Sa Huỳnh” nhằm để chỉ dạng văn hóa vật chất của cư dân tiền sử với đặc trưng táng tục mộ chum chôn thành các nghĩa địa lớn được khai quật ở vùng đất Sa Huỳnh.

Từ sau năm 1975, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã tiếp tục khai quật tại Sa Huỳnh. Như vậy, ở vùng đất này, giới khảo cổ học, nghiên cứu…đã phát hiện hơn 500 mộ chum, đây là một con số quá lớn, khiến cho các học giả Pháp gọi là kho chum Sa Huỳnh. Mộ chum là điểm nhấn của nền văn hóa Sa Huỳnh được các nhà khảo cổ xác định niên đại từ 3.000 - 2.000 năm cách ngày nay.

Tính quy mô đồ sộ của kho chum Sa Huỳnh khiến cho các học giả Phương Tây cho rằng các khu mộ chum đó là của cư dân đi biển vùng Mã Lai Đa Đảo vào chôn.

Đồng thời, cũng từ sau 1975 đến nay, hàng loạt các di chỉ cư trú văn hóa Sa Huỳnh từ sớm đến muộn được phát hiện ở vùng đồng bằng duyên hải miền Trung, đến các đảo gần bờ và ngược lên vùng thung lũng miền núi cao đã chứng minh tính bản địa của văn hóa Sa Huỳnh, cư dân tiền sử là chủ nhân của các khu nghĩa địa mộ chum, từ đó khẳng định văn hóa Sa Huỳnh có nguồn gốc hình thành, phát sinh và phát triển tại ngay trên dải đất miền Trung Việt Nam, có quan hệ giao lưu rộng mở với các trung tâm văn hóa khác ở khu vực Đông Nam Á trong thời đại kim khí.

Một mộ vò được phát hiện ở hồ Nước Trong trong văn hóa Sa Huỳnh. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Một mộ vò được phát hiện ở hồ Nước Trong trong văn hóa Sa Huỳnh. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Từ những phát hiện về mộ chum, các nhà khảo cổ học cũng phát hiện nhiều đồ trang sức được táng ở các mộ chum. Đồ trang sức phổ biến là hạt chuỗi xuất hiện nhiều trong chum, chất liệu đá quý hình tròn, hình trụ, hình thoi,… Ngoài ra còn có hạt chuỗi bằng đất nung. Khuyên tai làm từ chất liệu bằng đá quý hay thủy tinh gồm các loại hình vành khăn dẹt có khe hở, hình vuông dẹt có khe hở, khuyên tai bốn mẩu nhọn và ba mấu nhọn.

Đồ trang sức bằng đá quý và thủy tinh tìm thấy ở Thạnh Đức bao gồm loại hạt chuỗi mã não có hình tròn, loại khuyên tai bằng đá nephrit, các hạt chuối tròn chất liệu thủy tinh có đường kính từ 27-55mm.

Đồ trang sức được phát hiện tại di tích Long Thạnh (nay thuộc phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ) chất liệu bằng đá, niên đại sơ kỳ Đồng thau, khoảng trên 3.000 năm cách ngày nay, được trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Đồ trang sức được phát hiện tại di tích Long Thạnh (nay thuộc phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ) chất liệu bằng đá, niên đại sơ kỳ Đồng thau, khoảng trên 3.000 năm cách ngày nay, được trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Di tích Phú Khương có đồ tùy táng trong chum rất phong phú số lượng và đa dạng về loại hình. Đặc trưng di tích Phú Khương là các đồ trang sức bằng đá quý, đó là loại hạt chuỗi màu đỏ sẫm bằng đá mã não nhiều hình dạng như hình vuông dẹp, hình quả trám, hình thoi, hình đa diện lục giác, bát giác. Khuyên tai hình vành khăn có khe hở bằng đá nephrit. Loại hạt chuỗi hình cầu bằng thủy tinh rất nhiều, kích thước từ 0,06cm - 0,09 cm có màu xanh nước biển hay màu xanh lục.

Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi (bên phải) nói về trang sức trong văn hóa Sa Huỳnh. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi (bên phải) nói về trang sức trong văn hóa Sa Huỳnh. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi cho biết thêm: “Năm 1998, khi chúng tôi khai quật Dương Quang, huyện Mộ Đức đã tìm được một bộ sưu tập trang sức bằng đá mã não hình thoi, chuỗi vòng được táng bên cạnh mộ chum. Chúng tôi đã hết sức xử lý chi tiết và thu lại vòng chuỗi cực kỳ đẹp và nó được sử dụng cho người nữ, qua trang sức thể hiện dấu ấn quyền lực. Hiện nay việc vòng chuỗi đá mã não được trưng bày tại Nhà trưng bày Sa Huỳnh và rất nhiều du khách thích thú. Với các nhà khảo cổ học thì vòng chuỗi đá mã não là vật có giá trị và rất hiếm”.

Con đường đến di sản văn hóa Sa Huỳnh

Từ năm 1909 đến nay, văn hóa Sa Huỳnh đã có hơn 100 năm phát hiện và nghiên cứu, đã có 4 lần hội thảo khoa học về văn hóa Sa Huỳnh ở các năm 1985, 1990, 1999, 2009, vị trí nghiên cứu của văn hóa Sa Huỳnh, một nền văn hóa thời tiền sử của Việt Nam mang tầm khu vực và quốc tế.

Đến nay, Di tích Văn hóa Sa Huỳnh được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt là sự kiện có ý nghĩa, từ đó tỉnh Quảng Ngãi có hướng bảo tồn, phát huy giá trị của di tích này.

Di tích khảo cổ Long Thạnh (thuộc phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi). Ảnh: NGUYỄN TRANG

Di tích khảo cổ Long Thạnh (thuộc phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi). Ảnh: NGUYỄN TRANG

Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi chia sẻ: “Việc công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh là vinh dự lớn cho nền văn hóa Sa Huỳnh, tỉnh Quảng Ngãi và cả nước, đặc biệt có ý nghĩa đối với ngành khảo cổ trong suốt chiều dài lịch sử nghiên cứu về nền văn hóa khảo cổ Sa Huỳnh. Đại diện cho đánh giá tính nguyên vẹn của di sản ở tầm quy mô, tầm đóng góp của nền văn hóa đó trong một giai đoạn. Ở phía Bắc có văn hóa Đông Sơn, ở miền Nam có văn hóa Óc Eo và miền Trung có văn hóa Sa Huỳnh. Trong 3 trung tâm văn hóa đó thì văn hóa Sa Huỳnh cực kỳ nổi bật, nơi mà các nhà khảo cổ học tìm thấy đầu tiên vào năm 1909 và tìm thấy giai đoạn sớm nhất của Sa Huỳnh là tiền Sa Huỳnh”.

Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi nhấn mạnh rằng, tại Quảng Ngãi, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy cư trú cư dân Sa Huỳnh từ sớm nhất đến muộn nhất tại Long Thạnh. Tại Quảng Ngãi, phân bố Sa Huỳnh trải rộng từ vùng núi, đồng bằng duyên hải và hải đảo. Ba vùng không gian trong văn hóa Sa Huỳnh thể hiện vị trí, vai trò quan trọng, do vậy, văn hóa Sa Huỳnh tại Quảng Ngãi xứng đáng là điểm kết nối hệ thống văn hóa Sa Huỳnh trong cả nước.

Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi (bên trái) chia sẻ ý nghĩa của công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh nhất là đối với di tích khảo cổ. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi (bên trái) chia sẻ ý nghĩa của công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh nhất là đối với di tích khảo cổ. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh bao gồm 6 khu vực bảo vệ là địa điểm di tích Long Thạnh, địa điểm di tích Phú Khương, địa điểm di tích Thạnh Đức, Quần thể di tích Chămpa trong không gian Sa Huỳnh, Đầm An Khê và Lạch An Khê, sông Cửa Lỗ.

Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi cho biết: “Không gian văn hóa Sa Huỳnh có 3 vùng là vùng lõi, vùng đệm và vùng phát triển, trong đó mỗi vùng có chức năng khác nhau, cùng tương hỗ trên con đường phát triển, thu hút khách tham quan. Trong đó quan trọng nhất là bảo tồn được vùng lõi và vùng đệm. Trong khảo cổ thì nếu vùng đệm xuất hiện các di tích thì vùng này sẽ trở thành vùng lõi, từ đó có định hướng phát triển”.

Kỳ vọng, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh sẽ là điểm kết nối quan trọng của “Con đường Di sản Văn hóa Sa Huỳnh” ở miền Trung Việt Nam, vươn tầm khu vực và thế giới.

Quảng Ngãi là nơi đầu tiên phát hiện (1909) di tích văn hóa Sa Huỳnh tại cồn cát ven biển vùng Sa Huỳnh (nay thuộc thị xã Đức Phổ). Địa danh Sa Huỳnh được đặt tên cho nền văn hóa chung trên dải đất miền Trung thuộc thời đại kim khí - Văn hóa Sa Huỳnh.

Nền văn hóa này phân bổ trên các cồn cát ven biển từ Sa Huỳnh cho đến Dung Quất, ra tới đảo Lý Sơn, với các di tích tiêu biểu Long Thạnh, Phú Khương, Thanh Đức, Bình Châu, Gò Quê, Xóm Ốc, Suối Chình, có niên đại từ 3.000-2000 năm cách ngày nay.

Đặc trưng ở các di tích là mộ chum được chôn thành bãi hay cụm, trong đó có nhiều đồ tùy táng với nhiều loại hình chất liệu khác nhau như đồ trang sức bằng đá quý, thủy tinh được chế tác rất tinh mỹ, đồ đá, đồ đồng được chế tác công phu, đặc biệt là đồ gốm có nhiều kích cỡ, được tạo dáng đẹp, trang trí hoa văn tinh tế, kết hợp với tô màu đỏ và màu đen ánh chì.

NGUYỄN TRANG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/quang-ngai-van-hoa-sa-huynh-va-con-duong-di-san-post682765.html