Quảng Ninh: 100% cơ sở y tế chạy máy phát điện, cấp cứu nhiều ca ngộ độc khí CO

Chiều 9/9, Quảng Ninh vẫn có mưa to và rất to, nhiều nơi vẫn còn mất điện và mạng viễn thông, nhiều bệnh viện và cơ sở y tế bị thiệt hại nặng, phải dùng máy phát điện 24/24h để đảm bảo cho cấp cứu và điều trị người bệnh.

Chạy máy phát điện, 6 người ngộ độc khí CO

Bão số 3 đổ bộ trực tiếp vào Quảng Ninh khiến nhiều địa phương trong tỉnh mất điện từ trưa 7/9. Không có điện nấu ăn, sinh hoạt, nhiều người đã sử dụng máy phát điện khiến thị trường "cháy" hàng. Có gia đình còn đặt mua máy phát điện từ Hà Nội gửi về.

Trong sáng nay 9/9, Bệnh viện Bãi Cháy tiếp nhận cấp cứu 6 trường hợp bị ngộ độc khí CO từ máy phát điện. Đáng chú ý có 2 trường hợp ngộ độc khí CO trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp rất nguy kịch.

Trường hợp thứ nhất gồm 3 người (từ 12-27 tuổi) trong 1 gia đình ở phường Giếng Đáy, TP Hạ Long, bị ngộ độc khí CO. Các nạn nhân đều ngủ trong phòng kín qua đêm có máy phát điện.

Trong đó, 1 bệnh nhân nữ 24 tuổi và một bệnh nhi nam 12 tuổi nhập viện trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, toan chuyển hóa nặng, tiên lượng nguy kịch.

Các bệnh viện ở Quảng Ninh vừa khắc phục sau bão vừa cấp cứu người bệnh

Các bệnh viện ở Quảng Ninh vừa khắc phục sau bão vừa cấp cứu người bệnh

Qua khai thác thông tin bệnh lý, thăm khám các bác sĩ chẩn đoán các bệnh nhân bị ngộ độc khí CO do máy phát điện thải ra, tiến hành cấp cứu bằng các phương pháp hồi sức tích cực, xử trí đặt ống nội khí quản, thở máy...

Người còn lại (27 tuổi) ngộ độc khí CO nhẹ, tiếp xúc tốt, không có biểu hiện suy hô hấp. Hiện tại, các bệnh nhân đã được chuyển sang Bệnh viện Y học biển Việt Nam (tại Hải Phòng) để tiếp tục điều trị.

Ba trường hợp khác là trẻ nhỏ trong gia đình (trú tại phường Hà Khẩu, TP Hạ Long) nhập viện với tình trạng choáng váng, đau đầu, khó thở, chóng mặt, được theo dõi điều trị ngộ độc khí CO do máy phát điện. Hiện tại tình trạng sức khỏe của các trẻ ổn định.

Bão tàn phá nhiều cơ sở vật chất của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.

Bão tàn phá nhiều cơ sở vật chất của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.

Theo BSCKI Lê Thị Mai, Khoa Thần kinh – Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng, Bệnh viện Bãi Cháy, ngộ độc khí CO làm cho tế bào não bị tổn thương dẫn đến thoát dịch, phù nề não, bệnh nhân có thể bị mất ý thức, hôn mê sâu, sống thực vật cả đời, thậm chí tử vong nếu không cấp cứu, điều trị kịp thời. Nhiều trường hợp bệnh nhân ngạt khí CO dù được cứu sống nhưng để lại các di chứng nghiêm trọng sau này.

Trước thực trạng nhiều người dân TP Hạ Long và các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang sử dụng máy phát điện trong những ngày này, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy khuyến cáo nên để máy phát điện ở phòng có luồng không khí lưu thông cho khí thải thoát ra ngoài, không để trong phòng kín, hoặc máy phát nên để riêng biệt với khu phòng ở.

Cháu bé bị ngộ độc khí CO thương tâm khi gia đình sử dụng máy phát điện.

Cháu bé bị ngộ độc khí CO thương tâm khi gia đình sử dụng máy phát điện.

Khi phát hiện người bị ngạt khí CO với các dấu hiệu như buồn nôn, nhức đầu, yếu người, khó thở, tinh thần lơ mơ…, cần nhanh chóng mở hết tất cả cửa để không khí tràn vào nhà và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu và điều trị kịp thời.

Xin từng can nước cho bệnh nhân

Theo Sở Y tế Quảng Ninh, đến nay còn 3 cơ sở y tế chưa liên lạc được để thống kê thiệt hại gồm: Trung tâm Y tế huyện Ba chẽ, Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu và Trung tâm Kiểm nghiêm.

Ngay sau khi bão số 3 qua đi, nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phải hứng chịu lũ lụt.

Theo thống kê của Sở Y tế Quảng Ninh, cơ bản các bệnh viện, trạm y tế, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh đều bị thiệt hại gãy đổ cây xanh, vỡ kính các tòa nhà, hành lang, vỡ hỏng trần 1 số phòng, khoa điều trị, lật bay mái tôn...; gián đoạn cung cấp suất ăn cho người bệnh. Tuy nhiên các đơn vị đã tích cực khắc phục các sự cố để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và công tác cấp cứu khám chữa bệnh.

Bệnh viện khắc phục, sửa chữa mái nhà bị hư hỏng do bão

Bệnh viện khắc phục, sửa chữa mái nhà bị hư hỏng do bão

Thiệt hại nặng nề phải kể tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh bị hư hỏng nhiều phần mái nhà khu Khám bệnh, tòa A, khu Chấn thương – Gây mê hồi sức, tòa nhà D, khu Văn phòng, khu nhà Chẩn đoán hình ảnh…; vỡ, hỏng cửa, trần nhà tại nhiều khoa Khoa tim mạch, khoa nội tổng hợp, khoa Huyết học, khoa Tai Mũi Họng,…

Nhiều cây cây xanh tại khuôn viên Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh và khu vực xung quanh bị đổ, gãy cành. Hiện tại bệnh viện đang cố gắng khắc phục các thiệt hại ban đầu, đảm bảo công tác cấp cứu, điều trị người bệnh.

Bệnh viện Bãi Cháy bị cây đổ vào cổng phá vỡ lan can, vỡ nhiều cửa kính tầng 8 nhà B, nhà C, nhà G (khu vực nhà ăn cũ) tốc mái khu bảo vệ khí oxy (chưa ảnh hưởng đến cung cấp oxy), hiện chưa ảnh hưởng đến công tác công tác cấp cứu và khám chữa bệnh.

Bệnh viện Sản Nhi bị thiệt hại nặng nề khi nhà A, B bị lật, bay mái tôn nóc tầng 4. Ngoài ra còn bị vỡ nhiều cửa kính các phòng, hành lang. Lật bay nhiều tấm nhôm ốp trần, đứt dây điện, dây internet...Vỡ cửa kính cửa sổ khu vực xét nghiệm, gây ẩm, ảnh hưởng máy xét nghiệm. Khu vực phòng phòng can thiệp- phẫu thuật tim- mạch phần mái kỹ thuật, tủ kỹ thuật của lật, bay gây ẩm ướt, nguy cơ rất cao ảnh hưởng tới các trang thiết bị trong phòng.

Trước khi bão số 3 đổ bộ, Sở Y tế Quảng Ninh đã kiểm tra công tác phòng chống bão cũng như đảm bảo khám, cấp cứu, điều trị cho người bệnh tại các cơ sở y tế. Cơ số thuốc dự trù, vật tư y tế, nhân lực đều đảm bảo.

Do hệ thống viễn thông mất liên lạc nên hiện nay Quảng Ninh chưa có con số thống kê chính xác, nhưng theo Sở Y tế, trong 2 ngày bão đổ bộ, các bệnh viện đã cấp cứu nhiều hợp bị tai nạn do bão, hoặc cán bộ, viên chức, chiến sĩ trong quá trình chống bão bị tai nạn đã được chăm sóc cấp cứu kịp thời.

Mất điện, mất nước, nhưng bệnh viện vẫn cố gắng khắc phục để đảm bảo cho người bệnh yên tâm điều trị.

Mất điện, mất nước, nhưng bệnh viện vẫn cố gắng khắc phục để đảm bảo cho người bệnh yên tâm điều trị.

Hiện nay, khó khăn nhất tại Quảng Ninh là vấn đề điện, nước của các cơ sở y tế. Quảng Ninh vẫn đang mất điện trên diện rộng nên vài ngày qua, 100% các đơn vị y tế đều chạy máy phát điện 24/24 giờ đảm bảo an toàn cho bệnh nhân cũng như công tác cấp cứu.

Mất điện kèm theo mất nước, nhiều bệnh viện phải xin từng can, từng thuốc nước sạch về cho bệnh nhân sử dụng, kể cả bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Do mất điện kéo dài, các bệnh viện cũng chở từng thùng phi xăng dầu để phục vụ máy phát điện hoạt động. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại, máy phát điện quá tải do vận hành trong thời gian dài.

Nhiều điểm đang tiếp tục mất điện lưới. Nếu tiếp tục mất điện trong 2 ngày tới, các cơ sở y tế sẽ gặp khó khăn trong cung cấp điện nước cho sinh hoạt người bệnh và hoạt động của cơ sở y tế.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/quang-ninh-100-co-so-y-te-chay-may-phat-dien-cap-cuu-nhieu-ca-ngo-doc-khi-co-i743226/