Quảng Ninh: Cơ sở đào tạo nghề chưa quan tâm tới thị trường
Đề án 'Đào tạo nghề cho lao động nông thôn' trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả khả quan.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Quang Trực - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) còn nhiều hạn chế. Một số cơ sở đào tạo chưa quan tâm đến nhu cầu của thị trường.
Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” được thành lập theo Quyết định 1956 của Thủ tướng (Đề án 1956). Qua 10 năm triển khai, chương trình đào tạo nghề phù hợp với nguyện vọng của nông dân, góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo từng năm. Cụ thể, năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 64,5% trong đó qua đào tạo nghề là 49,5% đến năm 2018, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 75,2% trong đó qua đào tạo nghề là 55% và năm 2019, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 80%.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, từ 2016 - 2020, Quảng Ninh đã triển khai được 438 lớp đào tạo nghề cho LĐNT. Trong đó có 192 lớp nghề nông nghiệp, 246 lớp nghề phi nông nghiệp, với 12.533 lao động được đào tạo. Đã có trên 10.400 người lao động phát huy hiệu quả sau đào tạo, bằng 83,4%. Qua đó đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo với trên 500 hộ thoát nghèo, trên 2.000 hộ khá giả.
Công tác đào tạo nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh mang lại hiệu quả thiết thực với nhiều mô hình hay. Như lớp đào tạo nghề nuôi trồng thủy sản phối hợp với Công ty Cổ phần xuất khẩu thủy sản II bao tiêu sản phẩm đầu ra đạt chất lượng chuẩn. Lớp Trồng rau phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Long bao tiêu sản phẩm. Lớp Tạo dáng và chăm sóc cây cảnh phối hợp với Hội sinh vật cảnh và làm vườn tỉnh Quảng Ninh bao tiêu sản phẩm. HTX Nông nghiệp Hồng Hải, HTX Nông nghiệp Hà Tân bao tiêu sản phẩm trồng rau tại phường Hà Phong, thành phố Hạ Long…
Từ năm 2011 đến nay, 100% các trung tâm GDNN - GDTX cấp huyện được đầu tư thiết bị đào tạo nghề đã đăng ký hoạt động dạy nghề và tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Tuy nhiên, năm 2015, thực hiện chủ trương sáp nhập các trung tâm dạy nghề, trung tâm hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên cấp huyện và chuyển hoạt động của các trung tâm về UBND cấp huyện quản lý. Các địa phương đã tiến hành rà soát cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đào tạo nghề, chương trình đào tạo nghề. Đến nay, một số trung tâm cơ sở vật chất xuống cấp, đội ngũ giáo viên dạy nghề còn thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực, kỹ năng. Do vậy, số nghề được đầu tư thiết bị đào tạo chưa thực sự phát huy được hiệu quả.
Theo ông Vũ Quang Trực - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn có nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, còn nhiều hạn chế từ thực tiễn triển khai như, công tác khảo sát nhu cầu LĐNT học nghề vẫn còn số địa phương thực hiện chưa tốt. Một số cơ sở đào tạo quan tâm tuyển sinh đầu vào, nhưng chưa quan tâm đến nhu cầu của thị trường. Vì thế dẫn đến chất lượng đào tạo hạn chế, chậm đổi mới chương trình, chưa chủ động phối hợp với doanh nghiệp trong công tác đào tạo và tuyển dụng lao động.
Ngoài ra, việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư, tham gia vào lĩnh vực dạy nghề còn hạn chế. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong giai đoạn tới, Quảng Ninh cần tăng cường gắn kết chặt chẽ 3 “Nhà”: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Nâng cao chất lượng dạy nghề tại các trung tâm GDNN - GDTX, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất thiết bị và đội ngũ giáo viên dạy nghề bảo đảm đủ số lượng và chất lượng gắn với nâng cao năng lực cho các trung tâm GDNN - GDTX trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT.