Quảng Ninh: Công tác quản lý báo chí nhiều kết quả nổi bật

Hoạt động cung cấp thông tin cho báo chí và Hoạt động quản lý nhà nước về báo chí trong 9 tháng đầu năm 2019 ở tỉnh Quảng Ninh ghi nhận nhiều thành quả nổi bật.

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT), công tác quản lý nhà nước về báo chí đã được tỉnh Quảng Ninh tăng cường, đi vào chiều sâu và ngày càng có hiệu quả.

Một buổi Giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh chủ trì.

Về hoạt động cung cấp thông tin cho báo chí, Sở TTTT đã phối hợp tổ chức 8 hội nghị giao ban báo chí có phối hợp cung cấp thông tin; 5 cuộc họp báo; 1 Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí; chấp thuận cho 1 đơn vị tổ chức họp báo.

Sở cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan cung cấp thông tin cho báo chí tại 30 sự kiện, thông tin thời sự hàng ngày diễn ra trên địa bàn tỉnh.

Sở TTTT đã chuyển qua hệ thống email đến các phóng viên thường trú, đầu mối hợp tác truyền thông, phóng viên theo dõi trên địa bàn tỉnh trên 300 lượt thông tin.

Đồng thời, Sở cũng ban hành 35 kế hoạch và văn bản hướng dẫn tuyên truyền về việc thông tin trên địa bàn tỉnh quan tâm, tuyên truyền các nội dung kết quả nổi bật của tỉnh.

Về Hoạt động quản lý báo chí, Sở đã tiếp nhận, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ phóng viên thường trú, văn phòng đại diện (theo quy định tại Điều 22, Luật Báo chí năm 2016) của 9 cơ quan báo chí. Đồng thời, tham mưu 4 văn bản báo cáo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TTTT về một số hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, Sở TTTT triển khai một số hoạt động tiêu biểu về công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí như: Tổng hợp danh sách Người Phát ngôn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Có văn bản hướng dẫn gửi các sở, ban, ngành, các địa phương trong việc thực hiện công tác phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí….

Một vấn đề mà báo chí rất quan tâm đó là công tác phản hồi thông tin báo chí cũng được Sở báo cáo nêu rõ, qua đó, trong 9 tháng đầu năm đã có trên 30 nội dung do báo chí phản ánh được các cơ quan liên quan xác minh và có phản hồi.

Tiêu biểu có việc ghi hình tác nghiệp tại Vịnh Hạ Long, Sở TTTĐ cũng phối hợp đón 18 đoàn phóng viên báo chí nước ngoài với hơn 120 lượt phóng viên hoạt động báo chí.

Đồng thời, Sở tiếp tục tăng cường hoạt động theo dõi, tổng hợp thông tin báo chí phản ảnh những vấn đề nhạy cảm, bức xúc về tỉnh Quảng Ninh, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh hằng tuần và đề nghị các địa phương, đơn vị liên quan xác minh thông tin báo chí đăng.

Bên cạnh thành tựu đạt được thì vẫn còn những tồn đọng như tình trạng một số cơ quan báo chí chưa đảm bảo điều kiện về hoạt động phóng viên thường trú, văn phòng đại diện theo quy định tại Điều 22 Luật Báo chí 2016 như: một số Văn phòng đại diện không có trưởng VPĐD hoặc trưởng VPĐD hoạt động kiêm nhiệm, thiếu chặt chẽ trong quản lý phóng viên.

Công tác phối hợp phản hồi thông tin trên báo chí chưa đồng bộ, kịp thời, vẫn có tình trạng cơ quan, đơn vị liên quan chậm phản hồi hoặc chưa phản hồi.

Vẫn còn hạn chế về các tin, bài, chuyên đề sâu về các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội, khai thác tiềm năng của các địa phương, đơn vị điển hình trong lao động, sản xuất; về biển, đảo, biên giới vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số...

Tình trạng báo chí giật tít, câu view, khai thác quá sâu, thông tin về lĩnh vực an ninh trật tự, đời tư của cá nhân vẫn còn phổ biến. Một số trang TTĐT tổng hợp đăng lại thông tin từ báo điện tử, nhưng không tìm được bài gốc trên báo điện tử.

Còn tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử: nhiều Tạp chí điện tử chuyên ngành cử phóng viên tác nghiệp tại địa phương để khai thác các vấn đề thời sự như đất đai, môi trường, bất động sản; cung cấp, giấy giới thiệu, thông tin mập mờ, gây hiểu lầm là phóng viên của báo điện tử.

Với phóng viên, vẫn còn tình trạng sử dụng giấy giới thiệu chung chung, không có thông tin làm việc, phóng viên sử dụng các loại thẻ tác nghiệp, giấy giới thiệu hết hạn, không đúng quy định...

Nguyễn Quân

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/quang-ninh-cong-tac-quan-ly-bao-chi-nhieu-ket-qua-noi-bat-post68911.html