Quảng Ninh dành 160 tỉ đồng bảo trợ y tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Hệ thống y tế cơ sở vùng dân tộc thiểu số của Quảng Ninh được quan tâm đầu tư cả nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị, đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến 2030, đạt tiêu chí y tế trong Bộ tiêu chí nông thôn mới.

Y tế địa phương kiểm tra sức khỏe cho người dân thường xuyên. Ảnh: TN

Y tế địa phương kiểm tra sức khỏe cho người dân thường xuyên. Ảnh: TN

Quảng Ninh có 177 xã, phường, thị trấn; trong đó có 56 xã, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Với sự quan tâm, đầu tư của tỉnh, diện mạo vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới có thay đổi rõ ràng. Đặc biệt, công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân tại đây được nâng cao.

Tỉnh Quảng Ninh đã dành nhiều nguồn lực, đầu tư để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho đồng bào. Nhờ đó giúp tỉnh hiện thực hóa mục tiêu phát triển toàn diện hệ thống y tế theo hướng công bằng, hiệu quả, phát triển bền vững giữa các vùng, miền.

Người dân được cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản, có điều kiện tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng và hướng tới chất lượng cao. Nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống.

Cán bộ y tế phổ biến kiến thức phòng tránh bệnh cho người dân. Ảnh: TN

Cán bộ y tế phổ biến kiến thức phòng tránh bệnh cho người dân. Ảnh: TN

56 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ninh đều có biên chế bác sĩ

Tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thực hiện Đề án Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng cao năng lực cơ sở y tế toàn tỉnh nhằm tập trung nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện, trong đó hệ thống y tế tuyến huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 62,5%.

Đồng thời, tỉnh cũng đang xây dựng, hoàn thiện Đề án Nâng cao năng lực trạm y tế xã, phường, thị trấn để sửa chữa, chống xuống cấp cơ sở vật chất, bổ sung các trang thiết bị còn thiếu và cần thiết để đảm bảo hoạt động chuyên môn tại các trạm.

Tỉnh Quảng Ninh cũng sẽ cải tạo, xây mới 8 trạm y tế, trong đó có các trạm vùng dân tộc thiểu số, như: Trạm Y tế xã Kỳ Thượng và Trạm Y tế xã Bằng Cả (Hạ Long), Trạm Y tế xã Lương Mông (Ba Chẽ), Trạm Y tế xã Quảng Sơn (Hải Hà).

Từ năm 2021 đến năm 2023, các địa phương trong tỉnh đã đầu tư 240 tỉ đồng sửa chữa, bảo dưỡng cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng cho y tế cơ sở, trong đó đặc biệt ưu tiên ở các vùng miền núi, dân tộc thiểu số.

Không chỉ đầu tư cơ sở vật chất, tỉnh còn quan tâm đến chất lượng nhân lực cán bộ, nhân viên y tế vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Cuối năm 2023, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành Nghị quyết số 28/2023/NQ-HĐND Quy định chính sách thu hút bác sĩ về làm việc tại một số đơn vị thuộc tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025. Trong đó có chính sách thu hút các bác sĩ vào làm việc tại các trạm y tế ở các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.

Hiện 56 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh đều có biên chế bác sĩ làm việc.

Các cơ sở y tế tổ chức khám mắt cho người dân. Ảnh: TN

Các cơ sở y tế tổ chức khám mắt cho người dân. Ảnh: TN

100% người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi Quảng Ninh có Bảo hiểm y tế

Các hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân vùng dân tộc thiểu số cũng được tỉnh, các sở, ngành, địa phương tích cực triển khai. Qua đó tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, can thiệp lồng ghép với các chương trình, dự án, mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em, dinh dưỡng, phát triển thể chất cho người dân vùng này.

Đến nay, 100% người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có Bảo hiểm y tế.

Đặc biệt, ngành Y tế triển khai chương trình chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em nhằm giảm tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em, nâng cao tầm vóc, thể lực người dân tộc thiểu số trên địa bàn. Qua đó đã triển khai tư vấn, hướng dẫn chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời lồng ghép trong chăm sóc trước sinh tại trạm y tế xã và tại cộng đồng; thực hiện Quy trình chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ với các trường hợp sinh thường để trẻ được bú sớm trong 1 giờ đầu sau sinh tại trạm y tế có đỡ đẻ.

Đồng thời, các trạm y tế xã ở vùng dân tộc thiểu số cũng tổ chức khám sàng lọc và đánh giá dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai 3 lần/thai kỳ/người; trẻ em dưới 2 tuổi 3 tháng/lần/trẻ; tổ chức, lồng ghép các buổi hướng dẫn trình diện thức ăn cho trẻ dựa trên các sản phẩm/thực phẩm sẵn có của địa phương; giáo dục ăn bổ sung hợp lý, bổ sung vi chất dinh dưỡng, triển khai các biện pháp can thiệp đối với trẻ em từ 0 đến 72 tháng tuổi được chẩn đoán suy dinh dưỡng cấp tính nặng…

Nhờ đó đến nay, tỉ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi của tỉnh chỉ còn khoảng 7,81%, trong khi năm 2021 là 11,89%; suy dinh dưỡng thể thấp còi hiện chỉ chiếm 10,72%.

Ngoài ra, Quảng Ninh tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ từ Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn tỉnh. Đồng thời thực hiện có hiệu quả Chương trình nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; trong đó đặc biệt chú ý đến các đối tượng thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Hiện tỉnh đang thực hiện chính sách bảo trợ xã hội cho trên 42.000 đối tượng với kinh phí khoảng 160 tỉ đồng.

Tuệ Nhi

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/quang-ninh-danh-160-ti-dong-bao-tro-y-te-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-17924071009352866.htm