Quảng Ninh đề nghị tăng cường giám sát chặt chẽ dịch COVID-19
Sở Y tế Quảng Ninh đã có văn bản đề nghị các cơ sở y tế, các sở, ngành, địa phương tăng cường giám sát chặt chẽ dịch; lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ để xét nghiệm, giám sát các biến chủng mới.
Để chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, Sở Y tế Quảng Ninh đã có văn bản đề nghị các cơ sở y tế, các sở, ngành, địa phương tăng cường giám sát chặt chẽ dịch COVID-19; lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ để xét nghiệm, giám sát các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2; xử lý triệt để các ổ dịch không để lây lan, bùng phát rộng; đảm bảo ghi nhận chính xác, đầy đủ, kịp thời để đánh giá đúng khả năng có thể xuất hiện làn sóng mới của dịch bệnh tại địa phương.
Ngành y tế cần tăng cường công tác tiêm vaccine phòng COVID-19; đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; khuyến cáo người dân khi có triệu chứng nghi ngờ cần chủ động tự cách ly tại nhà để phòng lây nhiễm cho những người xung quanh.
Mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã có quyết định về việc tạm ngừng hoạt động của các bệnh viện thu dung, điều trị và cách ly bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona.
Đó là Bệnh viện số 1 có trụ sở tại Trung tâm Y tế thành phố Móng Cái và Bệnh viện số 2 có trụ sở tại Bệnh viện Phổi Quảng Ninh (cùng được thành lập vào tháng 2/2020).
Các trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 của Bệnh viện số 1, Bệnh viện số 2 sẽ được chuyển cho các đơn vị y tế công lập phục vụ hoạt động khám, chữa bệnh trên địa bàn.
Trung tâm Y tế thành phố Móng Cái và Bệnh viện Phổi Quảng Ninh tổ chức các hoạt động khám, chữa bệnh trong trạng thái bình thường mới và triển khai đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.
Theo Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, trong ngày 12/4, toàn tỉnh ghi nhận 33 ca mắc mới COVID-19 tại 6 địa phương. Riêng thành phố Hạ Long, ngày 12/4 ghi nhận 9 ca; ngày 13/4 ghi nhận 39 ca mắc COVID-19.
Hiện thành phố Hạ Long ghi nhận 1 ổ dịch COVID-19 tại Trường Trung học cơ sở Lê Văn Tám với 9 học sinh mắc. Các trường hợp mắc bệnh được phát hiện từ ngày 5-10/4 tại 1 lớp học.
Những học sinh này thường trú tại các phường Hồng Gai, Cao Xanh, Bạch Đằng và hiện đang được cách ly tại nhà, sức khỏe ổn định (trong gia đình chưa phát hiện người mắc mới). Ổ dịch cũng không phát sinh thêm ca mới.
Theo đánh giá của ngành y tế, dịch COVID-19 trên địa bàn vẫn được kiểm soát tốt và chưa ghi nhận sự xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 điều trị tại bệnh viện gia tăng.
Trong tháng 3/2023, trung bình mỗi ngày trên địa bàn ghi nhận từ 5-7 ca mắc thì từ đầu tháng 4 đến nay có từ 20-30 ca/ngày. Đa phần ca mắc có biểu hiện nhẹ và được chỉ định điều trị tại nhà. Bệnh nhân thường có các triệu chứng sốt, ho, đau đầu, đau người, một số người khó thở ở mức trung bình. Những trường hợp phải nhập viện đều là người cao tuổi, có bệnh nền.
Nhờ duy trì công tác sàng lọc, kiểm soát dịch bệnh và báo cáo tình hình dịch COVID-19 hàng ngày, ngành y tế có thể phát hiện sớm xu hướng của dịch; từ đó, tham mưu kịp thời với tỉnh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Ngành y tế tỉnh mong muốn người dân tiếp tục thực hiện nghiêm việc khai báo và cách ly để dịch không bùng phát, lây lan trong cộng đồng.
Số ca COVID-19 ở Việt Nam trong gần một tuần qua đang tăng nhanh, đặc biệt có 2 ngày gần đây số trường hợp mắc mới vượt mức 100 ca/ngày, đáng lưu ý số bệnh nhân nặng cũng tăng lên.
Các chuyên gia nhận định số ca COVID-19 gia tăng do miền Bắc đang trong giai đoạn chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho virus phát triển, trong đó có SARS-CoV-2.
Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới đang xem xét tính kiểm soát ổn định của dịch COVID-19 để có ứng phó phù hợp. Nếu không xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm hơn, kháng lại các vaccine đang sử dụng, quản lý được số mắc một cách ổn định, hệ thống y tế không bị quá tải, số ca chuyển nặng, tử vong không nhiều thì dần dần sẽ gọi là kiểm soát ổn định. Khi đó, đại dịch COVID-19 có thể được công bố thành bệnh lưu hành.
Theo Phó giáo sư Trần Đắc Phu, dù COVID-19 có trở thành bệnh lưu hành giống như cúm mùa thì vẫn phải tiêm vaccine vì vẫn có nhiều người tử vong.
Bộ Y tế đã xây dựng phương án bảo đảm công tác y tế trong tình huống dịch COVID-19 có biến chủng mới nguy hiểm hơn, bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế để sẵn sàng triển khai, thực hiện khi xảy ra. Trong trường hợp tình hình dịch diễn biến ổn định, có thể dự báo và kiểm soát được, các biện pháp phòng chống dịch sẽ được kịp thời điều chỉnh nhằm chủ động đáp ứng với dịch COVID-19 và bảo đảm sức khỏe người dân.
Để chủ động phòng, chống dịch COVID-19, trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục tập trung theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trong nước, quốc tế; tăng cường giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại cửa khẩu, cộng đồng, tại các cơ sở khám, chữa bệnh; tăng cường lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ để xét nghiệm, giải trình tự gene nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt khi các biến thể mới của virus cũng như các biến thể phụ có khả năng gây bệnh nặng, né tránh miễn dịch hay giảm hiệu quả thuốc chữa bệnh.
Bộ Y tế tiếp tục thúc đẩy việc tiêm vaccine phòng COVID-19 đặc biệt đối với các trường hợp nguy cơ cao, trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi nhất là ở các tỉnh, thành phố lớn, khu vực trọng điểm du lịch, có lượng khách quốc tế cao./.