Quảng Ninh - điểm sáng trên hành trình giảm nghèo đa chiều, bền vững
Hiện nay, phần lớn hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí của tỉnh Quảng Ninh tập trung ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Do đó, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục vận động người dân thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức.
Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 của Trung ương, năm 2023 toàn tỉnh Quảng Ninh không còn hộ nghèo, số hộ cận nghèo là 925 hộ, chiếm tỷ lệ 0,241% tổng số hộ dân toàn tỉnh.
Năm 2023, tỉnh Quảng Ninh thông qua Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2023-2025. So với mức chuẩn nghèo của Chính phủ, tiêu chí thu nhập cao hơn khoảng 1,4 lần (tại khu vực thành thị ở Quảng Ninh là 2,6 triệu đồng/người/tháng, ở khu vực nông thôn là 2,1 triệu đồng/người/tháng).
Nếu theo tiêu chí này, toàn tỉnh có 246 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,064% tổng số hộ dân toàn tỉnh và 3.063 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,797%. Toàn tỉnh có 7/13 địa phương không còn hộ nghèo, 6 địa phương còn lại có tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%. Trong tổng số 13 huyện/thành phố, TP Hạ Long không còn hộ cận nghèo, 7 địa phương có tỷ lệ hộ cận nghèo dưới 1%, 5 địa phương có tỷ lệ hộ cận nghèo trên 1%.
Với nhiều nỗ lực, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã giảm 121/246 hộ nghèo, bằng 49,19% kế hoạch năm; giảm 828 hộ cận nghèo, bằng 69% kế hoạch năm 2024. Để đạt mục tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo mà tỉnh đề ra, tỉnh tiếp tục phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững.
Hiện nay, phần lớn hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí của tỉnh tập trung ở khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số... Do đó, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục vận động người dân thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức.
Đơn cử tại huyện Ba Chẽ, công tác tuyên truyền tập trung phát huy tốt vai trò phát triển kinh tế hộ gia đình, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao; chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa theo quy hoạch; mạnh dạn áp dụng chuyển đổi, ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
Huyện Ba Chẽ còn thường xuyên nêu gương người tốt, việc tốt, các hộ gia đình có mô hình phát triển sản xuất tiêu biểu để người dân noi theo. Đồng thời, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng như: Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, trồng rừng tập trung.
Nhờ các biện pháp đồng bộ, quyết liệt, hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tự mình vươn lên thay vì trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ. Ba Chẽ là huyện đầu tiên trên cả nước có 200 hộ tự viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.
Quảng Ninh rất quan tâm hỗ trợ chiều thiếu hụt nhà ở, hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà ở dột nát mới phát sinh trên địa bàn nhằm hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện "an cư lạc nghiệp".
Năm 2024, bà Ngô Thị Xịch, thôn Đồng Mơ, xã Vũ Oai, TP Hạ Long, là một trong các hộ dân được sống trong căn nhà kiên cố dựng xây, sửa chữa từ chính sách của tỉnh. Căn nhà mơ ước rộng hơn 50 mét vuông khang trang được sửa chữa, thay thế cho nơi ở cấp 4 xập xệ, cũ nát của gia đình. Đó là món quà an cư được dựng lên bởi tình cảm, sự đóng góp hỗ trợ của cộng đồng, anh em.
Theo đó, TP Hạ Long và xã Vũ Oai hỗ trợ 40 triệu đồng từ các nguồn xã hội hóa, phần còn lại do gia đình đối ứng và người thân giúp đỡ. Có nhà ở khang trang, kiên cố, vợ chồng bà Xịch phấn khở, từ nay không phải chịu cảnh mưa dột, gió lùa rét buốt nữa.
Năm 2024 tỉnh Quảng Ninh tiếp tục chỉ đạo triển khai phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát với quyết tâm cao nhất, tổ chức thực hiện đạt kết quả cao nhất với phương châm “Phát sinh đến đâu - giải quyết đến đó”. Đặc biệt, trong năm 2024, Quảng Ninh phấn đấu toàn tỉnh không còn hộ nghèo và giảm 50% hộ cận nghèo theo tiêu chí mới của tỉnh, góp phần vào kết quả chung của cả nước thực hiện mục tiêu “xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu”.
Cùng với đó, Quảng Ninh cũng triển khai có hiệu quả các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo hỗ trợ đối tượng yếu thế, thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Tỉnh mở rộng hơn đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách trợ giúp xã hội như: Người từ đủ 75 tuổi trở lên được trợ cấp hằng tháng (Trung ương là 80 tuổi); người từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được trợ cấp hằng tháng, được hỗ trợ bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, người cao tuổi không có khả năng lao động, thuộc hộ nghèo ở Quảng Ninh cũng được hỗ trợ bảo hiểm y tế; mở rộng hơn các đối tượng trẻ em, người khuyết tật, người bị ốm đau và một số đối tượng khác thuộc diện khó khăn được hỗ trợ, trợ giúp xã hội. Cùng với đó, tỉnh quan tâm phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo nghề cho lao động trẻ để chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế nông thôn, gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập.