Quảng Ninh: Đột phá cải cách hành chính thu hút đầu tư
Tổng thu hút đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh trong 10 tháng năm 2023 ước tính đạt khoảng 5 tỷ USD, trong đó thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trên 3,1 tỷ USD, thu hút vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách đạt khoảng 1,9 tỷ USD. Góp phần vào kết quả ấn tượng đó không thể không kể đến một trong những nguyên nhân quan trọng là tỉnh đã tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính như một yếu tố đặc biệt quan trọng thu hút đầu tư.
Cách đây đúng 1 thập kỷ, năm 2013 là dấu mốc quan trọng của tỉnh Quảng Ninh trên tiến trình cải cách hành chính. Đây là năm thứ 3 Quảng Ninh thực hiện thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bộ tỉnh (2010-2015), Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, cũng là năm tỉnh Quảng Ninh tạo bước chuyển đổi mạnh mẽ của mô hình tăng trưởng mới, cụ thể hóa 3 khâu đột phá chiến lược của tỉnh là hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, Quảng Ninh đã ưu tiên dồn nguồn lực quyết tâm xây dựng một nền hành chính hiệu quả, thống nhất, tập trung, hiện đại, tương xứng với tiềm năng cũng như tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đầu năm 2013 tỉnh Quảng Ninh ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Đề án xây dựng chính quyền điện tử và trung tâm hành chính công đồng thời tỉnh cũng quyết định thành lập và đưa vào hoạt động mô hình trung tâm hành chính công tỉnh và 5 trung tâm hành chính công cấp huyện (Hạ Long, Uông Bí, Móng Cái, Cẩm Phả, Vân Đồn). Các thủ tục hành chính khi đưa vào thực hiện tại các trung tâm hành chính công đã được rà soát, cắt giảm 40% lượng thời gian giải quyết so với thời gian quy định của pháp luật. Tỉnh cũng đã kiểm soát chất lượng và cập nhật 343 thủ tục hành chính vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, góp phần công khai, minh bạch phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo thuận lợi cho cán bộ công chức viên chức và cá nhân, tổ chức tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, kịp thời, đúng quy định. Sau một thời gian vận hành, các trung tâm đã giải quyết cơ bản những yêu cầu của tổ chức, công dân. Số hồ sơ được giải quyết đúng hạn tại Trung tâm Hành chính công tỉnh đạt trên 99,4%, tại trung tâm hành chính công cấp huyện đạt 97,7%. Triển khai mô hình này đã giúp hiệu quả làm việc của bộ máy hành chính công được nâng cao; tính minh bạch của các cơ quan, đơn vị được đảm bảo và tăng cường; sự phiền hà, chi phí không chính thức, thời gian, công sức của người dân và các tổ chức giảm rõ rệt.
Mô hình thí điểm trung tâm hành chính công là bước cụ thể hóa quan trọng đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh trong chiến lược đẩy mạnh cải cách hành chính thu hút nguồn lực đầu tư vào tỉnh, đây cũng là mô hình thí điểm đầu tiên trong cả nước thực hiện dịch vụ trong việc giải quyết các thủ tục hành chính của các cơ quan Nhà nước đối với tổ chức và người dân. Song song với đó, tỉnh Quảng Ninh dành nhiều nguồn lực cho việc hiện đại hóa nền hành chính công, tiếp tục triển khai sâu rộng các nội dung công việc của Đề án xây dựng Chính quyền điện tử, như: Vận hành và nâng cấp hệ thống, chất lượng của Cổng Thông tin điện tử tỉnh; đảm bảo hoạt động ổn định và hiệu quả hoạt động của Hệ thống thư điện tử của tỉnh; xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến tại các sở, ngành, cấp huyện, cấp xã của 4 địa phương Móng Cái, Uông Bí, Tiên Yên, Vân Đồn...
Với hành trình 10 năm triển khai và kiên trì xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các cấp chính quyền địa phương và của cả hệ thống chính trị nhằm kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, những năm qua tỉnh Quảng Ninh đã đạt những bước đột phá trong công tác cải cách hành chính. Toàn bộ quy trình giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện “5 bước tại chỗ”, “5 bước trên môi trường điện tử” thông qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh và được xây dựng quy trình đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ thời gian giải quyết; trên 77% hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến; 100% phí, lệ phí được thanh toán không dùng tiền mặt... Tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc toàn trình cả 3 cấp đạt trên 82%, gấp 1,5 lần trung bình toàn quốc... Nhờ tích cực cải cách, thời gian giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh Quảng Ninh hiện được cắt giảm từ 40-60% so với quy định của Trung ương. Đặc biệt, một số thủ tục liên quan trực tiếp đến hoạt động thu hút đầu tư như chấp thuận chủ trương, phê duyệt địa điểm đầu tư... được cắt giảm trên 70% thời gian, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người dân. Hiện 100% số thủ tục hành chính ở cấp tỉnh đủ điều kiện (tương đương 1.367 thủ tục) đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 908 thủ tục được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Tính đến hết tháng 2/2022, Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh đã cung cấp được 1.712 dịch vụ ở mức độ 3 và mức độ 4 trong tổng số 1.831 dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Số lượng dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 là 1.387 thủ tục, tương đương 75% số dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, với tỷ lệ trung bình khoảng 48%.
Việc giải quyết thủ tục hành chính theo quy trình 5 bước trên môi trường điện tử gắn với áp dụng chữ ký số trong tất cả các bước giải quyết không chỉ giúp giảm chi phí, thời gian giao dịch, tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính theo hướng thuận tiện, nhanh chóng, cắt giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; mà còn tạo sự công khai, minh bạch trong cơ chế kiểm tra, giám sát, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, quan liêu...
Trong công cuộc đẩy mạnh cải cách hành chính, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt chú trọng đến việc rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thành phần hồ sơ, chuẩn hóa các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tiêu biểu như sự kiện tỉnh Quảng Ninh trao Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư đầu tư 2 dự án mới cho đại diện Tập đoàn Foxconn chỉ sau 12 giờ làm việc kể từ thời điểm nhà đầu tư nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công của tỉnh (tháng 6/2023), rút ngắn thời gian tới 14 ngày làm việc so với quy định về giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực thu hút đầu tư. Trước đó, năm 2019, Tập đoàn Foxconn chính thức triển khai dự án đầu tư đầu tiên tại Quảng Ninh với nhà máy S-Việt Nam sản xuất module màn hình tinh thể lỏng và bảng mạch điện tử, tại Khu công nghiệp Đông Mai (thị xã Quảng Yên), tổng vốn đầu tư hơn 137 triệu USD. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn Foxconn đã có 3 dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 383 triệu USD, chiếm khoảng 1/10 quy mô đầu tư của Tập đoàn Foxconn tại Việt Nam. Không chỉ có Tập đoàn Foxconn tiếp tục triển khai các dự án mới, Jinko Solar - tập đoàn sản xuất tấm quang năng tiên tiến và lớn bậc nhất thế giới cũng tin tưởng lựa chọn tỉnh Quảng Ninh để đầu tư thêm dự án mới tại Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà, nâng tổng vốn đầu tư tại Quảng Ninh lên trên 2,5 tỷ USD với 3 dự án. Đây chính là minh chứng cho thấy hiệu quả cải cách hành chính, xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, minh bạch, thông thoáng, thuận lợi của tỉnh Quảng Ninh thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư.
Năm 2022, Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước lần thứ 2 giữ vị trí đứng đầu cả 4 chỉ số quan trọng: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR-Index), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS). Trong đó, 6 năm liên tiếp (2017-2022) Quảng Ninh giữ vị trí Quán quân Chỉ số PCI và 10 năm liền (2013-2022) nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước. Đây là sự đánh giá khách quan, niềm tin, sự ghi nhận của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đối với những nỗ lực cải cách, đổi mới, sáng tạo không ngừng của chính quyền tỉnh Quảng Ninh, trong đó có lĩnh vực cải cách hành chính.