Quảng Ninh dự kiến có 3 đặc khu, 48 đơn vị cấp xã sau sáp nhập
Tỉnh ủy Quảng Ninh vừa có kết luận về phương án sắp xếp đơn vị hành chính với dự kiến gồm 3 đặc khu, 48 đơn vị cấp xã sau sáp nhập.
Ngày 15/4, Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành Kết luận số 1207-KL/TU về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Huyện đảo Cô Tô với nhiều tiềm năng, lợi thế về du lịch nghỉ dưỡng và có vai trò đặc biệt về quốc phòng - an ninh vùng Đông Bắc của Tổ quốc được tỉnh Quảng Ninh chủ trương xây dựng thành một trong 3 đặc khu.
Theo đó, Tỉnh ủy Quảng Ninh cơ bản thống nhất phương án sắp xếp 51 đơn vị hành chính gồm: 27 phường, 21 xã và 3 đặc khu (Vân Đồn, Cô Tô, Móng Cái) mà Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 68, khóa XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã thảo luận, cho ý kiến ngày 14/4.
Trường hợp Trung ương phê duyệt 2 đặc khu (Vân Đồn, Cô Tô) thì sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thành 54 đơn vị, gồm 30 phường, 22 xã và 2 đặc khu.
Tỉnh ủy Quảng Ninh giao Ban thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Đảng ủy UBND tỉnh tiếp tục hoàn thiện Đề án không tổ chức cấp huyện và sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã, bảo đảm chất lượng, tiến độ, trình cấp có thẩm quyền thông qua theo quy định.
Quá trình hoàn thiện đề án phải lưu ý các yếu tố về điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, sự phân bố và tổ chức các không gian phát triển kinh tế, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển của mỗi địa phương, hỗ trợ lẫn nhau để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp; thực hiện rà soát, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính của một số đơn vị nhằm khắc phục tồn tại, bất cập do lịch sử để lại trong công tác quản lý nhà nước về địa giới hành chính, quy hoạch.
Tỉnh ủy Quảng Ninh giao Ban thường vụ các địa phương cấp huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và khẩn trương hoàn thiện đề án không tổ chức cấp huyện, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền, bảo đảm đúng lộ trình, tiến độ đề ra.
Trong đó, chủ động nghiên cứu, đề xuất tên gọi, địa điểm đặt trụ sở của đơn vị hành chính cấp xã mới, bảo đảm vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông kết nối để phục vụ kịp thời và tốt nhất cho nhân dân.
Việc đề xuất tên gọi của đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp phải ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, đảm bảo tính hệ thống, khoa học, phù hợp các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương, quy định pháp luật hiện hành, được nhân dân địa phương đồng thuận, ủng hộ.
Có thể cân nhắc đặt tên theo hướng lựa chọn tên đơn vị hành chính cấp huyện để đặt tên cho đơn vị hành chính cấp xã khu vực trung tâm; tên địa danh có truyền thống, lịch sử; địa danh nổi tiếng, có thương hiệu về du lịch, văn hóa, giao thương, đối ngoại. Trường hợp nhập nhiều đơn vị có thể lấy tên của một đơn vị là trung tâm chính trị - hành chính...
Cùng đó, các địa phương tổ chức lấy ý kiến cử tri đảm bảo công khai, minh bạch, đúng tiến độ theo yêu cầu tại chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy để tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao trong cộng đồng dân cư; chỉ đạo triển khai ngay công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ cấp xã, đảm bảo có thể tổ chức đại hội ngay sau thời điểm mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025.