Quảng Ninh đưa công nghiệp chế biến, chế tạo làm động lực tăng trưởng kinh tế mới
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả khả quan, ngày càng khẳng định là một trong những trụ cột chính trong nền kinh tế của tỉnh. Đây được coi là động lực quan trọng để Quảng Ninh đặt niềm tin cho tăng trưởng kinh tế năm 2024.
Hiệu quả từ ngành công nghiệp chế biến chế tạo
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 1.098 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Tính từ đầu năm đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã thu hút mới 10 dự án, điều chỉnh 2 dự án vào khu công nghiệp, khu kinh tế, với tổng số vốn đầu tư đăng ký là hơn 623 triệu USD, trong đó 10/11 dự án thuộc lĩnh vực chế biến chế tạo.
Đến thời điểm hiện tại nhiều sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo mang tính chủ lực trong thống kê tính chỉ số tăng trưởng kinh tế GRDP đều đã và đang vượt sản lượng so với dự kiến ban đầu, mức tăng trưởng trong quý I/2024 đạt 25,95%.
Dự kiến hết quý II/2024, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Quảng Ninh ước tăng trưởng gần 30%, ngoài ra, một số loại sản phẩm dự kiến có khối lượng đơn hàng sẽ gia tăng trong quý III, quý IV.
Là đơn vị sản xuất sợi Polyester, Cotton, Nylon…, trong năm 2023, Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Texhong Ngân Long tại khu công nghiệp (KCN) Hải Yên, TP. Móng Cái đã sản xuất đạt 125 nghìn tấn sợi thành phẩm. Từ đầu năm 2024 đến nay, công ty tiếp tục đi vào sản xuất ổn định, trung bình đạt khoảng 10,4 tấn/tháng. Trong năm 2024, công ty sẽ đặt mục tiêu sản xuất tăng từ 5 - 10% so với năm 2023.
Bà Zhou Bo Qin - Tổng giám đốc Công ty NHH Khoa học kỹ thuật Texhong Ngân Long, cho biết: "Lựa chọn đầu tư tại KCN Hải Yên, công ty đã luôn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ rất nhiệt tình về mọi mặt từ phía tỉnh Quảng Ninh và TP. Móng Cái. Khi công ty gặp khó khăn đều được nhanh chóng hỗ trợ, tháo gỡ, giải quyết".
"Đây là cơ sở tạo niềm tin cho chúng tôi tiếp tục phát triển dài hạn. Trong năm 2024, để phù hợp với thị trường sản xuất và khách hàng, công ty đã thực hiện thay đổi về máy móc, bố cục sản phẩm. Những thị trường trước đây tập đoàn hay công ty chưa khai thác tới, trong năm nay chúng tôi sẽ đẩy mạnh khai thác để tạo được sự hài lòng, mở rộng về đơn hàng sản xuất. Nhờ vậy, bắt đầu từ quý IV/2023, công ty đã có lợi nhuận cao, quý I/2024 lợi nhuận đã vượt chỉ tiêu công ty đưa ra. Chúng tôi tin tưởng rằng trong năm nay, sản lượng, lợi nhuận của công ty sẽ đạt cao hơn những năm vừa qua" - bà Zhou Bo Qin chia sẻ thêm.
Với các giải pháp được triển khai thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, thực chất, cùng sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 3 năm qua của tỉnh Quảng Ninh đã đạt 19,68%.
Từng bước hình thành chuỗi sản xuất đồng bộ
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, tỉnh Quảng Ninh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông động lực kết nối các khu kinh tế trọng điểm trên địa bàn với các trung tâm kinh tế của miền Bắc, như: cầu Bến Rừng; đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều; hoàn thiện hạ tầng khu kinh tế ven biển Quảng Yên, hạ tầng các KCN Sông Khoai, Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong, Bạch Đằng...
Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh đang đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng và giao đất cho chủ đầu tư hạ tầng KCN, đảm bảo đủ điều kiện thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án, ngoài ra, Quảng Ninh cũng đang triển khai hiệu quả đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021-2030” và nâng cao chất lượng thẩm định các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, cùng với cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động sản xuất công nghiệp...
Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2025 thu hút khoảng 2 tỷ USD/năm vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, tạo việc làm mới cho trên 20.000 lao động trở lên; giai đoạn 2026-2030, phấn đấu mỗi năm thu hút 3 tỷ USD, giải quyết việc làm cho từ 30.000 lao động trở lên.
Tỷ trọng đóng góp cho GRDP hàng năm của công nghiệp chế biến, chế tạo đến năm 2025 khoảng 20%; tốc độ tăng trưởng của ngành hàng năm đạt 20% trở lên...
Bà Cai Xi Fen - Phó Tổng giám đốc kinh doanh Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt (Việt Nam), cho biết: "Trong năm 2022 vừa qua, dưới sự giúp đỡ, hỗ trợ của tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi đã mở rộng được thêm 1 xưởng sản xuất áo lông vũ tại KCN Texhong Hải Hà, hiện tại xưởng đang hoạt động rất tốt, đảm bảo mục tiêu, kế hoạch đề ra của công ty. Trong năm 2023 vừa qua, công ty đã đạt trên 11 triệu sản phẩm quần áo. Năm 2024, chúng tôi đặt mục tiêu sẽ tăng sản lượng sản xuất thêm 10% so với năm 2023".
Việc Quảng Ninh hoàn thành và đưa một số dự án có quy mô đầu tư lớn, mang tính dẫn dắt sự phát triển của cả lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đi vào hoạt động đã tạo nền tảng quan trọng để Quảng Ninh tiếp tục thu hút các dự án đầu tư lĩnh vực này, từng bước hình thành chuỗi sản xuất đồng bộ, hiện đại, đủ khả năng cạnh tranh quốc tế, nâng cao vị thế của kinh tế Quảng Ninh trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Phạm Duy Thanh - Phó Giám đốc Sở Công thương Quảng Ninh, chia sẻ: "Những kết quả phát triển đột phá của ngành công nghiệp chế, biến chế tạo của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua có ý nghĩa rất quan trọng đối với kết quả phát triển chung của tỉnh . Sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng chính là một trong những yếu tố quan trọng để Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quá trình chuyển dịch mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” ".