Quảng Ninh gắn kết phát triển nguồn nhân lực với tạo việc làm
Quảng Ninh đang chuyển mình mạnh mẽ từ một tỉnh công nghiệp nặng sang nền kinh tế hiện đại, dịch vụ - công nghệ cao. Trong hành trình ấy, nguồn nhân lực chất lượng trở thành yếu tố then chốt. Gắn kết đào tạo nghề với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp không chỉ là chiến lược đúng đắn mà còn là giải pháp nhân văn, mang đến sinh kế bền vững cho người lao động.
Những năm gần đây, Quảng Ninh đã có bước chuyển dịch đáng kể trong cơ cấu kinh tế – giảm dần phụ thuộc vào khai thác khoáng sản, gia tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, logistics, công nghệ cao và du lịch chất lượng. Điều này kéo theo nhu cầu cấp thiết về một nguồn nhân lực không chỉ có trình độ chuyên môn mà còn sở hữu kỹ năng nghề nghiệp thực tiễn, phù hợp với yêu cầu sản xuất hiện đại.
Hiện nay, toàn tỉnh có 39 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó hơn 200 doanh nghiệp đã ký kết hợp tác đào tạo – tuyển dụng. Các mô hình đào tạo kép, đào tạo theo đơn đặt hàng, học đi đôi với hành... được triển khai hiệu quả, đưa sinh viên, học viên tiếp cận thực tế từ rất sớm. Nhiều trường nghề như Cao đẳng Việt – Hàn, Cao đẳng Than – Khoáng sản Việt Nam đã trở thành cầu nối quan trọng giữa nhà trường và doanh nghiệp, không chỉ giảng dạy kiến thức mà còn đào tạo kỹ năng làm việc chuyên sâu, thậm chí hướng tới thị trường lao động quốc tế.
.

Quảng Ninh đang cần thu hút nhiều lao động kỹ thuật cao. Ảnh VP Đông Bắc
Bên cạnh đó, tỉnh đặc biệt chú trọng đến công tác phân luồng, hướng nghiệp từ cấp THCS. Ở các địa phương như Cẩm Phả, Quảng Yên, Hạ Long – nơi tập trung nhiều khu công nghiệp (KCN), học sinh lớp 8, 9 đã được tư vấn nghề nghiệp, tham quan thực tế nhà máy, xưởng sản xuất. Từ đó, các em có cơ hội hiểu rõ ngành nghề, sở trường và đưa ra quyết định đúng đắn sau tốt nghiệp. Nhờ mô hình này, tỷ lệ học sinh chọn học nghề sau THCS tại các địa phương đã tăng từ 15% (2020) lên gần 25% (2024).
Không chỉ đào tạo dài hạn, các chương trình đào tạo nghề ngắn hạn dưới 3 tháng cũng được đẩy mạnh. Các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện đã phối hợp với doanh nghiệp tổ chức lớp học ngắn hạn, hiệu quả cho lao động nông thôn, phụ nữ, người khuyết tật… trong các lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng cao như may mặc, sửa chữa xe máy, chế biến thực phẩm, điện dân dụng... Sau khóa học, phần lớn người lao động được cấp chứng chỉ và nhận việc tại chỗ.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ninh cũng đóng vai trò trung tâm trong kết nối cung – cầu lao động. Năm 2024, trung tâm đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 14.000 lượt người, với hơn 4.000 người được giới thiệu việc làm cụ thể. Thông qua hệ thống phiên giao dịch online, fanpage tương tác, người lao động – đặc biệt là thanh niên, lao động phổ thông ở vùng sâu, vùng xa – có thể tiếp cận nhanh chóng với thông tin tuyển dụng và chính sách hỗ trợ.

Thay vì phụ thuộc vào lao động tỉnh ngoài, ngành than của Quảng Ninh đang chủ động khai thác thị trường lao động ngay tại chỗ
Trong ngành Than – lĩnh vực từng là trụ cột của Quảng Ninh – bài toán nhân lực cũng đang chuyển hướng bền vững hơn. Thay vì phụ thuộc vào lao động tỉnh ngoài, các đơn vị của Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã chủ động khai thác thị trường lao động ngay tại chỗ. Những năm gần đây, các huyện miền Đông như Ba Chẽ, Tiên Yên, Bình Liêu... đã cung cấp gần 3.000 lao động hầm lò cho ngành than, với mức thu nhập trên 20 triệu đồng/người/tháng – cao gấp nhiều lần so với các nghề thời vụ. Điều đáng mừng là không ít lao động sau khi ổn định công việc đã quay về đầu tư phát triển sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế tại chính quê hương mình.
Quảng Ninh cũng đi đầu trong hợp tác quốc tế về đào tạo nghề. Thông qua các chương trình với KOICA (Hàn Quốc), JICA (Nhật Bản), cơ quan Hợp tác quốc tế Đức…, tỉnh không chỉ tiếp nhận công nghệ đào tạo tiên tiến mà còn mở ra cơ hội giao lưu, tiếp cận thị trường lao động toàn cầu. Nhiều học sinh, sinh viên từ Lào, Campuchia cũng chọn Quảng Ninh là điểm đến học nghề, góp phần tăng cường hợp tác khu vực.
Bài toán phát triển kinh tế không thể thiếu lời giải về nguồn nhân lực. Quảng Ninh đang cho thấy một lộ trình rõ ràng, bền vững – không chỉ dạy nghề mà còn “trao cần câu”, mở đường sinh kế cho người lao động. Từ mô hình 3 nhà đến sự vào cuộc của chính quyền, doanh nghiệp, nhà trường, tất cả đã và đang góp phần làm nên diện mạo mới cho thị trường lao động địa phương: hiện đại hơn, chuyên nghiệp hơn, và nhân văn hơn.
Trong giai đoạn 2020 – 2024, nhờ mô hình "3 nhà" (nhà nước – nhà trường – doanh nghiệp), toàn tỉnh đã có hơn 84.000 lao động được giới thiệu việc làm, gần 50.000 người được đào tạo tại doanh nghiệp, hơn 34.000 lao động được nâng cao kỹ năng.