Quảng Ninh: Giao thông kéo gần khoảng cách vùng sâu và thành thị
Do đầu tư đồng bộ về hạ tầng giao thông, đời sống ở vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo của Quảng Ninh đã được kéo gần khoảng cách với khu vực thành thị, miền xuôi.
Đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông kết nối vùng, liên vùng
Thực hiện đột phá chiến lược, trong đó, đẩy mạnh về hạ tầng giao thông, những năm qua, Quảng Ninh đã huy động mọi nguồn lực, đa dạng hóa hình thức đầu tư, chú trọng lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư để đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ.
Nhờ vậy, đến nay, Quảng Ninh đã hình thành và hoạt động đủ cả 5 phương thức vận tải, gồm đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, đường hàng không và đường biển.
Riêng về đường bộ, Quảng Ninh có 6.787km gồm 7 tuyến quốc lộ dài 408km, 25 tuyến đường tỉnh dài 466km và 5.665km đường huyện, đường xã và đường thôn. Đặc biệt, với trên 176km cao tốc, Quảng Ninh trở thành địa phương có số km cao tốc dài nhất nước.
Đáng chú ý, chỉ trong vài năm trở lại đây, Quảng Ninh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hàng loạt tuyến giao thông trọng điểm, động lực như: Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Tình Yêu, đường nối khu công nghiệp Cái Lân lên cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, tuyến đường từ Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đến khu phức hợp nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp Vân Đồn…
Hiện địa phương này đang tiếp tục triển khai các dự án có giá trị liên kết vùng và liên vùng như: Dự án cầu Cửa Lục 3; đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều; dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 342, đường dẫn cầu Bến Rừng; đường nối quốc lộ 279 ở TP Hạ Long sang tỉnh lộ 291 của tỉnh Bắc Giang...
Trong đó, ngân sách tỉnh đầu tư 11 dự án với chiều dài 131km, tổng kinh phí trên 16.612 tỷ đồng; ngân sách địa phương triển khai 38 dự án với chiều dài 251,8km, vốn đầu tư trên 8.375 tỷ đồng.
Ghi nhận thực tế, những dự án đột phá về hạ tầng giao thông đã tạo sự kết nối chặt chẽ giữa nội địa và khu vực biên giới, hải đảo, giữa miền núi, nông thôn với thành thị, miền xuôi… tại Quảng Ninh.
Điển hình, dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 341 (quốc lộ 18C) giai đoạn hai, nối từ khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái (TP Móng Cái) đến khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà) được khánh thành và đưa vào sử dụng đầu tháng 9 vừa qua đã kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp giữa hai cửa khẩu và với cảng biển, khu du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
"Tuyến đường hoàn thành đã tạo động lực để thúc đẩy giao thương hàng hóa, thu hút các dự án đầu tư, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc, vùng núi khó khăn, góp phần phát triển nhanh, mạnh hai khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và Bắc Phong Sinh", quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy khẳng định.
Bứt phá của đầu tàu kinh tế khu vực phía Bắc
Theo ông Cao Tường Huy, với quan điểm "giao thông đi trước một bước", đổi mới phương thức huy động, khơi thông, kết nối nguồn lực "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư" để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án động lực, có tính lan tỏa cao, tỉnh Quảng Ninh đã huy động được nguồn lực lớn từ các thành phần kinh tế để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
Các công trình giao thông trọng điểm, động lực mới được đầu tư có ý nghĩa chiến lược, quan trọng, hiện thực hóa định hướng phát triển không gian của tỉnh Quảng Ninh là "một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực". Qua đó đã mở ra không gian phát triển mới cho khu vực, thúc đẩy phát triển liên kết vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.
Hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, tạo liên kết vùng đã giúp Quảng Ninh trong 7 năm liên tiếp (2016-2022) đạt tăng trưởng 2 con số, 6 tháng đầu năm 2023 đạt 9,46%, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả năm 2023 đạt trên 11%.
Không chỉ tạo sự chuyển mạnh mẽ trong thu hút đầu tư vào các khu vực trọng điểm, giao thông còn lan tỏa sức phát triển mới tới từng thôn, bản ở biên giới, hải đảo ở Quảng Ninh.
Là địa phương duy nhất của cả nước có cả ba tuyến biên giới trên đất liền, trên biển và trên không với nước bạn Trung Quốc, Quảng Ninh có 5 đơn vị cấp huyện biên giới. Cùng với đầu tư về hạ tầng giao thông đồng bộ, Quảng Ninh đã và đang đặc biệt quan tâm triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới, hải đảo.
Qua đó đã thực sự làm thay đổi đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi, hải đảo. Cụ thể, hết năm 2022, Quảng Ninh có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 54/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 26/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Hiện Quảng Ninh đã hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bước vào giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu hiện đại, văn minh gắn với đô thị hóa hài hòa, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống nông dân, cư dân nông thôn…