Quảng Ninh giữ ngôi vị quán quân PAPI 2022, Bình Dương bám sát nút
Với nhiều chỉ số thành phần có số điểm đứng đầu hoặc top đầu, Quảng Ninh đã vươn lên vị trí số 1 bảng xếp hạng PAPI 2022, phản ánh sự cải thiện trong quản trị hành chính công của tỉnh năm vừa qua.
Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam PAPI 2022, công bố ngày 12/4, đã đưa ra các bảng xếp hạng đánh giá 63 tỉnh/thành.
Quảng Ninh dẫn đầu với 47,8763 điểm. Bình Dương về vị trí thứ 2 với 47,4488 điểm và Cao Bằng đứng ở vị trí "đội sổ" với 38,8037 điểm.
Trong năm 2022, trên thang điểm từ 1 – 10 của PAPI, Quảng Ninh là tỉnh đứng đầu về điểm thành phần ở nhiều chỉ số, gồm: Chỉ số “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định với người dân”, với 6,4 điểm; Chỉ số “Trách nhiệm giải trình với người dân”, với 4,6 điểm; Chỉ số “Thủ tục hành chính công” với 7,7 điểm; Chỉ số “Quản trị điện tử”, với 3,7 điểm; Chỉ số “Kiểm soát tham nhũng khu vực công”, với 7,4 điểm.
Cùng với Bắc Giang, Quảng Ninh cũng là một trong 2 tỉnh dẫn đầu cả nước về chỉ số “Quản trị môi trường”. Việc thu gom rác thải một lần/tuần được thực hiện thường xuyên nhiều ở 14 tỉnh/thành trong đó có Quảng Ninh; trong khi tần suất thưa hơn nhiều ở 13 tỉnh/thành như Quảng Ngãi, Đắk Nông, Bắc Kạn và Bình Thuận.
Tỉnh cũng đứng đầu về tỷ lệ người trả lời cho biết bảng kê thu chi ngân sách ở xã/phường/thị trấn nơi họ cư trú được niêm yết công khai và chính quyền cấp tỉnh đã nghiêm túc trong phòng, chống tham nhũng, 2021 - 2022; giữ vị trí cao về tỷ lệ người sử dụng cổng dịch vụ công trực tuyến và tỷ lệ sử dụng Internet theo đơn vị tỉnh.
Đặc biệt, Quảng Ninh là 1 trong 5 tỉnh/thành (cùng với Lâm Đồng, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang) không có người dân muốn di cư đi các địa phương khác.
Chia sẻ về những kinh nghiệm đạt được của tỉnh Quảng Ninh, ông Bùi Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh cho biết, với sự nỗ lực trong việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân, doanh nghiệp từng bước ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2022 của tỉnh đạt 10,28%, thu ngân sách đạt gần 55.000 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người ước đạt 197,6 triệu đồng/người.
Trong năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đã dành tổng kinh phí 2.013 tỷ đồng để triển khai các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, giảm nghèo, chăm sóc và trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cứu trợ đột xuất.
Theo đó, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Quảng Ninh giảm 0,34%; đến hết năm 2022, số hộ nghèo toàn tỉnh còn 275 hộ tương đương với tỷ lệ 0,07% (tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2021 là 0,41%).
Tỉnh cũng chú trọng, đồng hành, hỗ trợ tạo điều kiện, giải quyết nhanh chóng, đúng hạn các hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Năm 2022 Quảng Ninh đã cung cấp 1.240/1.591 dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công Quốc gia (đạt tỷ lệ 78%). Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt tỷ lệ trên 99,7%.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng quan tâm đến vấn đề y tế chăm sóc sức khỏe; giáo dục, đào tạo; hệ thống mạng lưới điện và công tác giám sát, phản biện việc triển khai các cơ chế chính sách liên quan đến người dân.
Xếp ngay sau Quản Ninh, Bình Dương đứng thứ 2 bảng xếp hạng với 47,4488 điểm chỉ số tổng hợp.
Bên cạnh các chỉ số thuộc top đầu, tỉnh này đứng đầu bảng xếp hạng vượt cả Quảng Ninh ở Chỉ số “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công’ năm 2022, với điểm số cao 7,9 điểm và Chỉ số “Quản trị điện tử” với 3,7 điểm.