Quảng Ninh hiện có 1.787 hòa giải viên là người dân tộc thiểu số

Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 1.453 tổ hòa giải với tổng số 8.983 hòa giải viên, trong đó có 1.787 hòa giải viên là người dân tộc thiểu số (DTTS). Các hòa giải viên cơ sở đa phần là cán bộ hưu trí đã nghỉ hưu, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng thôn, khu phố và các tổ chức đoàn thể tại địa phương, người có uy tín trong cộng đồng.

Hòa giải viên người dân tộc Dao (xã Húc Động, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) Trần Thị Sửu, thường xuyên tìm hiểu kiến thức pháp luật qua sách báo.

Hòa giải viên người dân tộc Dao (xã Húc Động, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) Trần Thị Sửu, thường xuyên tìm hiểu kiến thức pháp luật qua sách báo.

Quảng Ninh hiện có 21 dân tộc thiểu số, nhiều nhất là dân tộc Dao, Tày, Sán Dìu, Sán Chay, Hoa, Mường… tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi như Bình Liêu (chiếm 96% dân số), Ba Chẽ (80%), Tiên Yên (47%), Hoành Bồ, Đầm Hà, Hải Hà, Cẩm Phả, Vân Đồn...với hơn 162.000 người sinh sống. Những năm qua, đội ngũ hòa giải viên, đặc biệt là đội ngũ hòa giải viên người dân tộc thiểu số ở cơ sở, đóng góp vai trò không nhỏ trong công tác dân vận trên địa bàn tỉnh, tạo sự đồng thuận cao của người dân ở từng tổ dân, khu phố, thôn, bản trong thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, của tỉnh.

Đây là những người có uy tín, phẩm chất đạo đức, am hiểu văn hóa, phong tục tập quán địa phương, có khả năng vận động, thuyết phục người dân chấp hành pháp luật; có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình tham gia công tác. Chính bởi vậy, đội ngũ này có vai trò rất lớn trong công tác dân vận. Để phát huy vai trò của đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở trong thực hiện công tác hòa giải và tăng cường dân vận, việc bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho các hòa giải viên luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện.

Bên cạnh những kiến thức pháp luật theo khung quy định, Sở Tư pháp và các sở, ngành, địa phương liên quan còn biên soạn, lồng ghép trong chương trình tập huấn những nội dung, kiến thức phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của tỉnh, như: Bổ sung thêm kỹ năng vận dụng phong tục tập quán tốt đẹp của người Dao, Sán Chỉ trên địa bàn tỉnh.... Từ năm 2013 đến nay, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn đã tổ chức hơn 650 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho gần 70.000 lượt hòa giải viên.

Ngoài ra, các địa phương, ban, ngành, đoàn thể cũng đã biên soạn, in ấn, phát hành nhiều loại tài liệu bồi dưỡng để cấp phát cho các tổ hòa giải ở cơ sở. Riêng Sở Tư pháp từ năm 2013 đến nay đã biên soạn, phát hành 2.500 cuốn sách, 627.336 tờ gấp pháp luật, 62 infographic, 7 video đồ họa phục vụ chung cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở để phổ biến tuyên truyền pháp luật; thực hiện công tác hòa giải, vận động nhân dân. Qua kiểm tra công tác hòa giải của Sở Tư pháp cho thấy, 100% các tổ hòa giải đều bảo đảm về cơ cấu, số lượng theo quy định. Mỗi tổ hòa giải đều có cơ cấu hòa giải viên nữ; tại địa bàn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đều có hòa giải viên là người DTTS theo quy định.

Đội ngũ hòa giải viên cơ sở trên địa bàn tỉnh luôn nhiệt tình phát huy tốt vai trò của mình trong hòa giải các vụ việc ở cơ sở; vận động nhân dân giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp thông qua hòa giải; tăng cường giám sát, phản biện xã hội… Từ năm 2013 đến tháng 8/2023, trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 22.960 vụ việc hòa giải ở cơ sở, trong đó 17.990 vụ việc hòa giải thành. Địa phương có tỷ lệ hòa giải thành cao là TX Quảng Yên, Ba Chẽ (91%), Tiên Yên (89%)...

Trưởng phòng Tư Pháp huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) Tô Thị Nguyên trao đổi kiến thức pháp luật với hòa giải viên người dân tộc Dao.

Trưởng phòng Tư Pháp huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) Tô Thị Nguyên trao đổi kiến thức pháp luật với hòa giải viên người dân tộc Dao.

Không chỉ thực hiện tốt giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp thông qua hòa giải, đội ngũ hòa giải viên cơ sở còn thường xuyên đến các hộ dân ở thôn, bản, khu phố để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chính sách của tỉnh; vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua trên địa bàn; vận động bà con đầu tư phát triển kinh tế, giảm nghèo; thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Chất lượng hoạt động của Tổ hòa giải và hòa giải viên ở cơ sở được nâng lên, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương, giải quyết kịp thời tranh chấp, mâu thuẫn trong đời sống hằng ngày ở khu dân cư, tuyên truyền, vận động, thuyết phục, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền ngày càng tốt hơn. Tạo sự đồng thuận, đồng lòng xây dựng và phát triển địa phương, đất nước giàu mạnh.

Hoan Dương

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/quang-ninh-hien-co-1787-hoa-giai-vien-la-nguoi-dan-toc-thieu-so-post488959.html