Quảng Ninh: Hiến kế để các đơn vị hành chính cấp xã mới hoạt động hiệu quả
Tại Kỳ họp thứ 26 – kỳ họp chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa XIV nhiều đại biểu đã hiến kế để các đơn vị hành chính cấp xã mới đi vào hoạt động hiệu quả.
Kỳ họp thứ 26 – kỳ họp chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa XIV diễn ra vào sáng ngày 28/4.

Tại Kỳ họp thứ 26, kỳ họp chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, nhiều đại biểu đã hiến kế để các đơn vị hành chính cấp xã mới đi vào hoạt động hiệu quả. Ảnh: baoquangninh.vn
Xem xét Nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ninh
Kỳ họp đã xem xét thông qua 9 Nghị quyết quan trọng, Trong đó, đã quyết định nhiều vấn đề cấp bách phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, khơi thông nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025 để đáp ứng yêu cầu rất cao của đất nước trong kỷ nguyên mới. Đáng chú ý là Nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ninh.
Đây là nội dung rất quan trọng, là bước cụ thể hóa các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Quảng Ninh nhằm đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền địa phương tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với tiêu chí, quy mô để tổ chức theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Tại Kỳ họp, các đại biểu đều bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao cách làm bài bản, chặt chẽ của Quảng Ninh, từ quá trình chuẩn bị, lấy ý kiến nhân dân, đến việc đảm bảo các yếu tố lịch sử, văn hóa, địa lý, tập quán địa phương, với tỷ lệ đồng thuận đạt trên 99%.

Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh La Thị Thủy, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tiên Yên, Tổ đại biểu Tiên Yên - Bình Liêu - Ba Chẽ phát biểu hiến kế tại kỳ họp. Ảnh: baoquangninh.vn
Một số đại biểu cũng hiến kế tâm huyết, chất lượng nhằm góp phần triển khai nghiêm túc, kịp thời, quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Đại biểu Hội đồng nhân dân Đào Biên Thùy (Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Đầm Hà, Tổ đại biểu Hải Hà - Đầm Hà), cho rằng, để việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp đảm bảo liên tục, không bị gián đoạn khi đơn vị hành chính mới đi vào hoạt động Ủy ban nhân dân tỉnh sớm chỉ đạo rà soát điều chỉnh lại quy hoạch vùng xã đến năm 2030 (tầm nhìn đến năm 2050), Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030. Đồng thời có chủ trương để các địa phương rà soát sắp xếp các thôn, khu cho phù hợp với đơn vị hành chính xã, phường mới.
Cũng theo đại biểu Đào Biên Thùy, qua nghiên cứu đơn vị hành chính mới của các địa phương Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái đều có các xã thuộc vùng khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, do đó cần phải ban hành cơ chế đặc thù hỗ trợ các xã khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như về phát triển trồng rừng, nông nghiệp, hỗ trợ việc làm, bảo hiểm y tế, cơ chế khuyến khích phát triển mạnh mẽ các sản phẩm du lịch cộng đồng…; có cơ chế hỗ trợ cán bộ, công chức làm việc tại xã khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh biểu quyết thông qua các Nghị quyết tại kỳ họp. Ảnh: baoquangninh.vn
Đại biểu Hội đồng nhân dân La Thị Thủy (Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Tiên Yên, Tổ đại biểu Tiên Yên - Bình Liêu - Ba Chẽ) đề nghị, cần nghiên cứu rà soát sửa đổi, bổ sung ban hành các văn bản hướng dẫn điều chỉnh hồ sơ giấy tờ thủ tục hành chính, chế độ đảm bảo thuận lợi cho người dân.
Bên cạnh đó, cũng tiến hành rà soát, điều chỉnh bổ sung những quy định về chức danh, số lượng và mức phụ cấp cho đội ngũ cán bộ công chức những người hoạt động không chuyên trách cấp xã sau khi sáp nhập. Cũng như có giải pháp phù hợp để xử lý vấn đề dôi dư cán bộ, công chức khi tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.
Ngoài ra, trước những trăn trở về việc chia cắt địa giới hành chính, giao thông đi lại khó khăn, khoảng cách địa lý giữa các hộ dân ở khu vực nông thôn miền núi; việc đảm bảo giải quyết thủ tục hành chính cho người dân không bị gián đoạn; bố trí cán bộ; xử lý tài sản dôi dư… khi thực hiện phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã một số đại biểu cũng đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể để tháo gỡ.
Một số đại biểu khác cũng đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể để tháo gỡ nhanh chóng triển khai phương án sáp nhập các xã, phường. Đơn cử như: Cần phải thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, rõ ràng cho các đơn vị hành chính mới về quản lý kinh tế, ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, đất đai và một số lĩnh vực khác để giải quyết các hoạt động của cử tri; xây dựng quy chế hoạt động cụ thể, rõ ràng; phân công nhiệm vụ phù hợp cho từng cán bộ, công chức để nhanh chóng ổn định hoạt động chính quyền. Đồng thời, khẩn trương rà soát, đánh giá lại toàn bộ trụ sở, tài sản công của các đơn vị hành chính sau sắp xếp để có phương án sử dụng, bố trí hợp lý, tránh lãng phí.
Theo Nghị quyết, phương án đề xuất sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Ninh giảm từ 171 xuống còn 51 đơn vị, trong đó có 27 phường, 21 xã, 3 đặc khu (Vân Đồn, Cô Tô, Móng Cái), giảm 120 đơn vị, đạt tỷ lệ 70,17%. Trong trường hợp không thành lập đặc khu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh còn 54 đơn vị hành chính, gồm: 30 phường, 22 xã và 2 đặc khu (Vân Đồn, Cô Tô), giảm 117 đơn vị, đạt tỷ lệ 68,42%. Đây là tỷ lệ cao, góp phần tinh giản bộ máy, giảm chi ngân sách, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở.