Quảng Ninh: Kinh nghiệm thực hiện mô hình 'Dân tin - Đảng cử'

Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu thực hiện 100% Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng thôn với phương châm lựa chọn nhân sự theo phương thức 'Dân tin - Đảng cử'.

Triển khai mô hình "Dân tin - Đảng cử"

Trong những năm qua, Đảng ta có nhiều chủ trương, nghị quyết, kết luận về xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, như Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI; Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII; Kết luận số 40-KL/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị "Về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026".

Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Trung ương về tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã xây dựng Đề án "Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế" (Đề án 25); đồng thời, ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 3/3/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh "Về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế" với nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng, đảng viên.

Tỉnh Quảng Ninh thực hiện bầu cử Trưởng thôn với phương châm lựa chọn nhân sự theo phương thức "Dân tin - Đảng cử". Ảnh minh họa: Công an Quảng Ninh

Tỉnh Quảng Ninh thực hiện bầu cử Trưởng thôn với phương châm lựa chọn nhân sự theo phương thức "Dân tin - Đảng cử". Ảnh minh họa: Công an Quảng Ninh

Ngay từ năm 2015, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã tiến hành rà soát, đánh giá hoạt động của tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị của tỉnh và phát hiện ra một số bất cập cần tập trung khắc phục kịp thời, trong đó có cấp cơ sở và mô hình tổ chức ở thôn, khu phố.

Qua khảo sát, tổng kết thực tiễn, tỉnh Quảng Ninh nhận thấy, ở những nơi có Trưởng thôn là đảng viên, đặc biệt là Bí thư chi bộ thì công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ đó rất thuận lợi, tránh được sự trùng chéo, đùn đẩy, giảm khâu trung gian, tạo sự thống nhất, đồng thuận ngay từ việc ban hành nghị quyết đến chỉ đạo thực hiện, qua đó nhận được sự ủng hộ, đồng tình cao của nhân dân.

Khi Trưởng thôn là Bí thư chi bộ sẽ có điều kiện trực tiếp cùng chi ủy, chi bộ bàn bạc, thảo luận xây dựng nghị quyết sát với thực tiễn công việc của thôn, khu phố. Đồng thời, việc triển khai thực hiện nghị quyết của chi bộ, chủ trương chỉ đạo của cấp ủy cấp trên cũng thuận lợi hơn; phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu của đảng viên trong công việc cũng như cuộc sống thường ngày. Ngược lại, khi Trưởng thôn không là Bí thư chi bộ hoặc chưa phải là đảng viên thì công tác lãnh đạo, chỉ đạo sẽ gặp khó khăn hơn, đặc biệt là việc tiếp thu, tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của chi bộ.

Từ thực tiễn đó, ngày 28/12/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU về "Thống nhất nhiệm kỳ đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với bầu Trưởng thôn, khu phố, nhiệm kỳ 2017 - 2020". Trong đó, đặt ra mục tiêu thực hiện 100% Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng thôn với phương châm lựa chọn nhân sự theo phương thức "Dân tin - Đảng cử". Từ nhiệm kỳ 2017 - 2020 đến nay, mô hình này đã được thực hiện thành công qua ba nhiệm kỳ liên tiếp với chất lượng đội ngũ Trưởng thôn ngày càng nâng cao.

Thống nhất lãnh đạo, nâng cao hiệu quả

Nhiệm kỳ 2025 - 2027, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thực hiện mô hình "Dân tin - Đảng cử", toàn tỉnh đã thực hiện bầu cử Trưởng thôn vào ngày 15/12/2024, sau đó đồng loạt tiến hành Đại hội chi bộ thôn, khu phố xong trước ngày 15/1/2025. Công tác nhân sự cho Trưởng thôn được đặc biệt quan tâm, đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn. Theo đó, chất lượng nhân sự ứng cử nhiệm kỳ 2025 - 2027 tiếp tục được nâng cao với tỷ lệ có trình độ đại học trở lên chiếm trên 23%, cao đẳng, trung cấp chiếm trên 29%, trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên chiếm trên 27%, đồng thời chú trọng trẻ hóa đội ngũ với hơn 16% dưới 40 tuổi.

Nhiệm kỳ 2025 - 2027 là nhiệm kỳ đầu tiên thực hiện bầu cử Trưởng thôn theo quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 và Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Ninh cùng sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, công tác tổ chức bầu cử Trưởng thôn được thực hiện một cách bài bản, đảm bảo tính dân chủ, khách quan, minh bạch.

Thành công của mô hình "Dân tin - Đảng cử" ở tỉnh Quảng Ninh trong ba nhiệm kỳ vừa qua đã đạt được những kết quả rất tích cực, trở thành điểm sáng trong cả nước. Việc nhất thể hóa chức danh Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng thôn đã góp phần quan trọng trong đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ đảng ở khu dân cư; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ngay từ cơ sở. Mô hình này giúp tinh gọn bộ máy, tránh sự trùng chéo, đùn đẩy, nâng cao tính trách nhiệm và sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện các nghị quyết, chính sách. Do đó, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục duy trì, triển khai hiệu quả mô hình "Dân tin - Đảng cử", nhất thể hóa Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng thôn.

Ngay sau cuộc bầu cử trưởng thôn, khu phố nhiệm kỳ 2025 - 2027 hoàn thành, tỉnh Quảng Ninh sẽ "bắt tay" vào công tác chuẩn bị đại hội chi bộ theo đúng kế hoạch. Đồng thời, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, khu phố nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần phát triển bền vững hệ thống chính trị từ cơ sở.

Trần Đình

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quang-ninh-kinh-nghiem-thuc-hien-mo-hinh-dan-tin-dang-cu-373950.html