'Quảng Ninh là địa phương có tiềm năng lớn nhất ở Việt Nam, đang thu hút sự chú ý của toàn cầu'
Để thu hút sự đầu tư từ các tập đoàn lớn trên thế giới, trên nền tảng những thành tựu đạt được, cùng với những thuận lợi, thời cơ, tỉnh Quảng Ninh đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức, cần được đầu tư giải quyết...
“Tôi thực sự bị ấn tượng bởi con số 3,11 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh Quảng Ninh trong năm 2023, chiếm gần 10,8% tổng vốn đầu tư đăng ký, trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI. Dấu ấn này thể hiện những nỗ lực của địa phương trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”, ông Nitin Kapoor, Đồng Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã mở đầu bài phát biểu như vậy tại Chương trình gặp gỡ Xuân Giáp Thìn 2024 do UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hồi đầu tháng 3 vừa qua.
QUẢNG NINH LÀ ĐỊA PHƯƠNG ĐẦU TƯ CÓ TIỀM NĂNG NHẤT Ở VIỆT NAM
Theo ông Nitin Kapoor, đây là con số thực sự thán phục trong một thời điểm mà nền kinh tế thế giới đang trải qua những biến động mạnh mẽ, việc tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi và hấp dẫn là vô cùng quan trọng.
Chúng ta đã chứng kiến sự quan tâm ngày càng tăng cao của các doanh nghiệp nước ngoài đối với các lĩnh vực như du lịch, công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất, công nghiệp phụ trợ, phân phối điện, khí đốt và hạ tầng giao thông tại tỉnh Quảng Ninh.
Tỉnh đã gây được sự chú ý đặc biệt với các nhà đầu tư khi duy trì vị trí dẫn đầu về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh kể từ năm 2017. Với lợi thế vị trí địa lý đắc địa, bao gồm các cửa khẩu, cụm cảng hàng không, hàng hải, khu kinh tế Vân Đồn và Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh là một ưu tiên để lựa chọn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Song Chủ tịch VBF cũng thẳng thắn, để thu hút sự đầu tư từ các tập đoàn lớn trên thế giới, trên nền tảng những thành tựu đạt được, cùng với những thuận lợi, thời cơ, tỉnh Quảng Ninh đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức, cần được đầu tư giải quyết.
Đó là thách thức, mâu thuẫn giữa phát triển nhanh, bền vững và biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường – một trong những giá trị cốt lõi mà các doanh nghiệp trên toàn cầu đều hướng tới.
Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh và truyền thống quý báu trong nửa thế kỷ qua, đồng thời giải quyết được những mâu thuẫn phát sinh trong quá trình phát triển, đòi hỏi lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh phải luôn sáng tạo, đổi mới trong tư duy, tầm nhìn một cách có hiệu quả.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường hạ tầng, cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, và đặc biệt là tạo ra các chính sách khuyến khích đầu tư và ưu đãi thuế hấp dẫn. “Chúng ta cũng cần có một môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định và có độ tin cậy cao để thu hút đầu tư nước ngoài”, ông Nitin Kapoor nêu quan điểm.
Cũng đánh giá cao môi trường đầu tư thuận lợi của Quảng Ninh, ông Watanabe Shige, Đại biện lâm thời, Đại sứ quán Nhật Bản cho rằng nhiều nước đang tìm đến Việt Nam đầu tư vì nền kinh tế tăng trưởng vượt trội trong bối cảnh dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có các nhà đầu tư từ Nhật Bản.
Quảng Ninh được coi là địa phương có tiềm năng lớn nhất ở Việt Nam, đang thu hút sự chú ý của toàn cầu. Sức mạnh to lớn của Quảng Ninh là cơ sở hạ tầng giao thông, trong đó có đường cao tốc từ Hà Nội và Hải Phòng, các sân bay, bến cảng, ngoài ra còn có tài nguyên du lịch tốt nhất, đó là vịnh Hạ Long.
Hiện nay số lượng các dự án đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh của các công ty Nhật Bản đã tăng lên 12- tuy còn khá nhỏ nhưng tổng số tiền đầu tư đã lên tới 2,1 tỷ USD. Tỉnh Quảng Ninh có tiềm năng vô cùng lớn, nên các dự án đầu tư của các công ty Nhật Bản dự kiến sẽ tăng trong tương lai.
Song để đảm bảo một tương lai tươi sáng cho tỉnh Quảng Ninh, Đại sứ quán Nhật Bản khuyến nghị 3 điểm trong cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh.
Thứ nhất, phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm: nguồn cung cấp điện ổn định, cấp nước, thông tin liên lạc và thoát nước. Đặc biệt, năng lượng điện là một vấn đề rất quan trọng trong bối cảnh nhu cầu về điện năng ngày càng tăng nhanh cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và nhu cầu chuyển đổi năng lượng để đạt được trung hòa carbon.
Thứ hai, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, như giấy phép đầu tư và thủ tục nộp đơn. Điều này không chỉ giới hạn ở tỉnh Quảng Ninh, nhưng sẽ không quá lời khi nói rằng lý do lớn nhất khiến các công ty nước ngoài từ bỏ đầu tư tại Việt Nam là sự chậm trễ trong thủ tục hành chính.
Thứ ba, đảm bảo nguồn nhân lực trình độ cao và năng động. Đối với các công ty đang xem xét đầu tư vào Quảng Ninh, khả năng đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao là một điểm quan trọng.
TỈNH CAM KẾT LÀ ĐIỂM ĐẾN ĐẦU TƯ AN TOÀN, THUẬN LỢI, MINH BẠCH, HẤP DẪN VÀ THÀNH CÔNG
Trước đông đảo các đại sứ quán nước ngoài, cộng đồng các nhà đầu tư, ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh, chia sẻ trong nhiều năm qua tỉnh Quảng Ninh không ngừng đổi mới tư duy phát triển nhanh, bền vững với 4 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường và an ninh.
Kiên trì chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, chuyển đổi xanh dựa vào 3 trụ cột: thiên nhiên - con người - văn hóa, kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập và cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại; lấy người dân làm trung tâm, vì hạnh phúc của nhân dân để tạo nên một thương hiệu Quảng Ninh là “Điểm đến đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn và thành công”.
Tỉnh đang thực hiện lộ trình đến năm 2030 trở thành một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt. Là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Việt Nam với tốc độ tăng trưởng GRDP hàng năm trên 10%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt trên 11.000 USD, đến năm 2030 đạt 19.000 - 20.000 USD.
Đặc biệt, ông Ký nhấn mạnh, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh rất quan tâm xây dựng chính quyền địa phương liêm chính, kiến tạo, hoạt động hiệu quả với nền quản trị hiện đại, tự chủ, năng động, hiệu quả, phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội; giảm tối đa rủi ro pháp lý, chi phí hành chính và tuân thủ đối với người dân và doanh nghiệp.
Chính vì vậy, trong 10 năm liền (2013 - 2022), Quảng Ninh luôn được xếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất nước thông qua đánh giá khách quan của các tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp.
Đến nay, Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước 2 lần (2020 và 2022) chinh phục vị trí dẫn đầu cả nước cả 4 chỉ số cải cách hành chính (PCI, PAPI, PAR Index và SIPAS). Trong đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 6 năm liên tiếp (2017-2022) ở vị trí quán quân đã trở thành thương hiệu, là thước đo về niềm tin, sự ủng hộ mà cộng đồng doanh nghiệp dành cho tỉnh.
Không dừng lại ở đó, Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang tập trung xây dựng hệ sinh thái dân sinh hấp dẫn với chính sách khuyến khích và hỗ trợ vượt trội, môi trường sống tốt, các dịch vụ công có chất lượng cao… Quảng Ninh ngày càng là một “vùng đất lành” và hạnh phúc để người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp đến sinh sống, làm việc, nghỉ ngơi, thụ hưởng và phát triển.