Quảng Ninh làm gì để tiếp tục cải thiện bền vững các chỉ số cải cách hành chính?
Để tiếp tục đi sâu nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tỉnh Quảng Ninh mời các chuyên gia phân tích, đánh giá chuyên sâu các Chỉ số PCI, PAR-Index, SIPAS, PGI trong hội nghị diễn ra ngày 30/5.
Năm 2023, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu toàn quốc về các Chỉ số cải cách hành chính PAR-Index, Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước SIPAS, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI. Đây là năm thứ 7 liên tiếp tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu PCI, năm thứ 6 dẫn đầu PAR-Index, năm thứ 5 liên tiếp dẫn đầu SIPAS và năm đầu tiên dẫn đầu PGI.
Phân tích kỹ từng chỉ số, báo cáo từ các chuyên gia cho thấy, Quảng Ninh duy trì và tăng điểm nhiều lĩnh vực, chỉ số thành phần, cho thấy nỗ lực cải cách qua từng năm. Như tại Bảng xếp hạng PCI, Chi phí thời gian, Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và Chi phí không chính thức của Quảng Ninh đều ở top đầu cả nước. Tuy nhiên, một số chỉ số khác có xu hướng giảm hạng, giảm điểm, thể hiện còn nhiều dư địa để cải cách, đổi mới sáng tạo…
Ông Trần Như Long, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh – đơn vị chủ trì, tham mưu Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI nhận định: "Vẫn còn 12% số doanh nghiệp có nhận thức về công tác bảo vệ môi trường còn chưa đạt. Tôi cho rằng tới đây phải tăng cường tuyên truyền để các doanh nghiệp phải nỗ lực hơn. Về phía của tỉnh chúng tôi cũng cần phải xem xét, để một mặt vừa khuyến khích, nâng cao tính tuân thủ, nhưng một mặt phải tìm cách không tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các chỉ tiêu về môi trường".
Các chuyên gia từ Bộ Nội vụ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI cho rằng Quảng Ninh cần tiếp tục duy trì, đẩy mạnh nỗ lực cải cách thủ tục hành chính theo hướng thực chất, như chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh “nói lời thật, làm việc thật, đạt kết quả thật”.
Hướng tới đạt được mục tiêu về xây dựng nền hành chính phục vụ như định hướng của Trung ương, tỉnh cũng cần quan tâm ưu tiên cải cách thủ tục hành chính về đất đai, thuế, PCCC… nhất là khi vẫn có doanh nghiệp phản ánh còn phiền hà trong lĩnh vực này. Thêm vào đó, giữa các sở ngành địa phương cần nỗ lực chung, lưu ý nâng cao hiệu quả phối hợp trong giải quyết TTHC nói chung, tránh hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm.
Lấy dẫn chứng về việc chỉ có 34% doanh nghiệp Quảng Ninh được khảo sát cho biết sẽ mở rộng kinh doanh trong 2 năm tới - con số thấp thứ 2 trong 19 năm điều tra doanh nghiệp trên địa bàn, ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh, các doanh nghiệp địa phương cũng đang rất khó khăn trong tình hình hiện nay: "Để vực dậy tinh thần của doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các dự án sản xuất kinh doanh của mình một cách thuận lợi hơn, các cơ quan chính quyền tỉnh cũng cần thường xuyên trao đổi nắm bắt thông tin, biết được nhu cầu thực sự họ cần gì, ví dụ trong điều tra năm vừa rồi là rất nhiều khó khăn trong tiếp cận tín dụng, tìm kiếm thị trường, kết nối bạn hàng trong tham gia các chuỗi cung ứng, căn cứ vào đó để thiết kế các chương trình hỗ trợ một cách hiệu quả".
Khẳng định không thể tự thỏa mãn với kết quả đã đạt được, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh, trước hết là người đứng đầu tiếp tục đề cao và thực hành văn hóa phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Quảng Ninh sẽ tiếp tục tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện và phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, nhất là phát huy cao nhất vai trò giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân.
Các sở ngành sẽ phối hợp tham mưu UBND tỉnh có Kế hoạch triển khai, phân công nhiệm vụ cụ thể nhằm tiếp tục nâng cao, giữ vững thứ hạng các Chỉ số PAR-Index, SIPAS, PCI, PGI của tỉnh Quảng Ninh trong năm 2024 theo đúng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra.