Quảng Ninh mở rộng phát triển khu công nghiệp mới góp phần thu hút đầu tư

Tỉnh Quảng Ninh đang đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển các cụm công nghiệp (CCN) nhằm đáp ứng nhu cầu di dời các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, đồng thời, thu hút các dự án đầu tư mới, đặc biệt là các dự án trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Đảm bảo cơ sở hạ tầng CCN

Với định hướng xác định lấy công nghiệp làm nền tảng, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chủ trương, chính sách và ưu tiên nguồn lực cho đầu tư hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là thu hút, đầu tư xây dựng các khu, CCN trên địa bàn.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã mở rộng diện tích 11 CCN với 577,55ha, trong đó có 6 CCN đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đi vào hoạt động với 375,39ha; 5 CCN đang triển khai các bước chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Tuy nhiên, phát triển CCN thời gian qua vẫn có những hạn chế. Điển hình như công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án xây dựng hạ tầng gặp nhiều khó khăn, nhu cầu thực hiện di dời của các cơ sở thường xuyên có sự thay đổi gây khó khăn trong quá trình rà soát, tổng hợp…

Theo lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Quảng Ninh, việc hình thành và phát triển cụm công nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi khả năng tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tỉnh đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

Các doanh nghiệp sản xuất có điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ và sử dụng các dây chuyền sản xuất tiên tiến để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, đồng thời, việc xử lý chất thải, nước thải có điều kiện sử dụng hệ thống xử lý chất thải tập trung, giải quyết tốt vấn đề bảo vệ môi trường trong phát triển sản xuất công nghiệp.

Huyện Đầm Hà đặt mục tiêu nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế nên chú trọng trong việc lựa chọn và thu hút các nhà đầu tư có uy tín, năng lực để phát triển các cụm công nghiệp. Ảnh: QMG

Huyện Đầm Hà đặt mục tiêu nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế nên chú trọng trong việc lựa chọn và thu hút các nhà đầu tư có uy tín, năng lực để phát triển các cụm công nghiệp. Ảnh: QMG

Để khắc phục những hạn chế còn tồn tại, Sở Công thương tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với các sở, ngành liên quan đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện trình tự, thủ tục về đầu tư xây dựng, thu hút các tổ chức, cá nhân vào sản xuất kinh doanh, quản lý CCN chặt chẽ, bài bản, đúng quy định.

Thúc đẩy xây dựng các CCN mới

Để thúc đẩy việc hoàn thành phát triển CCN theo đúng tiến độ, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh thực hiện việc quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn. Trong số các CCN được quy hoạch thành lập, hiện đã có 2 CCN tại huyện Đầm Hà và Tiên Yên đã cơ bản các thủ tục đầu tư ban đầu. Nếu sớm được đưa vào hoạt động, 2 CCN này sẽ góp phần giúp các địa phương còn nhiều khó khăn như Đầm Hà, Tiên Yên thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện, đồng thời, còn giúp sớm di dời các nhà xưởng sản xuất tiểu thủ công nghiệp ra ngoài các khu dân cư.

Mới đây, tại kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Nghị quyết chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh đợt 2/2024. Trong đó, có 2/27 dự án phải chuyển đổi đất rừng là dự án CCN gồm: Dự án CCN phía Đông Đầm Hà B, xã Tân Bình, huyện Đầm Hà và dự án CCN Yên Than, xã Yên Than, huyện Tiên Yên.

Theo đại diện Công ty Cổ phần Shinec - chủ đầu tư CCN phía Đông Đầm Hà B chia sẻ: “Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, sau thời gian ngắn, công ty đã nhận được quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư ngay trong tháng 6 vừa qua. Sau khi được phê duyệt chuyển đổi đất rừng thuộc phạm vi dự án, thì chỉ trong trong quý IV/2024 là công ty có thể có được mặt bằng sạch để thực hiện dự án. Nếu chủ đầu tư được giao đất đúng tiến độ thì dự kiến đến hết quý II/2025, sẽ hoàn thành đầu tư hạ tầng dự án và đi vào hoạt động".

Ngoài ra, theo quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 CCN phía Đông Đầm Hà B đã được tỉnh Quảng Ninh phê duyệt, doanh nghiệp đã bố trí diện tích 2,74ha để thực hiện di dời các nhà xưởng sản xuất tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi... vào CCN nhằm không gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.

Phối cảnh dự án CCN phía Đông Đầm Hà B.

Phối cảnh dự án CCN phía Đông Đầm Hà B.

Không chỉ tập trung xây dựng các CCN mới, tỉnh Quảng Ninh cũng đang tăng cường gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính, qua đó, thu hút được các dự án đầu tư chất lượng, có tính bền vững. Bên cạnh đó, công tác cung cấp thông tin quy hoạch, chỉ dẫn địa lý, vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp, cơ sở tiểu thủ công nghiệp được thực hiện linh hoạt, thống nhất…

Bà Nguyễn Thị Hiền - Giám đốc Sở Công Thương, khẳng định: "Ngành Công thương Quảng Ninh đang tập trung thu hút đầu tư các CCN, ngành công nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo. Đồng thời, Sở cũng đang tập trung hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư".

Cũng theo Sở Công thương Quảng Ninh, để CCN sớm đi vào hoạt động, tránh gây lãng phí nguồn lực đất đai, phát huy hiệu quả chính sách đặc biệt ở các địa phương có còn nhiều khó khăn thì việc lựa chọn nhà đầu tư rất quan trọng. Tất cả các nhà đầu tư đều phải trải qua quá trình đánh giá năng lực và phương án đầu tư chặt chẽ mới được chấp thuận làm chủ đầu tư của các dự án.

Hiện Quảng Ninh đã hoàn thiện phương án phát triển CCN trên địa bàn trong quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg (ngày 10/2/2023). Theo đó, giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ phát triển 45 CCN với tổng diện tích 2711,61ha, bình quân 60,2ha/CCN.

Tiến Dũng - Thế An

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/quang-ninh-mo-rong-phat-trien-khu-cong-nghiep-moi-gop-phan-thu-hut-dau-tu-154858.html