Quảng Ninh mong muốn Bộ Công Thương hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến chế tạo
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh kiến nghị Bộ Công Thương hỗ trợ địa phương thu hút các nhà đầu tư để phát triển công nghiệp chế biến chế tạo.
Thành công chung của tỉnh Quảng Ninh có vai trò quan trọng của ngành Công Thương
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành Công Thương, ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, năm 2023 tỉnh Quảng Ninh thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, tình hình thế giới, trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Song với sự quyết tâm, chủ động, triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương,đặc biệt là của Bộ Công Thương; sự vào cuộc tích cự của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế.
Cụ thể, kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng cao và ổn định; tốc độ tăng trưởng kinh tế ước tăng 11,03%, là năm thứ 9 liên tiếp từ năm 2015 đến 2023 đạt mức tăng trưởng kinh tế hai con số. Quy mô nền kinh tế ước đạt 315.839 tỷ đồng, tăng 17% so cùng kỳ. GRDP bình quân đầu người ước đạt 9.500 USD, tăng 14% so cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 104.217 tỷ đồng, tăng 10% so cùng kỳ. Tổng vốn thu hút đầu tư trong và ngoài nước ước đạt 5,0 tỷ USD. Thu hút vốn đầu tư trong nước đạt 1,9 tỷ USD, vượt 17,3% kế hoạch; trong đó, thu hút vốn FDI đạt 3,1 tỷ USD, gấp 3,1 lần kế hoạch năm.
Năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 55.632 tỷ đồng, tăng 5% dự toán Trung ương giao, tăng 3% dự toán tỉnh, tăng 4% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu, cảng biển triên địa bàn tỉnh ước đạt là 15,38 tỷ USD, tăng 0,06% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh có 13/13 địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trước thời hạn 2 năm. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2023 tiếp tục được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, thiết thực, cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh.
Theo ông Bùi Văn Khắng, trong thành công chung của tỉnh Quảng Ninh năm 2023, ngành Công Thương có vai trò đặc biệt quan trọng, đóng góp 6,13 điểm%/11,03% tăng trưởng GRDP của tỉnh. Cụ thể: Ngành Công nghiệp tăng trưởng 11,3% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 46,6% trong GRDP; đóng góp 4,68 điểm % cho tăng trưởng GRDP.
“Nổi bật có ngành công nghiệp chế biến chế tạo, ngày càng khẳng định là một ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh. Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong cơ cấu GRDP tăng từ 9,8% trong năm 2020 lên 11,7% năm 2023; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 19,68%; tổng số lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh tăng trên 23.886 người. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 14,2% so cùng kỳ; ngành bán buôn, bán lẻ ước tăng 13,35%, chiếm tỷ trọng 9,7% trong GRDP, đóng góp 1,27 điểm % trong tốc độ tăng GRDP” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh thông tin.
7 kiến nghị đối với Bộ Công Thương
Đại diện tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV. Tỉnh Quảng Ninh quyết tâm đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh và tính bền vững của nền kinh tế.
“Phát huy hiệu quả của ba trụ cột chính của ngành công nghiệp; phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, sản xuất điện theo hướng đầu tư hiện đại hóa công nghệ nhằm nâng cao hiệu suất các nhà máy hiện tại, thân thiện với môi trường”, ông Bùi Văn Khắng khẳng định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết, năm 2024 tỉnh sẽ tập trung giải quyết các khó khăn, mâu thuẫn còn tồn tại như: Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng cao, nhưng tỷ trọng trong GRDP còn khiêm tốn (tốc độ tăng trưởng 19,19%, nhưng cơ cấu chỉ chiểm 11,7% trong GRDP); ngành than gặp nhiều khó khăn trong quy hoạch, cấp phép khai thác; hạ tầng điện phục vụ cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mặc dù đã được Bộ Công Thương quan tâm chỉ đạo đầu tư, nhưng chưa đáp ứng được với nhu cầu của thực tiễn; dịch vụ logictics, dịch vụ xuất nhập khẩu chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh kiến nghị Bộ Công Thương quan tâm:
Thứ nhất, hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh thu hút các nhà đầu tư để phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, trong đó ưu tiên sớm xây dựng được Trung tâm chế biến hàng hóa nông sản - thủy sản để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; Xây dựng đề án Phát triển các trung tâm logistics ở các khu kinh tế của khẩu, khu kinh tế ven biển.
Thứ hai, tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng ngành than để tháo gỡ những khó khăn trong công tác thăm dò, cấp phép mỏ, tăng công suất mỏ,… nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giúp tỉnh Quảng Ninh và ngành than hoàn thành kế hoạch năm 2024 và những năm tiếp theo.
Thứ ba, chỉ đạo Tổng Công ty truyền tải điện Quốc gia quan tâm sớm đầu tư nâng công suất trạm biến áp 220kV Hải Hà lên 2x250MVA đưa vào vận hành năm 2024 vì hiện nay khu công nghiệp Hải Hà, huyện Hải Hà và khu công nghiệp Hải Yên thành phố Móng Cái đang được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đăng ký đầu tư. Tổng diện tích còn lại dự kiến thu hút đầu tư khoảng 252 ha, chủ đầu tư Khu công nghiệp Hải Hà đang có kế hoạch đầu tư bổ sung trạm biến áp với công suất 252MWA để đáp ứng nhu cầu sử dụng cho giai đoạn 2, trong khi nguồn cấp điện tại trạm 220kV Hải Hà cấp điện cho khu vực miền Đông của tỉnh Quảng Ninh đang vận hành 1 máy biến áp 250MVA công suất sử dụng đã đạt 70%.
Thứ tư, tỉnh Quảng Ninh đã quy hoạch quỹ đất khoảng 1.960 ha xây dựng phát triển thương mại biên giới. Do đó, đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu hỗ trợ trình Quảng Ninh xây dựng đề án Phát triển Khu hợp tác thương mại biên giới.
Thứ năm, hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh xây dựng đề án Nâng cấp Hội chợ Thương mại, Du lịch Quốc tế Việt - Trung thành mô hình hội chợ xuất nhập khẩu cấp tỉnh/khu.
Thứ sáu, hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh xây dựng chính sách phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái theo hướng đột phá, khuyến khích phát triển chính ngạch để thay thế Quyết định 675/QĐ-TTg ngày 18/9/1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng thí điểm một số chính sách tại Khu vực Cửa khẩu Móng Cái (đến nay đã được 27 năm chủ yếu là chính sách phát triển thương mại tiểu ngạch hiện không còn phù hợp).
Thứ bảy, ủng hộ tỉnh Quảng Ninh đảm phán với phía nước bạn Trung Quốc xây dựng 2 công trình qua biên giới và nâng cấp thành cửa khẩu song phương qua lối mở Km 3+4 Hải Yên và lối thông quan tại Hải Hòa (Cầu Bắc Luân 3).