Quảng Ninh: Mục tiêu thu hút 1 tỷ USD vốn FDI là khả thi
Tính đến hết tháng 6, tổng thu hút vốn FDI vào Quảng Ninh đạt hơn 832 triệu USD, đạt 83% chỉ tiêu Nghị quyết số 12-NQ/TU, 69,3% kế hoạch của Ủy ban Nhân dân tỉnh.
Ông Hoàng Trung Kiên - Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh cho biết, đến hết tháng 6/2023 tổng thu hút vốn FDI vào Quảng Ninh đạt hơn 832 triệu USD, đạt 83% chỉ tiêu Nghị quyết số 12-NQ/TU, 69,3% kế hoạch của UBND tỉnh.
Nghị quyết 12-NQ/TU ngày 28/11/2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xác định rõ mục tiêu thu hút nguồn vốn FDI vào địa bàn tỉnh; trong đó đề ra mục tiêu thu hút vốn FDI vào địa bàn khu công nghiệp, khu kinh tế đạt ít nhất 1 tỷ USD vào năm 2023, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu đảm bảo đúng định hướng phát triển kinh tế-xã hội, phù hợp với tiềm năng và lợi thế so sánh của tỉnh, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao
Ông Hoàng Trung Kiên cho biết, căn cứ vào số liệu trên lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nhận định, mục tiêu thu hút 1 tỷ USD nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh năm 2023 là khả quan.
Đến thời điểm này, thực hiện cấp mới giấy đăng ký đầu tư cho 17 dự án FDI, cao gấp 2,5 lần so với cùng kỳ 2022, chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo theo đúng định hướng của tỉnh.
Thời gian qua, Quảng Ninh đã đón tiếp và làm việc với các tập đoàn, nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư vào KCN, KKT trên địa bàn tỉnh như: Tập đoàn Lite-On Technology (Đài Loan, Trung Quốc), Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Đoàn doanh nghiệp điện tử Đài Loan (Trung Quốc), Tập đoàn Adani và Công ty TNHH Mitsubishi Corporation Việt Nam… Tỉnh xây dựng các giải pháp, chiến lược xúc tiến đầu tư đối với các tập đoàn kinh tế nước ngoài lớn, có thương hiệu và uy tín để nâng tỉ lệ vốn FDI đầu tư vào Quảng Ninh.
Các dự án FDI đầu tư ở Quảng Ninh là các "dự án thế hệ mới" - công nghiệp chế biến, chế tạo theo hướng tiên tiến, hiện đại, phát triển xanh, sử dụng ít tài nguyên.
Bên cạnh đó, lần đầu tiên tỉnh Quảng Ninh đón nhận dòng vốn FDI của nhà đầu tư đến từ Thụy Điển, góp phần làm đa dạng đối tác đầu tư của tỉnh, nâng tổng số đối tác đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh từ 19 lên 20 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Tại Khu công nghiệp Sông Khoai, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Autoliv Việt Nam đã đầu tư 154 triệu USD (tương đương 3.773 tỷ đồng), sản xuất các sản phẩm an toàn cho ôtô và xe có động cơ khác để xuất khẩu với công suất thiết kế 10 triệu sản phẩm/năm.
Mới đây, Quảng Ninh đã tổ chức lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án (Nhà máy FECV Foxconn Quảng Ninh và Nhà máy FMMV Foxconn Quảng Ninh) của Công ty Foxconn Singapore PTE LTD tại Khu công nghiệp Sông Khoai (thị xã Quảng Yên), với tổng vốn đầu tư khoảng 250 triệu USD.
Cả 2 dự án này đều được cấp giấy chứng nhận đầu tư chỉ trong 12 giờ làm việc, kể từ thời điểm nhà đầu tư nộp hồ sơ tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công của tỉnh (rút ngắn thời gian giải quyết 14 ngày làm việc so với quy định).
Ông Hoàng Trung Kiên - Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh cho biết để tiến gần hơn mục tiêu thu hút 1 tỷ USD vốn FDI, đơn vị luôn bám sát quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh và các kế hoạch của Ủy ban Nhân dân tỉnh, đơn vị đang rà soát quỹ đất sạch tại địa bàn các khu công nghiệp, khu kinh tế dựa trên đề xuất của chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp để tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh lựa chọn, thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư tạo điều kiện cho doanh nghiệp
Cùng với đó phối hợp chặt chẽ với IPA và các đơn vị liên quan đẩy nhanh giải quyết các thủ tục hành chính đối với các nhà đầu tư; đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, bổ sung năng lực tăng thêm cho 7 dự án, tạo động lực tăng trưởng cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Đồng thời tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả Tổ chăm sóc nhà đầu tư, nhất là những tổ chức, nhà đầu tư trong năm 2022 đã nghiên cứu, hợp tác, khảo sát và tìm hiểu cơ hội đầu tư trong các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Năm 2022, Quảng Ninh tiếp tục giữ vị trí quán quân, dẫn đầu bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm thứ 6 liên tiếp, lần thứ 2 (2020 và 2022) chinh phục vị trí dẫn đầu cả nước cả 4 chỉ số cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (PCI, PAPI, PAR Index, SIPAS) và 10 năm liên tiếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước.