Quảng Ninh: Nghịch lý hồ điều hòa thành ao tù sau cải tạo
Nghịch lý từ khi xây bờ kè hồ, tình trạng cá chết nổi trắng mặt hồ Yết Kiêu xảy ra thường xuyên khiến người dân bức xúc.
Nghịch lý càng cải tạo càng ô nhiễm
Hồ điều hòa Yết Kiêu thuộc 2 phường Yết Kiêu và Trần Hưng Đạo nằm ngay dưới chân cầu Bãi Cháy - cửa ngõ vào trung tâm TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Thông thường, hồ điều hòa phải là nơi tạo cảnh quan, môi trường sinh thái trong lành nhưng hồ điều hòa Yết Kiêu đang có dấu hiệu ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và môi trường đô thị.
Anh Lê Văn Tuấn (37 tuổi, trú ở phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long) cho biết: Khoảng 5 - 6 năm nay, cứ mỗi lần mưa to lại có hiện tượng nước trong hồ điều hòa Yết Kiêu đục sậm lên, chuyển màu đen, rồi cá chết nổi lềnh bềnh trên mặt hồ, mùi hôi thối bốc lên.
"Gia đình chúng tôi đến đây sinh sống từ năm 2000, thời điểm đó nước trong xanh, cá biển vào đây rất nhiều. Thế nhưng, từ khi hồ này được xây lại, có lẽ do thiết kế bất cập, hồ điều hòa thành cái ao tù hôi thối", anh Tuấn cho hay.
>>> Clip: Người dân bức xúc phản ánh tình trạng ô nhiễm ở hồ Yết Kiêu:
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, nhằm chống úng lụt cho các phường trung tâm TP Hạ Long vào mùa mưa bão và làm đẹp cảnh quan đô thị, năm 2009, TP Hạ Long đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp hồ điều hòa và hệ thống tiêu thoát nước phường Yết Kiêu.
Dự án có tổng mức đầu tư 42 tỷ đồng với nhiều hạng mục, trong đó trạm bơm của hồ điều hòa được đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Năm 2012, dự án được hoàn thành, người dân nơi đây phấn khởi vì đã có hồ điều hòa sạch, đẹp.
Tuy vậy, từ ngày làm xong dự án nâng cấp thì hồ điều hòa ngày càng bẩn. Suốt nhiều năm qua người dân phải chung sống với mùi hôi thối mỗi khi trời nắng, ngập lụt rác rưởi khi trời mưa.
Không để hồ điều hòa thành nơi chứa nước thải
Theo những người dân tại phường Yết Kiêu và Trần Hưng Đạo, hồ Yết Kiêu xưa gọi là khu 5 cống, do đặc thù địa hình có 5 cống thoát nước ra biển. Song dự án cải tạo nâng cấp hồ điều hòa Yết Kiêu đã thu hẹp, chỉ còn 1 tuyến cống chính với 5 cửa cống. 5 cửa cống này đều hoạt động thủ công, phải dùng sức người để nâng hoặc hạ.
"Cửa cống quay thủ công, cứ quay cả tiếng mới nâng được cửa lên, rồi khi hạ lại cả tiếng nữa. Xong mưa cả tiếng, bắt đầu lụt mới thấy người đến quay cống, thành ra nước cứ dềnh lên khắp các nhà xung quanh, để đến khi mở cống cho nước rút thì cuốn theo hết rác rưởi xuống hồ điều hòa", anh Tuấn kể.
Ngoài ra, hệ thống cống chạy quanh hồ điều hòa là nơi thu nước thải của 2 phường Yết Kiêu và Trần Hưng Đạo, đặc biệt là lượng nước thải của chợ Hạ Long 2, nơi buôn bán của hàng trăm hộ kinh doanh nên lượng nước thải cứ chảy vào hồ mà không thoát ra, khiến hồ như ao tù đọng nước, bốc mùi hôi thối.
Xác nhận tình trạng hồ điều hòa Yết Kiêu ô nhiễm mà người dân phản ánh là đúng, ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch UBND phường Yết Kiêu cho biết, hiện việc quản lý hồ điều hòa Yết Kiêu được giao cho đơn vị dịch vụ công ích thực hiện, chính quyền địa phương chỉ thực hiện nhiệm vụ phối hợp.
"Khi có sự cố ô nhiễm môi trường, chúng tôi báo cho phía đơn vị dịch vụ công ích để phối hợp xử lý", ông Ích nói và đề xuất, về lâu dài, cần có sự điều chỉnh thiết kế hợp lý để hồ điều hòa thực sự có chức năng điều hòa cho môi trường thêm xanh, sạch, đẹp.