Quảng Ninh: Nhiều tín hiệu vui từ xuất nhập khẩu
Với những kết quả đạt được nổi bật trong năm 2021, Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương điển hình thực hiện thành công 'mục tiêu kép'. Phát huy kết quả khả quan, hoạt động xuất nhập khẩu tại Quảng Ninh tiếp tục đón nhận những tin vui ngay từ đầu năm 2022.
Quảng Ninh: Bứt phá phát triển kinh tế biển Quảng Ninh: TP Hạ Long mở lại toàn bộ các hoạt động kinh doanh dịch vụ
Khởi đầu tích cực
Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, ngay từ sáng ngày 3/2, hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) tại lối mở Cầu phao tạm Km3+4 Hải Yên, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đã thông quan trở lại. Hàng hóa xuất khẩu qua lối mở này bao gồm thủy sản, nông sản.
Chỉ tính riêng trong ngày 3/2, đã có 82 xe hàng hóa, trong đó 81 xe hải sản, 1 xe chè khô xuất khẩu sang Trung Quốc qua Lối mở Cầu phao tạm Km3+4 Hải Yên với 183 tấn hàng của 10 doanh nghiệp, cư dân biên giới.
Việc tổ chức thông quan hàng hóa sớm ngay từ những ngày đầu năm mới giúp giải quyết tình trạng ùn tắc nông, thủy sản xảy ra tại các lối mở, cửa khẩu, thúc đẩy sản xuất, ổn định kinh tế - xã hội.
Ngay sau đó, ngày 5/2, cửa khẩu Cầu Bắc Luân 2, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đã thông quan trở lại sau thời gian nghỉ Tết. Lô hàng đầu tiên là 5 container với 26 tấn linh kiện điện tử của Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng, KCN Tràng Duệ, thuộc Khu kinh tế Đình Vũ, huyện An Dương, TP Hải Phòng trị giá gần 2,4 triệu USD.
Theo báo cáo của Sở Công thương Quảng Ninh, tổng lượng xe đang chờ thông quan qua các cửa khẩu, lối mở tỉnh Quảng Ninh 1 tuần ngay sau khi thông quan trở lại sau khi nghỉ Tết Nguyên đán (ngày 3/2/2022 đến 18h ngày 11/2/2022) là 863 xe. Tổng lượng xe đã thông quan qua cửa khẩu, lối mở trên địa bàn tỉnh là 789 xe.
Nhằm thúc đẩy kim ngạch XNK, năm nay, các doanh nghiệp tại KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt trên 2,5 tỷ USD; doanh thu đạt trên 38.000 tỷ đồng; tổng số thu nộp ngân sách nhà nước đạt 910 tỷ đồng.
Do đó, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, 100% doanh nghiệp trong KCN này đã tái khởi động lại hoạt động sản xuất với 95% công nhân lao động đã quay trở lại làm việc. Riêng tại Công ty TNHH Dệt may Weitai Hạ Long, ngay trong ngày 8/2/2022, đã có trên 3.300 công nhân lao động đến phân xưởng làm việc, đạt 95% tổng số công nhân lao động.
Đây là điều kiện rất quan trọng để doanh nghiệp ổn định nhịp độ sản xuất. Hay như Công ty TNHH Kỹ thuật điện tử Tonly Việt Nam, tất cả các dây chuyền sản xuất đều đã sớm được khởi động trở lại đảm bảo xuất khẩu 1 triệu sản phẩm với giá trị khoảng trên 20 triệu USD trong quý I/2022.
Thích ứng, phát triển trong điều kiện mới
Năm 2022 được dự báo là vẫn tiếp tục còn những thách thức đối với hoạt động XNK như: Đại dịch Covid-19 có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng trưởng kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro, diễn biến giá cả hàng hóa toàn cầu trở nên khó dự đoán...
Mặc dù còn những khó khăn, thách thức song những tín hiệu khởi sắc ngay từ đầu năm sẽ là động lực thúc đẩy hoạt động XNK trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong năm 2022 này.
Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đã có được sự thích ứng nhất định với những biến đổi của thị trường do dịch bệnh gây ra; cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh cũng sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ những hành động cụ thể tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động XNK.
Trong đó, tỉnh đang và sẽ quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo vùng xanh an toàn bên cạnh việc Quảng Ninh sẽ tăng cường liên kết vùng và hợp tác quốc tế trong phát triển dịch vụ logistics; tổ chức thông quan hàng hóa thuận lợi, kiểm soát, quản lý giá dịch vụ bốc xếp, vận chuyển, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thông quan hàng hóa; tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; phát triển dịch vụ vận tải, logistic, kinh tế thương mại, dịch vụ biên giới, nhất là sau khi tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái và các dự án lớn của tỉnh đi vào hoạt động.
Đồng thời, chủ động, tích cực, kịp thời tham mưu, báo cáo, đề xuất với bộ, ngành ban hành cơ chế, chính sách phát triển bền vững thương mại biên giới; nâng cấp hạ tầng các cửa khẩu đường bộ, cảng biển trên địa bàn để đáp ứng nhu cầu XNK hàng hóa trong thời gian tới; tổ chức xúc tiến, tìm kiếm thị trường, nguồn hàng XNK; tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp trong các lĩnh vực về đầu tư phát triển nhằm thúc đẩy hoạt động XNK hàng hóa qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh phát triển hiệu quả.
Những chủ trương, hành động thiết thực của chính quyền địa phương ngay từ những ngày đầu năm là tiền đề vững chắc tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân về tương lai tươi sáng, thành công của hoạt động xuất nhập khẩu tại Quảng Ninh./.