Quảng Ninh: phát hiện 4 ca nhiễm vi khuẩn ăn thịt người
Thông tin từ khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết đang điều trị cho 4 trường hợp bệnh nhân mắc vi khuẩn 'ăn thịt người' - Whitmore.
Các bệnh nhân này biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, diễn biến bán cấp tính gây tổn thương đa dạng nhiều cơ quan, làm suy yếu hệ miễn dịch như nhiễm khuẩn huyết, áp xe gan, áp xe cẳng chân, viêm màng não.
Điển hình như bệnh nhân V.T.H (67 tuổi, trú tại TP Hạ Long, Quảng Ninh) có tiền sử bệnh đa u tủy xương, tăng huyết áp. Bệnh nhân được chuyển từ bệnh viện tuyến trên về điều trị tại Bệnh viện Bãi Cháy với chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (Whitmore), có ổ di trú viêm phổi. Bệnh nhân đã được điều trị theo phác đồ kết hợp nạo viêm, chạy VAC loét cùng cụt.
Đối với những trường hợp bệnh nhân cao tuổi, có bệnh lý nền nhiễm bệnh Whitmore có tổn thương nghiêm trọng, thời gian điều trị dài ngày.
Trường hợp khác là bệnh nhân Đ.T. D (62 tuổi, trú tại TP Uông Bí, Quảng Ninh) có tiền sử đái tháo đường. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt, gai rét, đau mỏi người, sưng đau phần mềm cẳng chân trái có mủ, hội chứng nhiễm trùng rõ.
Xét nghiệm cấy mủ cho thấy dương tính với khuẩn Whitmore. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết, áp xe cẳng chân do khuẩn whitmore trên nền đái tháo đường và cho điều trị bằng kháng sinh, dẫn lưu ổ áp xe tại cẳng chân.
Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Công Đức, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy, cho biết bệnh Whitmore có biểu hiện về lâm sàng rất đa dạng, tổn thương rất nhiều cơ quan và bệnh diễn biến theo hướng bán cấp tính nên đôi khi thầm lặng, bệnh nhân diễn biến từ từ và khi nhập viện thì đã có những ổ áp xe rất sâu, trên nhiều cơ quan.
"Chúng tôi đã và đang điều trị cho nhiều bệnh nhân bị viêm phổi, viêm mô mềm, viêm xương đùi, viêm khớp háng, ápxe đa ổ, ápxe tại các cơ quan như cơ, gan, lách, thận, viêm màng não nhiễm khuẩn huyết. Tỷ lệ tử vong tương đối cao nếu không điều trị kịp thời. Những người có bệnh nền như đái tháo đường, suy thận, bệnh gan, bệnh phổi mạn tính, người suy giảm miễn dịch có nguy cơ cao mắc bệnh"- bác sĩ Phạm Công Đức thông tin thêm.
Các bác sĩ khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc có tiếp xúc với đất, nước bị nhiễm khuẩn hoặc trong môi trường không đảm bảo vệ sinh, làm sạch hoàn toàn vết rách da, trầy xước hoặc bỏng bị nhiễm bẩn và thực hiện ăn chín uống sôi…
Đặc biệt, khi bệnh nhân có các vết loét ở ngoài da, các triệu chứng như sốt, nhức mỏi tay chân, ho, đau bụng, đi lỏng nhiều lần, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời.
Cũng theo bác sĩ CKII Phạm Công Đức, phương pháp chẩn đoán bệnh Whitmore vẫn là dựa trên các xét nghiệm vi sinh học trong máu, mủ tại phần da bị tổn thương.
Thời kỳ ủ bệnh đối với căn bệnh này từ 1- 21 ngày, có thể kéo dài và khó chẩn đoán, bệnh nhân khi đến bệnh viện đã tổn thương rất nhiều cơ quan. Việc điều trị bệnh Whitmore trên từng trường hợp bệnh nhân sẽ có phương pháp, phác đồ điều trị thời gian khác nhau.
Hiện chưa có vaccine phòng bệnh và bệnh không lây từ người sang người.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quang-ninh-phat-hien-4-ca-nhiem-vi-khuan-an-thit-nguoi.html